Làm cách nào để tăng lợi nhuận cho nông dân, bên cạnh canh tác 4 vụ một năm?
Là một người lớn lên ở thôn quê, có tuổi thơ gắn bó với ruộng đồng, tôi có nhiều kỷ niệm với những vụ mùa gặt lúa. Câu chuyện được mùa, mất giá hay ngược lại luôn ám ảnh những người nông dân trồng lúa.
Sống và làm việc ở thành phố lâu, thỉnh thoảng về thăm quê, tôi rất bất ngờ với những món ăn sáng rất rẻ.
Tôi từng hỏi cô bán cháo lòng "tô cháo thịt, phèo nhiều thế này trên thành phố tệ lắm cũng giá 30 nghìn đồng, cô bán 15 nghìn đồng thì làm sao lời". Cô hàng cháo nhìn tôi cười: "Lời ít, lấy công làm lời, bán 15 nghìn mà có người còn chê mắc đó".
Tôi hiểu rằng, mức sống ở những vùng quê còn thấp. Nhất là với những vùng kinh tế chủ yếu dựa vào cây lúa. Một năm sản xuất hai, ba vụ lúa, đằng đẵng hàng tháng trời với tiền giống, tiền phân bón, thuốc trừ sâu... nhưng sau khi tính hết chi phí, người nông dân canh tác với diện tích nhỏ hầu như lời rất ít.
Năm 2023 là năm giá trị xuất khẩu gạo cao nhất từ trước đến nay xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn với trị giá 4,7 tỷ USD - mức kỷ lục của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. So với 2022, xuất khẩu gạo tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Nghe thông tin này tôi mừng, những vẫn còn lo. Mừng vì thấy nông dân được một năm trúng mùa, trúng giá. Nhưng lo vì biên độ lợi nhuận trồng lúa vẫn chưa cao.
Tôi lấy một ví dụ cụ thể, một chiếc laptop cơ bản đáp ứng được tác vụ văn phòng cho sinh viên cũng có giá 11-12 triệu đồng. Với giá bán 9 nghìn đồng một kg (tôi lấy giá trung bình các giống lúa hiện tại) thì để mua chiếc laptop cho con đi học phải mất hơn 1,7 tấn lúa. Mà chưa kể, không phải gia đình nào cũng có đủ đất canh tác để thu về hàng tấn lúa, cũng như chưa kể những lúc năng suất, giá bán kém hơn.
Trong khi đó, một chuyên gia nêu ý kiến rằng các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long với lợi thế nước ngọt quanh năm có thể làm 4 vụ lúa, trong bối cảnh giá lúa gạo tăng cao.
Dù có khuyến cáo các địa phương tùy từng vùng, sức khỏe của đất, trình độ nông dân để áp dụng linh hoạt, phù hợp. Việc tăng vụ chỉ nên tiến hành vào những năm thời tiết cực đoan, sản lượng lương thực thế giới nguy cơ thiếu, đẩy giá lúa trong nước tăng cao.
Song tôi cũng như nhiều độc giả khác vẫn băn khoăn vì làm lúa 4 vụ một năm, đất không được nghỉ ngơi, tài nguyên nước bị khai thác nhiều.
Nhưng có lẽ mục đích sâu xa của đề xuất làm lúa 4 vụ là để tận dụng thời gian, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Làm thế nào để người nông dân có thể an tâm với mức thu nhập từ việc trồng lúa, có lẽ sẽ phải rất mất thời gian để tìm lời giải mang tính bền vững, chứ không phải vắt kiệt sức đất.
Trùng Dương