"20/10 này, lớp mình có 8 cô. Cô chủ nhiệm chi quà 1 triệu đồng, các cô bộ môn và bảo mẫu 500.000 đồng. Chi phí chia đều cho tất cả phụ huynh nhé!".
Đó là nội dung tin nhắn chị Trần Thị Ngà, có con học tiểu học ở TPHCM, nhận được trong nhóm trao đổi của phụ huynh từ đại diện cha mẹ học sinh lớp nhiều ngày trước. Tiếp đó là những thông tin, kế hoạch về việc tặng hoa, quà cho giáo viên.
Chị Ngà cho hay, khi đưa ra kế hoạch này, ban đại diện cha mẹ học sinh không hề hỏi ý kiến phụ huynh đồng ý hay không. Tất cả chỉ đưa ra kế hoạch tặng quà, thu chi từ phụ huynh và chia đều trên đầu người.
Phụ huynh tại TPHCM tham gia chương trình đối thoại đầu năm học với nhà trường (Ảnh minh họa: Hoài Nam).
Người mẹ cho biết, trong kế hoạch đầu năm, đã đóng góp các khoản tri ân giáo viên vào các dịp lễ chính như 20/11, Tết Âm lịch và ngày tổng kết cuối năm.
Ngày 20/10 không nằm trong lịch "ngày tri ân" thế nhưng chị không ngờ được rằng ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn phát động đóng góp theo diện... đột xuất.
Chị Ngà đang định lên tiếng phản đối thì một vài phụ huynh khác phụ họa: "Tính ra mỗi người cũng chỉ đóng hơn 100.000 đồng" làm chị Ngà thấy nghẹn ngang cổ họng.
Người mẹ cho hay, con chị đi học nhiều năm, gần như năm nào cũng nghe hội phụ huynh đề xuất từ sửa sang lớp học, thay rèm, mua thêm cái này cái kia… Gần đây, còn nở rộ các khoản "hiếu hỉ" trong trường học. Ngoài vấn đề tri ân thầy cô trong các dịp lễ còn đủ thứ tiền hoa, quà chúc mừng nhà trường dịp này dịp nọ rất hình thức, lãnh phí.
Chi Ngà cho rằng, mỗi thứ một ít, chuyện quà cáp thầy cô, trường học lẽ ra mang tính tri ân thì lại trở thành áp lực, mệt mỏi với nhiều gia đình, nhất là những nhà có 2-3 con đi học.
Bà N.T., có con học tại một trường phổ thông ở TPHCM kể, có năm bà được chọn vào ban đại diện cha mẹ học sinh. Có thể trong hồ sơ của bà, công việc là "Hội trưởng" tại một tổ chức xã hội nên bà được giáo viên "chọn mặt gửi vàng" gọi vào ban.
Theo bà T., tiền phong bì từ quỹ phụ huynh không chỉ ở chỗ tri ân, quà cáp thầy cô vào dịp lễ mà còn đủ khoản "hoa lá" khác trong năm như hoa quà chúc mừng nhà trường vào hàng loạt ngày lễ trong năm như khai giảng, 20/11, thành lập trường, tổng kết học kỳ, tổng kết năm…
Ngày lễ nào cũng có lãng hoa tiền triệu cực kỳ lãng phí mà theo bà T., mọi người kiểu như "cha chung không ai khóc".
Bà T. từng lên tiếng chỉ ra nhiều khoản chi không cần thiết, gây lãng phí cùng thừa nhận gia đình mình cũng sẽ rất chật vật để đóng những khoản này. Lúc này, nhiều người mới rõ về chức "Hội trưởng" của bà không phải là khá giả gì. Sau đó, bà T. xin rút khỏi ban đại diện cha mẹ học sinh và được đồng ý ngay.
Bà T. cho hay, nhiều khoản tri ân, quà cáp cho thầy cô, bảo mẫu trong trường học được đưa ra với lý lẽ mang tính hỗ trợ do "thu nhập của thầy cô, bão mẫu còn thấp".
Điều này trở thành cái cớ hợp lý để tri ân, quà cáp đến giáo viên. Còn phụ huynh, trong một tập thể có muốn từ chối, muốn không tự nguyện cũng không dễ.
Vấn đề quà cáp trong nhà trường trở thành áp lực với nhiều gia đình có con đi học (Ảnh minh họa: Hoài Nam).
Người này cũng băn khoăn, giờ đây ban đại diện cha mẹ học sinh can thiệp rất sâu vào các vấn đề của nhà trường.
Vậy nhưng, bà T. nhận thấy đó không phải là sự sâu sát, trao đổi nhằm nắm rõ tình hình học tập, các vấn đề giáo dục của con trẻ mà chủ yếu là sự can thiệp để đóng tiền, đóng quỹ cho khoản này khoản kia.
Trên thực tế, thông qua hội phụ huynh, không ít khoản tiền trường được "đẻ" ra trên hành trình đi học của con trẻ.
Trẻ đi học giờ đây không chỉ là học phí, tiền chi phí ăn uống, sách vở, những khoản phục vụ trực tiếp cho các em mà còn đủ các khoản đi kèm.
Như danh sách "một năm 6 ngày lễ thầy cô" (ngày 20/10, ngày 20/11, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, 8/3 và cả ngày tổng kết năm học) xảy ra tại một lớp học ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7, TPHCM gây choáng váng mới đây. Các khoản này được lý giải là do ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tự đưa ra, tự triển khai.
Cũng giống tại trường học này, không ít sự việc thu chi trong trường học khi dư luận phản ánh đều được giải thích do ban đại diện cha mẹ học sinh tự thực hiện, triển khai. Sự nhiệt tình này của ban đại diện cha mẹ học sinh làm không ít trường học bị gánh tiếng… oan.
Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM có văn bản chấn chỉnh việc tổ chức, thực hiện thu, chi, vận động tài trợ và sử dụng kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, đầu năm học 2024-2025, sở đã ban hành công văn hướng dẫn về việc sử dụng các khoản thu chi; tăng cường quản lý các khoản vận động tài trợ cho giáo dục và kinh phí hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn vài trường hợp chưa thực hiện đúng.
Cụ thể, tại các đơn vị này, lãnh đạo và giáo viên vẫn chưa hiểu rõ, chưa thực hiện đúng việc tổ chức vận động các khoản thu, chi từ các nguồn tài trợ… dẫn đến thực hiện không đúng quy định tại Thông tư số 16/2018 và Thông tư số 55/2011 về Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh.
Điều này gây dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành và các đơn vị, đồng thời gây hiểu lầm cho phụ huynh.
Nhằm xử lý dứt điểm tình trạng thu, chi không đúng quy định, Sở GD&ĐT yêu cầu lãnh đạo phòng GD&ĐT và hiệu trưởng các trường (bị dư luận và báo chí phản ảnh) tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.
Sở GD&ĐT TPHCM vừa có yêu cầu chấn chỉnh việc sử dụng quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh (Ảnh minh họa: Hoài Nam).
Người đứng đầu đơn vị giải trình, phân tích, xác định trách nhiệm sai phạm cụ thể trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện và đề xuất biện pháp xử lý nghiêm.
Các đơn vị này có biện pháp kỷ luật phù hợp, kịp thời (nếu có) đối với những trường hợp xác định sai phạm; nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm do không biết hoặc không xử lý kịp thời.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí