Việt Nam sẽ xây dựng các thành phố minh như thế nào trong tương lai? Đây là chủ đề được thảo luận trong Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023, diễn ra ngày 29-30/11 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022, sau 5 năm triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh.
Hơn 40 địa phương đã triển khai IOC (Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh) cấp tỉnh, và gần 100 IOC cấp huyện.
Tuy nhiên, để triển khai đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), có thể phát triển theo 3 xu hướng.
Xây dựng thành phố thông minh đến năm 2030 là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của thủ đô Hà Nội mà còn của các địa phương trên cả nước (Ảnh: Thế Hưng).
Xu hướng thứ nhất làxây dựng thành phố thông minh hướng trọng tâm vào người dân và doanh nghiệp. Tại đó, người dân và doanh nghiệp không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà là thành phần quan trọng, tham gia vào hệ thống kết nối, đô thị thông minh của các thành phố.
Ví dụ tại một thành phố như Đà Nẵng, 70 camera thông minh không chỉ quan trắc, phát hiện mà còn cho phép người dân cùng giám sát, báo cáo khi phát hiện vấn đề.
Hệ thống kết hợp với 66 trạm quan trắc tự động, 15 hệ thống lấy mẫu nước thải tự động, giúp xử lý hiệu quả nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường của thành phố.
Trong khi đó, ứng dụng Huế-S của tỉnh Thừa Thiên Huế với định vị là siêu ứng dụng, được tích hợp các dịch vụ của chính quyền cho người dân và doanh nghiệp.
Ứng dụng cho phép người dân tham gia giám sát, phản ánh các vấn đề phát sinh với tỷ lệ phản ánh được giải quyết rất nhanh chóng, kịp thời, đạt trên 95%.
Giải pháp trên đã góp phần rất tích cực giải quyết nhiều vấn đề xã hội của tỉnh và thành phố trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, thậm chí cả tín dụng đen…
Đáng chú ý, TPHCM đã áp dụng hệ thống thu phí cảng biển thông minh giúp 68.000 doanh nghiệp làm xuất nhập khẩu, hậu cần, logistic, tiết kiệm rất nhiều thời gian ra vào, thông quan nhanh chóng. Ngân sách của thành phố tăng thu hơn 3.500 tỷ đồng.
Chia sẻ thực tế thành phố thông minh tại Jakarta, Indonesia, ông Yudhistira Nugraha, D.Phil. - Giám đốc Jakarta Smart City - cho biết: "Jakarta thậm chí đã xây dựng hẳn một hệ thống CRM (Citizen Relationship Management - hệ thống quản trị quan hệ công dân) tương tự hệ thống quản trị quan hệ khách hàng của doanh nghiệp. Chuyển từ tư duy quản trị sang tư duy phục vụ".
Hệ thống với 3 trụ cột:
Thành phố cảm biến: Chính quyền có thể cảm nhận và xác định các vấn đề đô thị trong thành phố;
Hiểu biết về thành phố: Phát triển các phương pháp hiệu quả để hiểu và phân tích dữ liệu nhằm nắm bắt và giải quyết hiệu quả nhu cầu của người dân;
Thành phố hành động: Chính phủ sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định và thực hiện các hành động hiệu quả.
Xu hướng thứ hai là xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất - Bộ não của Đô thị thông minh. Theo đó, chính quyền đô thị trong khu vực và thế giới đang hướng tới xây dựng, chuẩn hóa hạ tầng dữ liệu số thống nhất và xuyên suốt với: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, kiến trúc dữ liệu hoàn chỉnh; Danh mục và tiêu chuẩn kết nối được chuẩn hóa; Cơ chế thu thập, khai thác dữ liệu minh bạch, hiệu quả.
Các đô thị Việt Nam cũng đang hướng tới các mục tiêu này.
Xu hướng thứ ba là phát triển các khu công nghiệp thông minh với hệ thống nhà xưởng có hệ thống quan sát 3D, các dịch vụ công nghệ, hệ thống điện mặt trời, quan trắc môi trường… sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các thành phố được trao giải Thành phố thông minh Việt Nam 2023 (Ảnh: Thế Hưng).
Hà Nội hướng tới một thành phố thông minh bền vững
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, về bản chất phát triển đô thị thông minh là chuyển đổi số trong phạm vi đô thị và lấy người dân làm trung tâm.
Trong đó, các cơ quan trung ương tập trung vào ban hành chính sách, tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu; còn việc tổ chức triển khai hiệu quả là trách nhiệm của các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội trong triển khai chuyển đổi số để việc triển khai đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả bền vững trong dài hạn.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, xây dựng thành phố thông minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đặc tính bền vững của thành phố thông minh sẽ được thể hiện qua "công nghệ thông minh", "giải pháp thông minh" và "lựa chọn thông minh".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh (Ảnh: Thế Hưng).
"Thành phố thông minh bền vững mà Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống chất lượng, tiện ích, an toàn và thân thiện cho người dân", ông Trần Sỹ Thanh cho hay.
Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã đồng ý thông qua và giao UBND thành phố Hà Nội hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, thành phố Hà Nội đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, thành phố sẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới…
Nguồn: Báo điện tử Dân trí