Kết quả một nghiên cứu về lương đủ sống tại Việt Nam của Viện nghiên cứu Anker (Anker Research Institute) vừa công bố cho thấy lương tối thiểu được áp dụng ở Việt Nam thường quanh mức 50% lương đủ sống.
6 khoản chi phí để tính toán lương đủ sống gồm: chế độ ăn uống chi phí thấp, nhà ở cơ bản (có thể đảm bảo sức khỏe), giáo dục đạt tới bậc THCS, chăm sóc sức khỏe thích hợp, các nhu cầu khác và khoản chi phí phát sinh ngoài dự kiến - Nguồn: Anker Research Institue
Lương đủ sống từ 6,14 - 8,61 triệu đồng
Nghiên cứu từ 14 tỉnh thành và 22 quận, huyện ở ba miền Bắc, Trung, Nam đã đưa ra thống kê về lương đủ sống cho bốn vùng, có thể xem là tương ứng với bốn mức lương tối thiểu áp dụng cho bốn vùng Việt Nam đang áp dụng.
Vùng 1 gồm các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. Vùng 2 là các tỉnh, thành xung quanh TP.HCM, Hà Nội. Vùng 3 là các khu vực đô thị khác. Vùng 4 tính là khu vực vùng sâu, vùng xa.
Theo đó, mức lương đủ sống cho vùng 1, 2, 3, 4 năm 2022 mà nghiên cứu công bố lần lượt là 8,55 triệu - 7,61 triệu - 7,39 triệu - 6,1 triệu đồng. Trong khi đó, lương tối thiểu vùng 2022 chính thức của Việt Nam là 4,68 triệu - 4,16 triệu - 3,64 triệu - 3,25 triệu đồng.
Lương đủ sống cập nhật cho năm 2023 với 4 vùng theo nghiên cứu nói trên lần lượt là 8,61 triệu - 7,88 triệu - 7,66 triệu - 6,14 triệu đồng.
Bảng tóm tắt lương đủ sống cho 4 vùng năm 2022 với 9 cột tương ứng: vùng, chi phí thực phẩm, chi phí nhà ở, các chi phí khác ngoài thực phẩm và nhà ở, chi phí phát sinh 5%, tổng chi phí, số người lao động trong một gia đình, lương thực nhận, tổng lương (sau khi cộng thêm khoản đóng góp bắt buộc cho an sinh xã hội) - Nguồn: Anker Reseach Institute
Mức lương này được tính toán dựa trên nhiều yếu tố gồm chi phí thực phẩm, chi phí nhà ở, chi phí cho các nhu cầu khác (học tập, quần áo, giày dép, nhu cầu liên quan đến sức khỏe…), số lao động trung bình trong gia đình, số thành viên của "gia đình hạt nhân", chi phí biên 5% và tỉ lệ đóng góp an sinh bắt buộc.
Anker so sánh mức lương đủ sống trong kết quả nghiên cứu với lương tối thiểu của Việt Nam hiện nay và nhận định lương tối thiểu được áp dụng ở Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 50% lương đủ sống.
Điển hình, mức lương đủ sống 2022 ở vùng 1 (TP.HCM, Hà Nội) theo Anker là 8,55 triệu đồng. Trong khi lương tối thiểu vùng cho năm 2023 của vùng 1 là 4,68 triệu (bằng 54,7% lương đủ sống).
Mức lương tối thiểu chỉ là chốt chặn
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tham vấn với các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như đại diện liên quan lĩnh vực lao động để chuẩn bị dự thảo hồ sơ trình gia nhập Công ước số 131 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về ấn định tiền lương tối thiểu.
Tại buổi tham vấn tổ chức ở TP.HCM trong hai ngày 15 và 16-11, hầu hết chuyên gia đều nhận định "lương tối thiểu còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo quy định của Bộ luật Lao động". Đồng thời còn xa sàn lương châu Á và mức lương đủ sống của Liên minh lương đủ sống toàn cầu.
Tương quan giữa lương đủ sống (màu xanh nhạt) và lương tối thiểu vùng (màu xanh đậm) 2022 đang áp dụng của Việt Nam - Nguồn: Anker Research Institute
Đại diện Cục Quan hệ lao động và tiền lương cho rằng lương tối thiểu chỉ quy định mức sàn, là mức thấp nhất trên thị trường lao động và người sử dụng lao động không được trả mức thấp hơn.
Còn trả mức lương cho người lao động, tăng lương như thế nào là tùy thuộc vào thương lượng giữa họ và người sử dụng lao động.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng nhìn nhận cơ chế đối thoại, thương lượng tập thể chưa đủ mạnh nên các bên vẫn bám vào lương tối thiểu vùng. Chủ sử dụng lao động bám vào lương tối thiểu vùng để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động ở mức thấp, hạn chế chi phí.
Trong khi người lao động lại bám vào các đợt tăng lương tối thiểu để gây sức ép tăng lương ngay cả khi doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn.
Cho rằng lương tối thiểu của Việt Nam còn thấp nhưng ông Xavier Estupinan - chuyên gia tiền lương của ILO - đánh giá việc thực hiện lương tối thiểu ở Việt Nam đang đi đúng hướng, các quy định hiện hành có sự tương thích với các tiêu chuẩn của ILO.
Theo ông, Việt Nam có thể tiếp tục cơ chế tham vấn với sự tham gia của ba bên (người lao động - Nhà nước - người sử dụng lao động) như hiện nay một cách đầy đủ và hiệu quả để đạt mục tiêu "lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online