Tổng lãnh sự danh dự Pakistan tại TP.HCM, ông Trần Việt Anh, dự định tổ chức một sự kiện kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Pakistan vào giữa tháng 9 tới, thúc đẩy giao thương giữa hai thị trường.
Đại sứ Pakistan tại Việt Nam Kohdayar Marri tặng hoa cho tân Tổng lãnh sự danh dự Trần Việt Anh - Ảnh: DANH KHANG
Đầu tuần này, tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã diễn ra lễ trao chứng nhận tổng lãnh sự danh dự Pakistan cho ông Trần Việt Anh, công dân Việt Nam. Khu vực lãnh sự là TP.HCM, một trong hai vùng kinh tế hàng đầu của đất nước.
Tổng lãnh sự danh dự thứ hai của Pakistan
Ông Trần Việt Anh là tổng lãnh sự danh dự thứ hai của Pakistan tại TP.HCM. Người đầu tiên là ông Dương Quốc Thái, cũng là một doanh nhân.
Được biết ông Trần Việt Anh là phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online , ông Trần Việt Anh cho biết là một doanh nhân có doanh nghiệp xuất khẩu đi nhiều nước nên ông cũng có nhiều cơ duyên với đất nước Pakistan.
Khi được hỏi đâu là những ưu tiên sắp tới trên cương vị mới, ông cho biết sẽ tiếp tục duy trì và làm tốt công tác bảo hộ công dân, tạo điều kiện cho công dân Pakistan sống và làm việc ở TP.HCM được tốt hơn, tuân thủ pháp luật Việt Nam, từ đó đóng góp cho sự hiểu biết giữa người dân hai nước.
Cục trưởng Cục Lãnh sự Doãn Hoàng Minh trao chứng nhận cho ông Trần Việt Anh - Ảnh: DANH KHANG
Cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam - Pakistan
Việt Nam là cửa ngõ vào thị trường Đông Nam Á, còn Pakistan là cầu nối quan trọng để Việt Nam tiếp cận khu vực Trung và Tây Nam Á. Do đó, việc có tổng lãnh sự danh dự Pakistan tại TP.HCM được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai nước.
Tân tổng lãnh sự danh dự chia sẻ dự kiến vào giữa tháng 9 tới, ông sẽ có một sự kiện tại TP.HCM để các doanh nghiệp Việt Nam và Pakistan gặp gỡ, thiết lập quan hệ với nhau tại sự kiện.
"Pakistan là một thị trường tương lai rất tiềm năng cho các doanh nhân Việt Nam, với hơn 230 triệu dân", ông Trần Việt Anh nêu vấn đề với Tuổi Trẻ Online.
Theo ông, Việt Nam và Pakistan cũng có nhiều điểm tương đồng, khi cùng là nước đang phát triển nên cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Việt cũng rất lớn. Ông đặt mục tiêu kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Pakistan đến TP.HCM, đặc biệt trong ngành dệt may, một lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và chỗ đứng trên thế giới.
Cũng theo tổng lãnh sự danh dự, nhiều lĩnh vực mà hai nước có thể hỗ trợ và bổ sung cho nhau, trong đó có thị trường Halal. Lý do, phần lớn dân số Pakistan theo Hồi giáo nên nhu cầu với thực phẩm Halal lớn.
Việt Nam cũng đang theo đuổi thị trường Halal, do đó 230 triệu người dân Pakistan là một thị trường lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tìm chỗ đứng trên bản đồ Halal toàn cầu.
Có thể nói Halal như "con gà đẻ trứng vàng". Báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu ước tính chi tiêu cho thực phẩm Halal đang tăng nhanh từ 1.400 tỉ USD của năm 2020 lên 1.900 tỉ USD vào năm 2030, và gần 5.000 tỉ USD vào năm 2050.
Năm 2023, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Trong đó đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện.
Việt Nam và Pakistan thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11-1972, nhưng cho đến nay mới chỉ có đại sứ quán tại thủ đô của hai nước. Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 700 triệu USD.
DUY LINH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online