Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đưa ra một số phương án thu phí vào trung tâm giờ cao điểm (phí kẹt xe) để hạn chế phương tiện cá nhân.
Kế hoạch nêu rõ, TPHCM sẽ hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm TPHCM như thu phí xe vào giờ cao điểm, số lượng đỗ xe hạn chế dưới 50% quy chuẩn kết hợp với quản lý đỗ xe theo giờ...
Tắc đường trên tuyến đường Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức, TPHCM (Ảnh: DT).
Cùng với đó, sẽ mở rộng khu vực thu phí kẹt xe đến vành đai Metro trong khi hệ thống Metro khu vực trung tâm đưa vào sử dụng (tuyến số 1, 4, 5, 2, 3, 6).
Khi đó, TPHCM sẽ phát triển các nhà ga Metro chính thành các trung tâm giao thông xanh như bố trí tiện ích các bãi đỗ xe và điểm sạc cho phương tiện thân thiện môi trường phục vụ cho các hành trình đầu/cuối; bố trí điểm đỗ xe cho các phương tiện chia sẻ...
Trước đó năm 2022, Sở GTVT đã có văn bản gửi UBND TPHCM về đề xuất thực hiện lập dự án thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố Trong đó phân tích rõ hai phương án đầu tư công và đối tác công tư (PPP).
Việc nghiên cứu triển khai dự án thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố là rất cần thiết. Chủ trương thu phí ô tô vào trung tâm được TPHCM đồng ý và giao Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong nghiên cứu từ năm 2009.
Sau thời gian chuẩn bị, năm 2011, công ty hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi. Doanh nghiệp đề xuất lập 36 cổng thu phí tự động trên vành đai khép kín bao quanh quận 1, quận 3 và vùng giáp ranh quận 5, quận 10.
Tại các cổng trên nhiều tuyến đường sẽ lắp các thiết bị tính phí và camera chuyên dụng nhận dạng các loại xe.
Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 1.200 tỉ đồng. Mức phí đề xuất đối với xe du lịch là 30.000 đồng/lượt, các loại ô tô còn lại chịu phí 50.000 đồng/lượt. Thời gian thu phí 6-20h, dự kiến hoàn vốn trong hai năm.
|
Nguồn: Báo điện tử Dân trí