“Sự rạn nứt giữa vợ chồng tôi đã khiến tôi không còn muốn quay về Việt Nam, nhưng tôi cũng không muốn mình sống trong sự hồi hộp, phập phồng mỗi khi thấy người ta đến kiểm tra tiệm thì phải tìm đường bỏ chạy thật nhanh ra ngoài. Tôi chỉ còn cách cố đi làm, dành dụm tiền và nhờ người chịu đứng ra làm giấy tờ bảo lãnh cho tôi có cơ hội được ở lại Mỹ.”
“Tôi là một người thích tự do và khong muốn sự gò bó, chính vì vậy trong một lần du lịch sang Mỹ, nghe gợi ý từ bạn bè rằng nếu không thích thì đừng về, tìm cách ở lại đây, tôi đã suy nghĩ đến chuyện kết hôn giả.”
Đó là một vài lý do của những người chọn Mỹ làm quê hương theo con đường “kết hôn giả,” vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm sau khi đường dây lừa đảo hôn nhân vừa bị phá vỡ ở Houston, Texas, kéo theo hàng chục người vướng vòng lao lý.
Trong số những người chịu trả lời phỏng vấn với phóng viên Người Việt, có người đã tuyên thệ trở thành công dân Mỹ từ nhiều năm trước, có người vừa xong một năm, có người đang chuẩn bị phỏng vấn để lấy thẻ xanh 10 năm. Do sự tế nhị của vấn đề, tên các nhân vật đều được thay đổi.
Lý do phải lựa chọn con đường “kết hôn giả”
“Tôi không thích sự gò bó, thích tự do nên tôi lựa chọn ra đi, liệu đó có phải lý do chính đáng? Nhưng đó là lý do thật sự của tôi.” Cô Lê Diễm Lệ, 40 tuổi, hiện ở Virginia, bắt đầu câu chuyện.
Lệ là một viên chức ở Sài Gòn. “Thật sự tiền tôi kiếm được từ công việc của mình không ít. Vì độc thân, nên mỗi năm chuyện để dành ra khoảng $5,000 để đi du lịch với tôi không là điều khó, mà tôi thì rất thích đi chơi. Nhưng thật sự tôi không thích sự gò bó, bị kiểm duyệt, không được viết đúng những gì mình thấy, những gì mình nghe, không được đi biểu tình cho những điều chính đáng. Tất cả điều đó tích tụ trong lòng tôi,” Lệ nói.
Lệ cho biết cô sang Mỹ du lịch đã nhiều lần, “cho đến một lần khi ngồi nói chuyện với bạn bè, biết tôi không thích Việt Nam, mọi người khuyên tôi nên ở lại Mỹ, họ sẽ tìm cách giúp.”
Người chịu đứng ra giúp Lệ “đóng vai chú rể” là một người ly dị đã lâu, có công ăn việc làm ổn định. Trở về Sài Gòn, Lệ suy nghĩ về lời gợi ý tình cờ này. Và cô bắt đầu email, chat, trò chuyện với người sẽ là “chồng hờ” của mình. Để rồi một năm sau đó, cô trở qua Mỹ, cũng bằng visa du lịch nhưng đã có sự chuẩn bị đầy đủ cho việc ở lại nơi này để “lấy chồng.”
Khác với trường hợp của Lê Diễm Lệ, cô Jenny Nguyễn, 45 tuổi, hiện ở Dallas, Taxas, đến Mỹ cách đây hơn 10 năm trong một hoàn cảnh khá đặc biệt.
“Lúc đó vợ chồng tôi đang có sự bất hòa lớn, tinh thần tôi rất suy sụp. Dì tôi có cơ sở may gia công cho một nhãn hàng của Mỹ đã làm giấy tờ cho tôi đi Mỹ một chuyến với mục đích giúp tôi có thời gian suy nghĩ về cuộc hôn nhân của mình, xem nên tiếp tục hay chấm dứt,” cô Jenny nhớ lại.
Tuy nhiên, sự xa cách đó không ngờ lại khiến tình cảm vợ chồng cô trở nên tệ hại hơn. Sau ba tháng ở California với một tinh thần “kiệt quệ,” Jenny được người quen giới thiệu cô đến giúp việc chăm sóc cho một bà cụ.
Không tốn tiền ăn ở, được gia đình bà cụ thương yêu và trả cho một khoản lương khá hậu hỉ, Jenny không nghĩ đến chuyện trở về Việt Nam. Nhưng cô cũng không muốn suốt ngày chôn chân trong nhà với một người già đau yếu. Thế là sau hơn một năm, cô xin nghỉ việc, dọn ra ngoài, bắt đầu tìm đường sống bằng cách xin việc làm ở các quán ăn của người Việt Nam.
Diễm Lệ nói: “Thời gian đầu tôi không dám ra khỏi nhà vì khi đó ông Trump mới lên, xe bắt người đi lùng liên tục. Tôi cứ sợ ra đường lỡ bị tai nạn, người ta hỏi đến giấy tờ rất phiền phức.” (Hình minh họa: Joe Raedle/Getty Images)
“Đi ra ngoài buôn bán, giao tiếp, tinh thần tôi đỡ hơn, khuây khỏa hơn, nhưng cũng từ đó tôi thấp thỏm hơn với nỗi lo sợ một lúc nào đó sẽ bị bắt trục xuất về Việt Nam, vì visa hết hạn, mà passport Việt Nam cũng hết hạn. Tôi không thể nào quên lần đầu tiên Cảnh Sát Di Trú đến kiểm tra tiệm. Tôi may mắn chạy được ra ngoài trốn, nhưng mà cả người cứ run bần bật, tôi vừa khóc vừa sợ, thấy con đường phía trước mù mịt quá,” Jenny kể.
Từ những lần chạy trốn đó, Jenny bắt đầu nghĩ đến chuyện kiếm người “kết hôn giả” khi để dành được hơn $25,000 sau mấy năm đến Mỹ. “Ở thời điểm đó, giá để làm chuyện này là từ $25,000 đến $30,000,” Jenny cho biết.
Qua sự giới thiệu của một người bạn thân, Jenny làm quen với một người đàn ông có quốc tịch Mỹ ở Dallas, cũng ly dị vợ. Tuy nhiên, như lời Jenny, người đàn ông đó nói “Nếu tìm hiểu thấy thích hợp sẽ cưới thật. Còn không hợp thì cũng sẽ làm giấy tờ giúp tôi không lấy tiền, vì tình nghĩa bạn bè với người bạn của tôi.”
Với Vivian Trần, cũng đang ở Texas, thì lý do cô tìm người kết hôn giả là vì lý do tài chính.
“Ai cũng nói những người đi du học đều là gia đình giàu có, con ông cháu cha, nhưng thật sự gia đình em không giàu. Nhưng vì muốn em có cơ hội thay đổi cuộc sống, rồi từ đó có thể tìm cách giúp đỡ gia đình ở Việt Nam nên họ hàng tìm cách giúp đỡ cho em du học, với điều kiện khi đã qua được bên này thì tự em phải xoay xở tiếp,” Vivian, cô gái sắp vào tuổi 30, kể câu chuyện của mình.
Qua được đến Mỹ, thay vì phải đi học, thì Vivian tìm cách đi làm nail, “vì đó là con đường kiếm tiền dễ nhất, nhanh nhất.” Cùng lúc đó, cô cũng tìm kiếm người giúp “kết hôn giả” với sự tính toán, “Nếu là du học sinh đi học, mỗi năm em phải mất gần $50,000, em không có khả năng đó. Trong khi nếu có người chịu làm giấy tờ cho em, em có thẻ xanh đi học thì không tốn tiền nhiều, số tiền làm giấy tờ kết hôn em có thể đi làm dành dụm trong vài năm là trả xong.”
Một người đàn ông còn trẻ, nhưng cũng có nhà cửa, công việc ổn định, đã nhận lời giúp Vivian qua sự “nhờ vả” của một người quen.
Những lo lắng, phập phồng không yên
Tìm được người giúp, nhưng đoạn đường từ lúc gặp gỡ giữa hai người chưa từng có tình cảm với nhau nhưng lại phải “đóng vai” là tình nhân, là vợ chồng, để nộp giấy tờ bảo lãnh, mở tài khoản chung, đến lúc phải trả lời các câu hỏi lắt léo của nhân viên Di Trú, để rồi có được giấy phép đi làm, có thẻ xanh 2 năm, thẻ xanh 10 năm hay thi quốc tịch, là cả một chuỗi thời gian căng thẳng không chỉ cho Jenny, cho Vivian, cho Diễm Lệ, mà còn cho cả những người “chồng.”
Bởi, như Vivian nói, “Nếu nói nguy hiểm thì thật sự người chịu nhiều nguy hiểm là người bảo lãnh. Vì nếu chuyện bị bại lộ, bất quá em chỉ bị đuổi về Việt Nam, không còn cơ hội sang Mỹ. Trong khi anh kia có thể bị tù, bị ảnh hưởng tương lai. Mà ngay cả em về Việt Nam thì cơ hội đổi đời mà gia đình em trông đợi coi như cũng xong.”
Đó cũng là nỗi sợ của Diễm Lệ. “Khi chọn cách này ở lại Mỹ coi như mình cũng đánh ván bài liều. Cũng sợ đủ thứ. Sợ bạn bè, họ hàng biết rồi bàn tán. Sợ khi phỏng vấn bị từ chối sẽ bị đuổi về Việt Nam, không còn được đi Mỹ. Anh kia thì sợ bị tù.”
Diễm Lệ cho rằng “Thời gian đầu chưa dọn qua Virginia, tôi ở Florida, có lúc tôi không dám ra khỏi nhà vì khi đó ông Trump mới lên, xe bắt người đi lùng liên tục. Tôi cứ sợ ra đường lỡ bị tai nạn, người ta hỏi đến giấy tờ rất phiền phức.”
Diễm Lệ kể thêm, “Do tôi và anh kia đều biết tiếng Anh nên tụi tôi tự làm giấy tờ, không nhờ qua một văn phòng luật sư nào hết. Thêm nữa là anh đó cũng có công ăn việc làm, cả hai đều là người Nam, đều có chung gốc gác là gia đình làm việc cho chính quyền Sài Gòn trước đây, và tuổi tác cũng xêm xêm nhau, nên cũng có nhiều thuận lợi.”
Vivian nói: “Nếu nói nguy hiểm thì thật sự người chịu nhiều nguy hiểm là người bảo lãnh. Vì nếu chuyện bị bại lộ, bất quá em chỉ bị đuổi về Việt Nam, trong khi anh kia có thể bị tù, bị ảnh hưởng tương lai.” (Hình minh họa: Joe Raedle/Getty Images)
“Nhưng mà khi đi phỏng vấn họ cũng nghi ngờ khi hỏi tới hỏi lui tại sao tôi qua đây chỉ có một tháng thì làm giấy kết hôn, điều gì khiến tôi bỏ hết mọi thứ ở Việt Nam để sang đây sống với anh này. May là mình đã chuẩn bị kỹ câu trả lời nên cũng qua,” cô chia sẻ.
Diễm Lệ cho biết sau khi nộp giấy kết hôn, cô được cấp giấy phép đi làm và khoảng năm sau thì cô có thẻ xanh 2 năm, hiện giờ cô đang chuẩn bị phỏng vấn cho thẻ xanh 10 năm.
Với Vivian thì ngoài nỗi sợ bị phát giác, cả hai người còn có nỗi lo… mất tiền.
“Khi làm giấy tờ thì phải mở tài khoản chung, bao nhiêu tiền em dành dụm phải bỏ vô đó, lỡ xui rủi anh kia lấy xài hết rồi không chịu làm tiếp thì sao. Mà anh kia chắc cũng sợ, vì tiền ảnh cũng nằm trong đó, lỡ em lấy hết rồi bỏ chạy về Việt Nam thì ảnh cũng mất,” cô cười nhớ lại.
Riêng Jenny thì lại bị tình cảm dằn vặt giữa thật và giả. Nhưng khổ sở hơn khi cô cho rằng mình phải hứng chịu ánh mắt nghi ngờ của gia đình “chồng hờ” sợ khi làm giấy tờ xong thì cô sẽ “giở quẻ” đòi chia chác tiền bạc, nhà cửa.
“Nhưng không còn con đường nào khác, lỡ phóng lao thì phải theo lao, tôi cứ tự nhủ ráng nhịn nhục chờ có giấy tờ xong thì sẽ ra đi,” cô nhớ lại.
Được và mất
“Hiện tại do phải đi học, và chỉ làm việc part-time nên tiền tôi kiếm được không đáng gì so với lúc còn ở Việt Nam. Nhưng đổi lại, tôi cảm nhận được không khí tự do mà tôi muốn,” Diễm Lệ cho biết.
Cô nói thêm, “Bỏ qua những hồi hộp lo lắng khi giấy tờ chưa xong, tôi thấy tinh thần mình thoải mái hơn, tôi cảm thấy tự tin hơn, tôi không phải nghe người khác gọi tôi là ‘con đen,’ ‘con lùn’ hay chê tôi xấu xí. Trong đời sống thường nhật, tôi không phải lo sợ đồ ăn thức uống bị nhiễm độc, đi mua sắm quần áo, đồ đạc tôi có thể mang trả lại khi không vừa ý. Tôi cảm nhận được câu ‘khách hàng là thượng đế’ khi đi mua sắm ở bất cứ đâu. Những điều đó tôi không có khi còn ở Việt Nam.”
“Tôi đang chờ phỏng vấn để có thẻ xanh 10 năm. Chưa biết tương lai thế nào, nhưng cho đến giờ phút này, tôi thấy đi Mỹ là một quyết định đúng, ở lại Mỹ là một quyết định đúng. Dĩ nhiên, ai cũng muốn chọn con đường hợp pháp khi làm bất cứ điều gì, nhưng tôi không có được cơ may đó, đành phải chọn con đường nhiều rủi ro này,” Diễm Lệ giãi bày.
Vivian thì đã trở thành công dân Hoa Kỳ và cũng đã tốt nghiệp đại học như mong muốn từ hơn một năm qua.
“Em đã dọn ra ở riêng, đã có việc làm, có thể gửi tiền về giúp đỡ ba má em. Tiền để lo cho việc này em cũng đã trả xong. Em cũng phải cám ơn anh ấy đã giúp em có được cơ hội này. Tụi em chưa làm hồ sơ ly dị, vì chưa ai thấy cần nên để thêm một thời gian nữa cho an toàn,” Vivian cho biết.
Jenny thì đã ổn định cuộc sống ở Dallas sau bao sóng gió, có con cùng người làm giấy tờ cho cô, giờ thật sự là chồng cô.
“Nhớ lúc có được bằng quốc tịch, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Tôi hiểu những ngày trốn chui trốn nhủi của tôi không còn nữa. Tôi không còn sợ hãi khi có những người quen biết vì lý do này lý do khác dọa tố cáo tôi sống bất hợp pháp. Tôi nghĩ con tôi sẽ hạnh phúc hơn tôi khi được sinh ra và lớn lên ở đây, nó sẽ không bao giờ có thể hiểu được cái giá mà mẹ nó phải trả cho sự ra đời của nó ở đây là như thế nào. Mà tôi cũng sẽ không bao giờ muốn nó biết điều đó,” Jenny nói, miệng cười kèm nước mắt.
(Ngọc Lan)