Tài nguyên và môi trường, kiểm toán, công thương, văn hóa - thể thao và du lịch, giáo dục và đào tạo, là 5 nhóm lĩnh vực chất vấn được xin ý kiến Quốc hội. 4/5 nhóm sẽ được lựa chọn để chất vấn.
Tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 19/5, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết kỳ họp sẽ dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn.
Theo ông Cường, từ đầu tháng 4 đã, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản gửi đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội để xem xét, gửi vấn đề cần chất vấn.
Sau đó, qua theo dõi thông tin từ báo cáo tiếp xúc cử tri, báo cáo công tác dân nguyện và thông tin báo chí, ông Cường cho biết có trên 10 lĩnh vực được tổng hợp để Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường (Ảnh: Hồng Phong).
Các cơ quan sau đó bỏ phiếu kín để chọn ra 6 lĩnh vực, trên cơ sở đó xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn 5 lĩnh vực.
"5 lĩnh vực được đưa ra để xin ý kiến gồm: Tài nguyên và môi trường; kiểm toán; công thương; văn hóa - thể thao và du lịch; giáo dục và đào tạo", ông Cường thông tin.
Trong 5 nhóm vấn đề này, Quốc hội sẽ chọn ra 4 nhóm để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7.
Trong danh sách dự kiến trên, lĩnh vực công thương và kiểm toán lần đầu được đưa vào nhóm dự kiến chất vấn.
Trước đó, ở Kỳ họp thứ 6, Quốc hội chất vấn theo các nhóm lĩnh vực chứ không theo nhóm vấn đề.
Còn ở kỳ họp thứ 5, 4 bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn gồm: Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Theo thông lệ, lĩnh vực nào được chọn, bộ trưởng/trưởng ngành sẽ là người trả lời chính, Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các tư lệnh ngành có liên quan ở danh sách "chia lửa", cùng tham gia giải trình, làm rõ.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí