Người Việt nên xóa bỏ văn hóa nói thách

Năm 19 tuổi tôi qua Mỹ, sống ở nước ngoài hơn 40 năm liên tục. Đến nay khi về lại Việt Nam, tôi phát hiện ra nhiều thứ đã thay đổi nhưng văn hóa nói thách trong mua bán ở quê nhà thì vẫn sống dai dẳng.

Tôi xuất thân trong một gia đình nghèo, nhà có 9 anh em. Năm tôi 11 tuổi, ba bị liệt nửa người nên tôi phải đi bán thuốc lá ở bến xe lam Gò Vấp, sau đó về Lái Thiêu (Bình Dương) cày mướn, làm nông thuê để phụ lo cho gia đình.

Mỗi bữa gia đình tôi chỉ ăn cơm độn khoai mì (sắn). Đói. Không có ăn nên tôi không dám mơ cao sang. Tôi chỉ ước ao có một đĩa cơm tấm đầy ắp thịt và được ăn một mình hết đĩa cơm đó mà không phải chia cho anh em. Nghèo đói như vậy nhưng khi đi bán thuốc lá hay cày mướn, tôi không hề nói thách, không đòi số tiền vống lên chỉ để được lợi một lần. Tôi thấy khá nhiều khách hàng thích như thế. Họ tín nhiệm tôi và tôi được nhiều người thuê hơn.

1 Nguoi Viet Nen Xoa Bo Van Hoa Noi Thach

Du khách tham quan, mua sắm tại chợ Bến Thành (Ảnh minh họa: Ngọc Ngân).

Khi về lại Việt Nam bản thân tôi không còn khả năng trả giá vì đã quen mua hàng ở Mỹ, cho dù hồi nhỏ tôi từng biết cách áp dụng những chiêu trò tâm lý để mua được giá rẻ.

Gần đây, mỗi sáng sớm khi đi mua đồ ăn sáng, tôi thường ghé chợ nhỏ mua rau củ quả tươi và sống lại cảm giác thành phố xưa kia. Hôm rồi tôi ghé một sạp thấy cà rốt ngon, hỏi bao nhiêu một kg, chị bán hàng nói "35 ngàn đồng/kg". Tôi nhớ lại: Hình như hôm trước đi siêu thị thấy cà rốt chỉ khoảng 25 ngàn đồng/kg thì phải. Thế là tôi tính quay lưng đi, nhưng thấy cây bông cải trắng nên tiện hỏi giá luôn. Chị bán hàng trả lời "25 ngàn đồng/kg". Tôi biết chị đã đưa ra giá tốt hơn, có thể vẫn còn đắt một chút song tôi quyết định vẫn mua. 

Hôm sau đi ngang qua một sạp khác, vì tò mò với giá cà rốt ở chợ khác siêu thị như thế nào nên tôi chỉ tay vào cà rốt "Cô bán bao nhiêu một kg?". Chủ hàng trả lời "15 ngàn đồng/kg". Thế là tôi sẽ không bao giờ trở lại cửa hàng của cô chủ hôm trước nữa.

Mấy tháng trước, tôi đi cắt tóc trong xóm. Đi ngang qua tiệm vắng vẻ của một bác lớn tuổi, tôi tội nghiệp ghé vào. Sau khi hớt xong, bác bảo 120 ngàn đồng! Tôi lấy ví trả tiền cho bác và trong đầu không khỏi nghĩ rằng có một tiệm cách đó vài bước chân, cũng có cùng một không gian dịch vụ mà tôi từng cắt chỉ lấy 50 ngàn đồng.

Không phải tôi tiếc vài ngàn khi đi chợ hay đi cắt tóc, nhưng quả thật cảm giác là người bán hàng, người cung cấp dịch vụ không tôn trọng khách, chỉ muốn lấy thêm tiền từ khách dù mặt bằng giá chung thấp hơn. Khi trải qua cảm giác như vậy, dù muốn hay không thì tôi cũng rất khó để tin tưởng người bán hàng đó nữa.  

Báo chí đã phản ánh rất nhiều về tình trạng nói thách, chặt chém ở các khu chợ, các khu dịch vụ trên toàn quốc, trong đó có chợ Bến Thành ở TPHCM. Mới đây có bài báo nêu du khách ra chợ Bến Thành hỏi ba đôi tất và bị hét giá 700 ngàn đồng thế là họ bỏ đi cho dù chủ gọi lại cho giá thật 60 ngàn đồng. Tại sao du khách vẫn không mua? Họ mất niềm tin vào cửa hàng đó rồi và họ sẽ không bao giờ ghé lại tiệm đó. Và có khả năng cao là họ sẽ không quay lại Việt Nam.

Nếu tôi là khách nước ngoài thì tôi cũng thế vì có nhiều nơi khác để đi du lịch, tại sao lại đi vào chỗ cho mình trải nghiệm không tốt.

Văn hóa nói thách đã tồn tại từ lâu ở Việt Nam, gắn với những ngôi chợ truyền thống, gắn với buôn bán nhỏ. Dù có giải thích văn hóa này ở góc độ nào đi chăng nữa tôi cũng thấy vô hình trung nó khuyến khích con người ta thiếu chân thật, thậm chí làm mất đi tính tự trọng khi "mừng thầm" vì khách trả giá hớ. 

Lòng tự trọng là một giá trị cốt lõi tạo nên xã hội văn minh. Có lẽ tôi không sống ở Việt Nam quá lâu rồi nên không còn thấy nét đẹp của văn hóa nói thách này. Nếu tôi có thiếu sót thì xin hãy chỉ giáo. Nhưng tôi chỉ mong rằng mọi người dân trong nước và mọi du khách khi đi mua hàng đều yên tâm là chọn được giá đúng, chứ không phải thắc thỏm liệu mình có mua hớ hay không. Và nếu có dịp họ khám phá ra họ bị hớ thì cái cảm xúc bị lường gạt rất là khó chịu. Cái giá là người chủ tiệm đó mất đi một khách hàng có thể lâu dài.

Tác giả: Giáo sư Trương Nguyện Thành có bằng Tiến sĩ Hóa tính toán tại Đại học Minnesota năm 1990. Ông nhận học bổng hậu tiến sĩ từ National Science Foundation. Năm 2002, ông trở thành giáo sư chính giảng dạy môn Hóa học ở Đại học Utah. Năm 2017, ông tạm nghỉ và về Việt Nam làm Hiệu phó Đại học Hoa Sen, rồi Hiệu phó tại Đại học Văn Lang ở TP HCM. Hiện ông dành thời gian tư vấn cho các tổ chức giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

Bài liên quan