Việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, theo đại biểu Trần Văn Lâm, được xếp vào chương trình năm 2025 xem xét là bình thường, đúng lộ trình.
Ông Trần Văn Lâm - Ảnh: GIA HÂN
Tại cuộc họp báo kết quả kỳ họp thứ 6 ngày 29-11, phóng viên đặt câu hỏi về chính sách thuế thu nhập cá nhân, trong đó có giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu cả chục năm, người dân rất bức xúc, nhưng theo kế hoạch phải tới cuối năm 2025 Chính phủ mới trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào chương trình 2025 xem xét là đúng lộ trình
Trả lời câu hỏi này, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm cho biết các nội dung đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được tính toán cân nhắc từ đầu nhiệm kỳ.
Ông nêu rõ việc Luật Thuế thu nhập cá nhân được xếp vào chương trình năm 2025 xem xét là bình thường, đúng lộ trình.
Đồng thời nhấn mạnh các ý kiến cho rằng việc chính sách dễ dàng cho quản lý nhà nước luôn trở nên cấp bách, cấp thiết, còn việc sửa các chính sách liên quan quyền lợi người dân thì rất chậm là không xác đáng.
Theo ông Lâm, thực tế các nội dung chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội xác định, tính toán, cân nhắc hài hòa, theo lộ trình từ đầu nhiệm kỳ. Rất nhiều chính sách thuế liên quan quyền lợi của người dân được Chính phủ, Quốc hội tích cực đề xuất sửa đổi.
Cụ thể như việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% vừa được Quốc hội thông qua dù là thu gián tiếp qua doanh nghiệp nhưng trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, hay chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để Chính phủ đẩy nhanh tiến độ, trình Quốc hội vào năm 2024.
"Các nội dung, chính sách liên quan đến thuế rất nhiều nên không thể tập trung vào một năm mà cần rải ra, có lộ trình, thời gian, nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, mỗi dự án luật phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt và có đánh giá, tổng kết", ông Lâm nói.
Ông Lâm cho hay bản thân ông cũng "rất sốt ruột" với việc sửa chính sách thuế thu nhập cá nhân và cũng nhận nhiều ý kiến của cử tri, nhân dân
Trên hội trường Quốc hội, ông đã nêu vấn đề này "gay gắt" với mong muốn nếu có điều kiện, khả năng đẩy nhanh tiến độ lên "sửa càng sớm càng tốt" khi nhiều chính sách thuế bất cập, trong đó có thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên khi xem xét một cách tổng thể, ông thấy "việc này tới nay chưa khả thi".
Còn ý kiến khác nhau về 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần
Liên quan 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần trong dự Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý cho hay báo cáo thẩm tra của ủy ban cho thấy có 3 nhóm ý kiến khác nhau của các thành viên với 2 phương án này.
Trong đó, có người đồng tình phương án 1, người đồng tình phương án 2 và không tán thành 2 phương án.
Với phương án 1, chia làm 2 nhóm, trước khi luật có hiệu lực người tham gia vẫn được rút bảo hiểm xã hội 1 lần, với những người sau ngày luật có hiệu lực tham gia không được rút. Phương án 2, được rút 50% tổng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.
Quan điểm chung của ủy ban, khi nhận được 3 luồng ý kiến, cần phải tiếp tục tham vấn công chúng, yêu cầu Chính phủ thể hiện rõ quan điểm, lập luận ưu, nhược điểm của 2 phương án.
Trong quá trình chỉnh lý, Ủy ban Xã hội đã tổng hợp xong ý kiến thảo luận tại tổ, đang tổng hợp ý kiến tại hội trường.
Ngay sau kết thúc kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ làm việc với cơ quan chủ trì, cơ quan có liên quan bàn nội dung lớn của dự thảo, trong đó có 2 phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Tại thời điểm này, Ủy ban Xã hội chưa phân tích sâu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, nên chưa bày tỏ ý kiến được.
Thời gian tới Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với Chính phủ, cơ quan soạn thảo đặc biệt tổ chức tốt tham vấn công chúng, lấy ý kiến tham vấn không chỉ nội dung phương án bảo hiểm xã hội một lần mà còn các nội dung khác của dự luật.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online