Tổng thống Steinmeier: Lao động Việt có thể giúp Đức cải thiện thiếu hụt nhân lực

Tổng thống Đức mong muốn lao động Việt Nam sớm có cơ hội làm việc và cải thiện tình trạng thiếu hụt lao động tại nước này, khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trong cuộc hội kiến với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tại trụ sở chính phủ sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng vai trò, vị thế của Đức tại khu vực và trên thế giới, mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.

Đánh giá cao các dự án hợp tác biểu tượng đang hoạt động hiệu quả như Đại học Việt - Đức, Ngôi nhà Đức, hai lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường xây dựng các cơ chế, khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề. Tổng thống Steinmeier mong muốn lao động Việt Nam sẽ sớm có cơ hội làm việc tại Đức, cải thiện tình trạng thiếu hụt lao động tại nước này.

Đức đang mở rộng cánh cửa chào đón lao động nhập cư có trình độ chuyên môn cao từ nước ngoài để khắc phục tình trạng thiếu lao động. Theo báo cáo của Viện Kinh tế Đức (IW), nước này đến năm 2030 sẽ thiếu hơn 5 triệu nhân lực, do tình trạng già hóa dân số cũng như nhu cầu ngày càng tăng trong các lĩnh vực kinh tế mới.

1 Tong Thong Steinmeier Lao Dong Viet Co The Giup Duc Cai Thien Thieu Hut Nhan Luc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Steinmeier tại trụ sở chính phủ sáng 24/1. Ảnh: Giang Huy

Cục Việc làm Liên bang Đức và Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức đã triển khai dự án thí điểm Hand in Hand for International Talents, hỗ trợ miễn phí cho lao động Việt Nam có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện - điện tử, nhà hàng khách sạn và đầu bếp trên hành trình đến với công việc mới tại Đức.

Tổng thống Steinmeier cũng đánh giá cao cộng đồng người Việt tại Đức, coi đây là tài sản quý báu trong quan hệ giữa hai nước và hai dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ưu tiên kinh tế số và chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, cam kết có trách nhiệm về chống biến đổi khí hậu. Đây là những lĩnh vực Việt Nam mong muốn nhận được sự hợp tác của Đức.

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp, ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, khuôn khổ hợp tác ASEAN - Đức, ASEAN - Liên minh châu Âu (EU).

Hai nước sẽ tăng cường khuyến khích doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực Đức có thế mạnh như năng lượng, đường sắt, thiết bị y tế, dược phẩm, hạ tầng...

Thủ tướng đề nghị Đức sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), tiếp tục hợp tác với Việt Nam triển khai hiệu quả khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mà Đức là bên tham gia, phối hợp triển khai các dự án hợp tác phát triển do Đức tài trợ, ưu tiên lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh sự cần thiết trong duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, ủng hộ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

2 Tong Thong Steinmeier Lao Dong Viet Co The Giup Duc Cai Thien Thieu Hut Nhan Luc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Steinmeier trong cuộc hội kiến ở trụ sở chính phủ ngày 24/1. Ảnh: Giang Huy

Tổng thống Steinmeier và phu nhân thăm cấp nhà nước đến Việt Nam ngày 23-24/1 theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân.

Việt Nam và Đức xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2011. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU, cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt hơn 11 tỷ USD.

Hiện có hơn 350 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam. Tính đến tháng 5/2023, Đức có 444 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,36 tỷ USD, đứng thứ tư EU và thứ 18 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có 11 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư và qua điều chỉnh đạt trên 30,95 triệu USD.

Đức là một trong những nước viện trợ ODA nhiều và thường xuyên cho Việt Nam, với hơn 2 tỷ USD cho các dự án ODA từ năm 1990 đến nay.

Vũ Anh

Nguồn: VNEXPRESS.NET

Bài liên quan