Trung Quốc ngừng nhập khẩu tôm hùm bông: Gỡ vướng thế nào?

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xác nhận nguồn gốc đối với tôm hùm bông nuôi, khẩn trương xử lý việc xuất khẩu tôm hùm một cách căn cơ.

1 Trung Quoc Ngung Nhap Khau Tom Hum Bong Go Vuong The Nao

Người dân ở vịnh Vũng Rô (thị xã Đông Hòa, Phú Yên) xuất bán tôm hùm - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Sáng 25-11, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị "Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam".

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung bàn các giải pháp gỡ khó cho nghề nuôi tôm hùm, nhất là việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc bị tắc thời gian qua.

Lý do Trung Quốc ngưng nhập khẩu tôm hùm bông

Tại hội nghị, đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa nêu những khó khăn, thách thức về nuôi biển hiện nay như: Quy hoạch nuôi biển, công nghệ sản xuất giống, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển đồng bộ; thị trường tiêu thụ khó khăn…

Đấng chú ý là việc xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc bị ách tắc khiến nhiều hộ dân nuôi loại tôm này lao đao. Do đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tránh thiệt hại cho người nuôi.

Ông Lê Bá Anh - phó cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho hay tôm hùm bông nằm trong nhóm II, danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam (theo nghị định 26/2019 của Chính phủ).

Hiện nay, Trung Quốc chiếm 98 - 99% thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD.

Một trong những yêu cầu để tôm hùm có thể vào thị trường Trung Quốc là sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được nước này công nhận.

Theo ông Anh, từ ngày 1-2-2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2. Tháng 5-2023, Trung Quốc sửa luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành 2021.

Theo đó, tôm hùm bông nuôi xuất khẩu sang Trung Quốc cần đáp ứng các điều kiện như: tôm hùm bông nuôi không được đánh bắt trực tiếp từ biển, có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, con giống phải là thế hệ F2.

Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu phải xin giấy phép về "Bảo vệ động vật hoang dã" từ Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc); thủ tục thông quan lô hàng và kiểm tra an toàn thực phẩm; các cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký theo biểu mẫu mới để rà soát, tổ chức kiểm tra trước khi được phép xuất khẩu.

Xử lý xuất khẩu tôm hùm một cách căn cơ

2 Trung Quoc Ngung Nhap Khau Tom Hum Bong Go Vuong The Nao

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Thủy sản tham mưu các giải pháp phù hợp với yêu cầu của thị trường, nhất là tôm hùm.

Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường tôm hùm, ông Tiến đề nghị các cục liên quan hướng dẫn tổ chức, cá nhân xác nhận đăng ký nuôi lồng bè; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm từ nuôi trồng đối với tôm hùm bông nuôi…

Sau khi Trung Quốc cung cấp thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, các cục liên quan rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng quy định của hai nước.

Ngoài ra, nghiên cứu hướng tới khép kín chuỗi giá trị tôm hùm trong môi trường nhân tạo; khẩn trương xử lý vấn đề xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc một cách căn cơ; tiếp tục trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cập nhật về quy định đối với xuất khẩu tôm hùm bông sống vào thị trường này; quản lý, kiểm soát chặt việc nhập khẩu đối với tôm hùm giống…

Ông Tiến cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thủy sản; chỉ đạo cơ quan chức năng, chuyên môn kiểm soát chặt việc nhập khẩu tôm hùm giống trên địa bàn; rà soát, kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện cơ sở nuôi tôm hùm, đặc biệt các cơ sở xuất khẩu tôm hùm bông.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản, năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta là hơn 256.000ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn, riêng tôm hùm ước đạt 4.000 tấn.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỉ USD. 9 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 6,6 tỉ USD.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan