Luật sư cho rằng các hành vi của cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh đều diễn ra trong tình huống khẩn cấp, mọi việc phải giải quyết trong tình huống cấp bách nên tính đúng hay sai rất khó phân định.
Bị cáo Chu Ngọc Anh - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Chiều 8-1, phiên tòa xét xử ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long cùng 36 người trong vụ án Việt Á tiếp tục phần tranh luận, các luật sư nêu quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình.
"Ông Chu Ngọc Anh ký các quyết định là trong bối cảnh cấp bách"
Trong vụ án này, viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX xử tuyên phạt bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) mức án từ 3 - 4 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Viện kiểm sát đánh giá cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh phạm tội trong bối cảnh dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt đời sống. Hành vi sai phạm của bị cáo gây dư luận xấu trong nhân dân, nhất là lĩnh vực khoa học công nghệ.
Bào chữa cho bị cáo Chu Ngọc Anh, luật sư Nguyễn Văn Chiển đề nghị HĐXX cho bị cáo được hưởng mức án bằng thời hạn tạm giam. Bị cáo Chu Ngọc Anh bị tạm giam từ ngày 7-6-2022.
Theo luật sư, ông Chu Ngọc Anh đã thừa nhận hành vi và chỉ mong HĐXX xem xét bối cảnh khách quan, đánh giá toàn diện vụ án.
Liên quan đến cáo buộc ông Chu Ngọc Anh ký quyết định phê duyệt đề tài, giao cho Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á thực hiện là trái quy định của pháp luật, luật sư cho biết theo Luật Khoa học và công nghệ về đề xuất nhiệm vụ thì có hai dạng, gồm cơ quan/tổ chức, cá nhân tự đề xuất và bộ trưởng chủ động hoặc theo yêu cầu của Chính phủ đề xuất đặt hàng.
Theo luật sư, việc lấy ý kiến tư vấn xoay quanh đề tài thông qua hội đồng tư vấn khoa học công nghệ. Ngoài ra, Luật Khoa học và công nghệ cũng đề cập đến việc Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Luật sư viện dẫn lại thông tin ngày 21-1-2020 có 225 trường hợp mắc COVID-19, bốn người tử vong. Đến ngày 1-2-2020, số người mắc đã hơn 11.000 người, số người tử vong cũng tăng lên. Trong khi đó lúc này chưa có vắc xin, chưa có thuốc đặc trị.
"Việc ký các quyết định của ông Chu Ngọc Anh là trong bối cảnh cấp bách", luật sư nêu quan điểm.
Luật sư cho rằng với tư cách là người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ, cựu bộ trưởng phải hành động.
Cụ thể, ông Chu Ngọc Anh đã trao đổi với thứ trưởng Phạm Công Tạc để tổ chức cuộc gặp với các nhà khoa học, xin ý kiến, góp ý, khuyến cáo.
Ông Ngọc Anh đã ký các quyết định, xác định ba nhiệm vụ chính, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu kit xét nghiệm COVID-19. Tiếp đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Học viện Quân y ký hợp đồng triển khai.
Theo luật sư, Việt Á tham gia là theo đề nghị của Học viện Quân y. Như vậy không có hành vi nào của cựu bộ trưởng là trái với quy định của Luật Khoa học và công nghệ, mong HĐXX xem xét.
Luật sư: Ông Chu Ngọc Anh có lỗi sai nhưng không nguy hiểm đến mức truy cứu hình sự
Về việc đưa kit xét nghiệm sản xuất thương mại trái quy định, luật sư cho rằng đề tài này dừng ở mức nghiên cứu quy trình, Bộ Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm sản xuất thương mại. Đây là nội dung nằm ngoài phạm vi đề tài.
Vấn đề sản xuất thương mại là trách nhiệm của Bộ Y tế. Đề tài vẫn thuộc phạm vi quản lý của Học viện Quân y nên trách nhiệm chính là Học viện Quân y.
Theo luật sư, lĩnh vực nghiên cứu khoa học là đặc thù, chỉ có người trực tiếp nghiên cứu mới biết rõ, vì vậy, luật sư nói lên sự lăn tăn, đắn đo về việc sản phẩm này là của Việt Á hay của đề tài. Trong khi Bộ Khoa học và Công nghệ chưa có kết quả nghiệm thu đề tài.
"Mong tòa đánh giá chính xác sản phẩm kit test Việt Á là của ai, để cân nhắc, xem xét là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Chu Ngọc Anh", luật sư đề nghị.
Luật sư khẳng định các hành vi của ông Chu Ngọc Anh đều diễn ra trong tình huống khẩn cấp, mọi việc đều phải giải quyết trong tình huống cấp bách nên tính đúng hay sai rất khó phân định.
Trong vụ án này, theo luật sư, thân chủ của mình có lỗi sai nhưng không nguy hiểm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX cho bị cáo Chu Ngọc Anh được hưởng mức án bằng thời hạn tạm giam.
Nguồn: Báo TUỔI TRẺ