Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao đánh giá, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận số tiền hối lộ 2,25 triệu USD là đặc biệt nghiêm trọng nên không có lý do để chấp nhận kháng cáo.
Chiều 16/5, phiên xét xử phúc thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng 10 bị cáo khác liên quan đến đại án Việt Á kết thúc phần xét hỏi.
Trước khi phiên tòa chuyển sang phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao công bố bản luận tội đối với các bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đánh giá, bản án sơ thẩm mà Tòa án nhân dân TP Hà Nội xử phạt các bị cáo là đúng người, đúng tội.
Trong vụ án trên, bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, là người giữ vai trò cao nhất, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặt biệt lớn nên phải chịu tình tiết tăng nặng.
Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt Phan Quốc Việt 29 năm tù về hai tội Đưa hối lộ và Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, là đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, đúng người đúng tội.
Bị cáo Nguyễn Thanh Long tại phiên tòa phúc thẩm (Ảnh: Nguyễn Hải).
Tại phiên tòa phúc thẩm, Tổng giám đốc Công ty Việt Á đã nộp khắc phục thêm 200 triệu đồng; song VKS đánh giá số tiền nộp khắc phục thêm này là quá ít.
Do đó, quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao là bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Phan Quốc Việt.
Đối với cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, VKS đánh giá bị cáo nhận hối lộ nhiều lần nên chịu tình tiết tăng nặng phạm tội 2 lần trở nên.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Long nộp biên lai khắc phục thêm hậu quả vụ án là 1 tỷ đồng cho bị cáo Phan Quốc Việt và các biên lai đóng tiền án phí, tiền phạt bổ sung.
Ngoài ra, gia đình bị cáo nhiều người có công với cách mạng.
Song đại diện VKS cho rằng bị cáo Nguyễn Thanh Long đã nhận số tiền hối lộ 2,25 triệu USD là đặc biệt nghiêm trọng nên không có lý do để chấp nhận kháng cáo.
Do đó, VKS bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Tại phiên tòa sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Y tế lĩnh án 18 năm tù về tội Nhận hối lộ.
9 bị cáo còn lại đều bị đại diện VKS bác kháng cáo, gồm: Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng, cựu Vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế; Ngụy Thị Hậu, cựu Phó phòng Tài chính kế toán, CDC tỉnh Bắc Giang; Trần Thanh Phong, cựu Phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương; Trần Thị Hồng, nhân viên Công ty Việt Á; Lê Thị Hồng Xuyên, cựu nhân viên CDC tỉnh Bình Dương; Nguyễn Trường Giang, cựu Giám đốc Công ty VNDAT; Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á).
Đối với kháng cáo của bà Đàm Thị Trinh (mẹ bị cáo Phan Quốc Việt) về việc gỡ phong tỏa 52 sổ tiết kiệm, tổng 412 tỷ đồng, VKS cho biết tiền trong các sổ tiết kiệm trên được gửi từ năm 2020 đến 2022. Đây là khoảng thời gian Việt Á sản xuất, bán kit test Covid-19.
Do đó, quan điểm của VKS nhân dân Cấp cao là bác kháng cáo của bà Trinh.
Đồng thời, VKS cũng bác kháng cáo của bà Hồ Thị Thu Thủy (vợ bị cáo Phan Quốc Việt) về việc hủy bỏ kê biên, phong tỏa 2 sổ tiết kiệm tổng 20 tỷ đồng.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí