Quốc hội thông qua Luật Căn cước mới: Hơn 80 triệu căn cước có phải làm lại?

Theo quy định của Luật Căn cước mới, căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ.

1 Quoc Hoi Thong Qua Luat Can Cuoc Moi Hon 80 Trieu Can Cuoc Co Phai Lam Lai

Bộ Công an đề xuất cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho trẻ em dưới 6 tuổi - Ảnh: CA Hà Nội

Sáng 27-11, với đa số tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024.

Người dân khi có nhu cầu được cấp đổi sang căn cước

Đáng chú ý, một nội dung nhận được nhiều quan tâm là đến thời điểm hiện tại, theo thông tin của Bộ Công an, đã có hơn 80 triệu thẻ căn cước công dân được cấp trên cả nước. Với căn cước công dân này, sau khi luật mới có hiệu lực, người dân có phải làm lại căn cước không?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một đại diện Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cơ quan thẩm tra luật, nêu rõ trong luật được Quốc hội bấm nút thông qua đã có quy định chuyển tiếp.

Chính thức thông qua đổi tên Luật Căn cước, nhiều thay đổi trên thẻ căn cước

Theo đó, căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. 

Người dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới trình bày cũng nêu rõ một số nội dung.

Trong đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu trường hợp căn cước công dân hết hạn sử dụng sau ngày Quốc hội thông qua luật thì cho phép tiếp tục được sử dụng đến hết năm 2024.

Điều này tránh gây phiền hà cho người dân phải đổi nhiều lần khi có nhu cầu đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước khi luật này có hiệu lực.

Theo ông Tới, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung quy định về chuyển tiếp đối với căn cước công dân và chứng minh nhân dân.

Cụ thể, căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024. Cùng với đó, bổ sung quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2024.

Khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống làm giả

Cũng theo ông Tới, có ý kiến đề nghị báo cáo thêm về vấn đề bảo mật của căn cước gắn chip vì dễ bị xâm nhập, theo dõi.

Về nội dung này, ông Lê Tấn Tới nêu rõ căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ.

Trong chip điện tử trên căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.

Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu, nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.

Bên cạnh đó, để khai thác được các thông tin trong chip điện tử phải sử dụng thiết bị chuyên dụng và các thiết bị này phải được Bộ Công an cung cấp mã bảo mật để xác thực, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật thông tin.

Trường hợp các cơ quan nhà nước khác cung cấp thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin trong căn cước thì các thiết bị này đều phải được cơ quan chuyên môn của Bộ Công an kiểm tra và cung cấp mã bảo mật.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan