Tòa án Hình sự Quốc tế ban lệnh bắt thủ tướng Israel với cáo buộc tội ác chiến tranh

Các thẩm phán tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ thủ tướng Israel, cựu bộ trưởng quốc phòng nước này và chỉ huy quân sự của Hamas.

Một hội đồng xét xử sơ thẩm của ICC đã bác bỏ những thách thức của Israel đối với thẩm quyền của tòa án và ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Yoav Gallant.

Một lệnh bắt giữ cũng được ban hành đối với lãnh đạo Mohammed Deif của Hamas, mặc dù Israel thông tin rằng người này đã thiệt mạng trong một cuộc không kích ở Gaza hồi tháng Bảy.

Các thẩm phán cho biết có "căn cứ hợp lý" rằng ba người đàn ông này phải chịu "trách nhiệm hình sự" đối với các cáo buộc về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas.

Cả Israel lẫn Hamas đều bác bỏ các cáo buộc.

Thủ tướng Netanyahu đã lên án quyết định của ICC là "chống Do Thái" còn Hamas cho rằng lệnh bắt giữ hai nhà lãnh đạo của Israel đã tạo ra "tiền lệ quan trọng mang tính lịch sử".

Những lệnh bắt giữ này có được thực hiện hay không sẽ phụ thuộc vào 124 quốc gia thành viên của ICC - không bao gồm Israel hoặc đồng minh chính của nước này là Mỹ.

1 Toa An Hinh Su Quoc Te Ban Lenh Bat Thu Tuong Israel Voi Cao Buoc Toi Ac Chien Tranh

Nguồn hình ảnh,EPA / Reuters / Supplied

Chụp lại hình ảnh,Từ trái qua: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và lãnh đạo Mohammed Deif của Hamas

Nhà Trắng cho biết Mỹ đã phản đối quyết định của ICC.

Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu đã tuyên bố họ tôn trọng các quyết định của tòa án.

ICC có thẩm quyền truy tố những người bị buộc tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh trên lãnh thổ của các quốc gia tham gia Quy chế Rome - hiệp ước sáng lập của tòa án.

Israel bác bỏ quyền tài phán của ICC, nhưng tòa án đã ra phán quyết vào năm 2021 rằng tòa có quyền tài phán đối với Bờ Tây bị chiếm đóng, Đông Jerusalem và Dải Gaza vì tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã chấp nhận Palestine là thành viên.

Những cáo buộc

Vào tháng 5/2024, công tố viên ICC Karim Khan đã yêu cầu ban lệnh bắt giữ các ông Netanyahu, Gallant, Deif cùng hai lãnh đạo Hamas khác đã bị giết - Ismail Haniyeh và Yahya Sinwar.

Mặc dù Israel nói Deif đã tử vong, nhưng phía tòa án nói rằng bên công tố không thể xác định được liệu ông ta đã bị giết hay vẫn còn sống.

Vụ án bắt nguồn từ các sự kiện ngày 7/10/2023, khi các tay súng Hamas tấn công miền nam Israel, giết chết khoảng 1.200 người và bắt 251 người khác về Gaza làm con tin.

Israel đã đáp trả bằng cách phát động một chiến dịch quân sự nhằm tiêu diệt Hamas, khiến ít nhất 44.000 người đã thiệt mạng ở Gaza, theo bộ y tế do Hamas điều hành.

Đối với Deif, hội đồng tòa án đã tìm thấy chứng cứ hợp lý để tin rằng ông ta "chịu trách nhiệm về các tội ác chống lại loài người như giết người; diệt chủng; tra tấn; hiếp dâm và các hình thức bạo lực tình dục khác; cũng như các tội ác chiến tranh như giết người, đối xử tàn ác, tra tấn; bắt giữ con tin; xâm phạm nhân phẩm cá nhân; hiếp dâm và các hình thức bạo lực tình dục khác".

Hội đồng cũng cho biết có căn cứ hợp lý để tin rằng các tội ác chống lại loài người là "một phần của cuộc tấn công có hệ thống và lan rộng do Hamas và các nhóm vũ trang khác chỉ đạo nhằm vào dân thường Israel".

2 Toa An Hinh Su Quoc Te Ban Lenh Bat Thu Tuong Israel Voi Cao Buoc Toi Ac Chien Tranh

Nguồn hình ảnh,Reuters

Chụp lại hình ảnh,Israel cho biết 97 con tin bị bắt hồi tháng 10/2023 vẫn đang còn ở Gaza

Đối với ông Netanyahu và ông Gallant - người đã bị thay thế khỏi chức bộ trưởng quốc phòng vào đầu tháng 11, hội đồng đã tìm thấy căn cứ hợp lý để tin rằng "mỗi người đều phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội ác sau đây với tư cách là đồng phạm vì đã thực hiện hành vi cùng với những người khác: tội ác chiến tranh là sử dụng nạn đói làm phương thức chiến tranh; và tội ác chống loài người là giết người, ngược đãi và các hành vi vô nhân đạo khác".

ICC cũng tìm thấy những lý do chính đáng để tin rằng "mỗi người đều phải chịu trách nhiệm hình sự, với tư cách là cấp trên dân sự, đối với tội ác chiến tranh khi cố ý chỉ đạo tấn công dân thường".

Tòa án cũng lưu ý rằng họ đã bác bỏ hai thách thức của Israel - một thách thức tranh chấp quyền tài phán của ICC đối với các lãnh thổ Palestine, và cụ thể là đối với công dân Israel, và thách thức thứ hai cho rằng công tố viên của ICC đã không cho Israel cơ hội điều tra các cáo buộc trước khi yêu cầu lệnh bắt giữ.

ICC là một tòa chung thẩm và chỉ được phép hành động khi các tòa án quốc nội không thể hoặc không sẵn lòng điều tra hoặc truy tố nghiêm túc các tội ác quốc tế nghiêm trọng.

Thủ tướng Netanyahu sẽ bị bắt?

3 Toa An Hinh Su Quoc Te Ban Lenh Bat Thu Tuong Israel Voi Cao Buoc Toi Ac Chien Tranh

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Bất chấp lệnh bắt giữ, hai ông Netanyahu và Gallant không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa truy tố trực tiếp nào dù điều này có thể khiến họ khó khăn khi đi nước ngoài.

Trên lý thuyết, nếu một trong hai người đặt chân đến bất kỳ quốc gia thành viên ICC nào, họ phải bị bắt giữ và giao nộp cho tòa án.

Chuyến công du nước ngoài gần đây nhất của ông Netanyahu là đến Mỹ vào tháng 7/2024, một quốc gia không phải là thành viên ICC. Nhưng năm ngoái, ông đã đến thăm một số quốc gia khác, bao gồm cả Vương quốc Anh - một thành viên ICC.

Khi được các phóng viên hỏi liệu ông Netanyahu có bị bắt giữ nếu đến Vương quốc Anh hay không, người phát ngôn của chính phủ trả lời:

"Chúng tôi không làm theo các giả định."

Một quá trình pháp lý tại Vương quốc Anh sẽ được yêu cầu thực hiện để xác định xem có nên phê chuẩn lệnh bắt giữ hay không.

Hai quốc gia EU - Ý và Hà Lan - đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ bắt giữ bất kỳ người nào trong danh sách trên lãnh thổ của họ. Một số quốc gia châu Âu khác hứa sẽ tuân thủ các quy tắc của ICC mà không nói cụ thể hơn.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, cho biết quyết định của ICC là có ràng buộc đối với tất cả các quốc gia thành viên EU.

Các thành viên ICC không phải lúc nào cũng chọn thực thi lệnh bắt giữ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, bị truy nã vì cáo buộc tội ác chiến tranh ở Ukraine, đã được chào đón nồng nhiệt và không bị bắt giữ trong chuyến thăm chính thức đến Mông Cổ, một thành viên ICC, vào tháng 9/2024.

Nam Phi, một thành viên khác của ICC, cũng đã không bắt giữ Tổng thống Sudan lúc đó là Omar al-Bashir khi ông ta đến thăm vào năm 2015, mặc dù ông này phải đối mặt với lệnh bắt giữ vì cáo buộc tội ác chiến tranh ở khu vực Darfur.

Tại Mỹ, lãnh đạo Đảng Cộng hòa trong Thượng viện sắp tới, John Thune, đã kêu gọi Thượng viện thông qua một dự luật đã được Hạ viện thông qua.

Theo đó, Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người "tham gia vào bất kỳ nỗ lực nào để điều tra, bắt giữ, giam giữ hoặc truy tố bất kỳ người nào mà Mỹ cùng các đồng minh bảo vệ".

Phản ứng của Israel và Hamas

4 Toa An Hinh Su Quoc Te Ban Lenh Bat Thu Tuong Israel Voi Cao Buoc Toi Ac Chien Tranh

Nguồn hình ảnh,Reuters

Chụp lại hình ảnh,Chiến dịch tiêu diệt Hamas của Israel đã gây ra sự tàn phá rộng khắp tại Gaza

Thủ tướng Israel Netanyahu nói trong một video rằng đó là "ngày đen tối trong lịch sử loài người" và ICC đã trở thành "kẻ thù của nhân loại".

"Đó là một bước đi bài Do Thái với một mục đích: ngăn cản tôi, ngăn cản chúng ta có quyền hiển nhiên để tự vệ trước những kẻ thù cố gắng hủy diệt chúng ta," ông nói.

Cựu Bộ trưởng Gallant cho rằng quyết định của tòa án "đặt Nhà nước Israel và những lãnh đạo sát nhân của Hamas ngang hàng nhau và do đó hợp pháp hóa việc giết trẻ sơ sinh, hãm hiếp phụ nữ và bắt cóc người già".

Lực lượng Hamas không đề cập đến lệnh bắt giữ ông Deif nhưng hoan nghênh lệnh bắt giữ ông Netanyahu và ông Gallant, nói rằng quyết định của ICC "tạo nên tiền lệ quan trọng mang tính lịch sử và là sự điều chỉnh cho lịch sử đầy bất công chống lại người dân của chúng tôi".

Israel đã kịch liệt phủ nhận cáo buộc lực lượng của họ đang phạm tội diệt chủng đối với người Palestine ở Gaza - chủ đề của một vụ án khác trước Tòa án Công lý Quốc tế.

Chính quyền Palestine - nơi quản lý một số khu vực của Bờ Tây - cho biết quyết định này "đại diện cho hy vọng và sự tin tưởng vào luật pháp quốc tế và các thể chế của luật pháp này" và kêu gọi các quốc gia thành viên ICC ngừng "tiếp xúc hay họp hành" với hai ông Netanyahu và Gallant.

Người Palestine ở Gaza bày tỏ hy vọng rằng quyết định này sẽ đưa các nhà lãnh đạo Israel ra trước công lý.

Munira al-Shami, người có chị gái Wafa đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Israel một tháng trước, nói với BBC rằng:

"Quyết định của tòa án có thể làm dịu đi một phần nỗi đau của tôi, nhưng tâm hồn của chị gái tôi - và của hàng chục ngàn nạn nhân Palestine - sẽ không được thanh thản chừng nào mà Netanyahu và các nhà lãnh đạo quân đội của ông ta chưa phải vào tù."

Theo BBC

Bài liên quan