20 năm cay đắng của những người lầm lỡ vượt biên

Xa gia đình 20 năm là ngần ấy ngày tháng bôn ba kiếm sống khắp châu Âu, với đầy nước mắt, sự cay đắng, tủi nhục, anh Nguyễn Anh Hùng mới có cơ hội trở về nước. Ngày về, tóc anh đã ngả màu, cha thì ốm yếu, mẹ đã không còn nhận ra con nữa.

132 1 20 Nam Cay Dang Cua Nhung Nguoi Lam Lo Vuot Bien

(Ảnh minh họa)

"Canh bạc đổi đời" trả giá 20 năm

Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm khép mình trên phố Nguyễn Lương Bằng (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương), người đàn ông mới hơn 40 tuổi, mái tóc đã ngả hoa râm vẫn đang thở dài chua xót vì mình đã đánh một "canh bạc" trắng tay và mất đi 20 năm cuộc đời.

Cách đây hơn 20 năm, anh Hùng sang Đông Đức (cũ) tìm kiếm hy vọng đổi đời. "Miền đất hứa" khi chưa đến, sao mà lung linh thế. Khi bức tường Berlin sụp đổ, anh Hùng không trốn sang Tây Đức như những người lao động khác mà quyết định về nước. Khi trở về, thấy đất nước còn nghèo, anh không biết làm nghề gì để có thu nhập. Chán cảnh nằm dài ở nhà, anh đành quay trở lại "miền đất hứa".

Nhưng với những biến động chính trị phức tạp của Đông Âu lúc bấy giờ, chuyến đi của anh đầy nhọc nhằn, gian truân đến mức một người đã từng thông thạo tiếng Đức, biết về một số ngõ ngách của các nước Đông Âu như anh phải bất ngờ đến cay đắng.

Anh Hùng kể:

"Tháng 7/1992, tôi quyết định gom góp tiền của người nhà và bạn bè rồi bay sang Tiệp Khắc (cũ) để vượt biên quay trở lại Đức.

Thời kỳ đó, tình hình của quốc gia này vô cùng phức tạp. Bức tường Berlin được phá bỏ nhưng người Đức của hai miền vẫn chưa thực sự là một. Khi đặt chân lên Thủ đô Praha (thủ đô của nước cộng hoà Séc bây giờ), anh cùng hơn 20 người Việt khác bị giữ lại sân bay, không  xuất cảnh được. Lúc đó, ba người lao động Việt Nam đã tìm cách trốn chạy trong đêm.

Tuy nhiên, sáng hôm sau, cảnh sát sở tại lần theo dấu chân và bắt lại hai người, chỉ một người thoát được. Trong lúc căng thẳng ấy, đoàn lại xin mua vé máy bay, để bay sang thành phố Bratislava (thủ đô của nước cộng hòa Slovakia hiện nay), mong tìm được cơ hội xuất cảnh.

Thế nhưng, ở đây, chúng tôi cũng không thể tiếp tục cuộc hành trình đến "miền đất hứa" được và phải nhận lệnh trục xuất về nước".

Trên đường trở về, đoàn của anh Hùng nghỉ lại Băng Cốc (Thái Lan), sau đó tiếp tục bay từ đó về Việt Nam. Tại đây, anh Hùng gặp một người đàn ông Canada gốc Việt. Người này nói với anh rằng, nếu trốn thoát sang được Canada, anh có thể yên tâm, không bị trục xuất.

"Một lần nữa, cơ hội về "miền đất hứa" lại nhen nhóm trong tôi. Tôi bàn với người bạn cùng quê trốn vào khoang chứa đồ trong chuyến bay về Toronto (Canada). Sau khi hai chúng tôi trốn được qua các chặng kiểm soát an ninh, chúng tôi tưởng chừng sẽ nằm yên vị sang đến Canada, nhưng sau đó lại bị cảnh sát phát hiện" - anh Hùng nói. Thế là sau một tuần từ Nội Bài (Hà Nội, Việt Nam) ra đi, vào một đêm trăng sáng của tháng mưa ngâu, anh Hùng lại quay về gõ cửa nhà trước sự ngỡ ngàng của người thân.

Chuyến đi không thành, mang theo sự tiếc nuối, hụt hẫng... của anh Hùng và người thân.

Ở nhà được năm tháng, anh Hùng lại khăn gói lên đường, tiếp tục hành trình đi tìm giấc mộng đổi đời. Tháng 2/1993, anh bay sang Nga để tìm đường vượt biên quay trở lại Đức. Khi sang đến Matxcova (thủ đô của nước Nga), anh gặp lại người bạn tên Quyết. Quyết ngỏ ý mời anh ở Nga làm ăn.

Nhưng thấy thu nhập ở Nga rất thấp, anh Hùng lại nuôi ý định tìm "thiên đường" mới. Sau ba tháng ở lại Nga, anh Hùng lâm vào cảnh không một xu dính túi, anh phải sống vật vờ như một cái xác không hồn.

Tháng 5/1993, anh "bắt sóng" được với một đường dây vượt biên sang Đức. Đó là hình thức vượt biên bằng thùng xe công-ten-nơ để trốn biên phòng. Anh đang chuẩn bị cho chuyến đi thì bỗng nghe tin xảy ra vụ việc hoang mang: 37 người vượt biên theo hình thức ngồi trong thùng xe tải bị chết ngạt.

Thông tin ấy đã khiến anh sợ hãi, không dám vượt biên bằng hình thức này nữa. Đến cuối tháng 5/1993, anh mới tìm được một đường dây khác, đó là sang Đức bằng hình thức công vụ. Anh khoác lên mình bộ comple và xách vali lịch sự như một người công vụ.

Bằng hình thức cải trang này, anh đã vượt biên trót lọt vào nước Đức. Anh Hùng gọi những cuộc hành trình tìm cơ hội đổi đời ở trời Tây ấy là một canh bạc. Trong canh bạc đó, anh Hùng đã phải trả cái giá bằng 20 năm cuộc đời.

"Đời tôi chỉ là con số 0 tròn trĩnh"

Ngừng câu chuyện lại chốc lát, anh Hùng đi lấy cho chúng tôi xem những bức ảnh còn lưu lại kỷ niệm về những tháng ngày cơ cực kiếm sống bên châu Âu. Mỗi bức ảnh ở một miền xa lạ, dường như đều in đậm trong ký ức anh về những ngày tha hương đầy máu và nước mắt.

Đưa tôi xem một bức ảnh đã bị phủ màu ố lốm đốm, anh Hùng ngậm ngùi cho biết:

"Đó là bức ảnh tôi chụp cách đây đã hơn 20 năm. Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, để kiếm sống ở trời Tây, người lao động phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. Tại Đức, tôi đã lặn lội ở khắp nơi, khi ở thành phố, lúc dạt về các huyện lẻ để buôn thuốc lá. Bán thuốc lá ở Đức bị coi là buôn lậu.

Không những phải đối mặt với các cuộc truy quét của cảnh sát địa phương mà còn phải đối mặt với những cuộc "chiến ngầm" của dân trong nghề, hòng giành giật thị trường. Thế lực ngầm này sẵn sàng chặn đường, giết người rồi ném xác vào rừng để cướp hàng".

Làm ăn bên Đức được gần ba năm, anh "dính" phải một cuộc ẩu đả, chém giết thanh trừng lẫn nhau của các phe nhóm buôn lậu, khiến anh phải nằm im bất động. Đó là quãng thời gian đói khổ, sống cầm hơi qua ngày. Nhận thấy không thể sống bằng nghề buôn lậu này, anh đã quyết định chuyển nghề khác.

Năm 1997, anh cùng một nhóm buôn lậu thuốc lá trước đó, tìm cách vượt biên sang Ba Lan. Tại Ba Lan, anh hành nghề buôn bán quần áo trong sân vận động.

Năm 2002, anh gặp phải kẻ xấu, lừa lấy hết tài sản, vốn liếng tích cóp từ bao năm. Chán cảnh đời lênh đênh trong vô định, anh lại muốn về Việt Nam, nhưng kẹt nỗi không có giấy tờ hợp pháp, vậy là anh vẫn phải sống chui lủi, luôn đề phòng và chạy trốn lực lượng an ninh. Biệt danh "Hùng Ngẫn" của anh cũng có từ hồi đó.

Cuộc sống chui lủi của anh Hùng chỉ thực sự chấm dứt khi những người lao động ở nước ngoài được định cư hợp pháp tại Ba Lan. Đó là năm 2012, nhờ có chính sách làm giấy tờ nhân đạo của Chính phủ Ba Lan, anh Hùng đã có giấy tờ, công nhận được định cư tại nước này.

Cầm tờ giấy trên tay, anh mừng rơi nước mắt. Lúc này, anh mới cảm nhận được cuộc sống đàng hoàng của một người sau bao năm sống chui lủi. Anh quyết định về thăm quê.

Kể đến đây, giọng anh Hùng nghẹn lại:

"Nhanh thật, thấm thoắt thế mà đã 20 năm, tôi không ăn tết ở nhà. Cha già mái tóc đã bạc phơ, người mẹ còm cõi đã hoàn toàn mất trí nhớ, bà không còn nhận ra tôi nữa. Tôi cảm thấy mình có lỗi với bố mẹ, phận làm con mà chưa làm tròn nghĩa vụ. Có lẽ lần này tôi sẽ ở lại Việt Nam, không đi nữa".

Anh Hùng ngao ngán tâm sự: "20 năm lăn lội ở xứ người, giờ đây cuộc đời tôi vẫn chỉ là con số 0 trõn trĩnh, không sự nghiệp, không tiền bạc, không vợ con... Nếu như ngày đó, tôi không đi nước ngoài mà chịu khó tu chí làm ăn tại Việt Nam thì có lẽ cuộc sống đã khấm khá hơn. Đằng này, tôi lại mạo hiểm, đánh đổi cả tuổi trẻ của mình bằng những chuyến đi thất bại".

Khi được hỏi dự định của mình trong tương lai, anh Hùng nhìn ra bên ngoài khoảng không, đôi mắt đăm chiêu trong vô định, tiếng thở dài khe khẽ:

"Tôi cũng muốn có một gia đình nhỏ để làm lại từ đầu, nhưng nhìn lại, tuổi giờ đã xế chiều. Thôi thì đến đâu hay đến đó vậy!"…

Theo: VNEXPRESS

 

Bài liên quan