Anh Tô Quốc Vinh và vợ đến Úc theo visa bảo lãnh người lao động có tay nghề vào năm 2007. Sau khi bị lừa bởi công ty môi giới lao động đầu tiên, anh Quốc Vinh tiếp tục rơi vào bẫy của nhiều công ty di trú khác, hứa hẹn sẽ giúp vợ chồng anh làm hồ sơ ở lại Úc.
Sau 10 năm theo đuổi các vụ tranh tụng kéo dài, gia đình anh hiện khánh kiệt tài sản, đối mặt với việc bị trụ c xuấ t khỏi Úc vì vi phạm luật di trú.
Anh cùng vợ vừa thực hiện một lá thư xin sự cứu xét nhân đạo của Tổng trưởng di trú Peter Dutton.
Câu chuyện cuả anh Tô Quốc Vinh là lời cảnh báo cho những người đồng hương về các vụ lừa đảo bảo lãnh qua Úc một cách dễ dàng, sự vô trách nhiệm của một số công ty di trú và thái độ thờ ơ của chính những người trong cuộc về tiến trình nộp visa của họ.
Đến Úc qua lời giới thiệu của bạn
Câu chuyện di trú của gia đình anh Quốc Vinh bắt đầu từ lời giới thiệu của một người bạn sống tại Úc cách đây 10 năm.
“Tôi nghe người bạn giới thiệu có một công ty bảo lãnh di dân qua Úc theo dạng tay nghề. Tôi bán cửa tiệm cắt tóc của mình trên đường Hai Bà Trưng để đưa vợ qua đây. Khi đến nơi thì mới vỡ lẽ không có công ty nào như vậy ở Úc”.
Anh Vinh cho chúng tôi biết anh phải đóng khoản tiền lệ phí hơn 10 ngàn đô la vào năm 2007 để làm visa này.
Khi không thể tìm ra công ty di trú đã bảo lãnh mình qua lúc đầu, anh tìm kiếm việc làm ở một số nơi khác và được một nơi nhận vào làm. Tiệm cắt tóc mới hứa hẹn sẽ bảo lãnh anh, nhưng lợi tức của nơi này không đủ điều kiện để bảo lãnh anh và một nhân viên khác cùng một lúc. Bộ di trú bác hồ sơ của anh lần thứ nhất.
“Hồi mẹ vợ rồi ông ngoại tôi mất cũng không dám về, vì sợ vợ không quay lại được, con cái không ai lo”. Quốc Vinh
Lúc này một người bạn của anh vừa mở một tiệm cắt tóc ở John St Cabramatta và hứa hẹn sẽ bảo lãnh anh. Nghe theo lời tư vấn của một luật sư người Việt, anh tin tưởng vào lời đề nghị này mà không mảy may tìm hiểu luật bảo lãnh công nhân tại Úc. Bộ di trú bác đơn của anh lần thứ hai vì lý do anh đã sai luật ngay từ ngày mới qua Úc, không làm việc cho công ty bảo lãnh mình mà lại nhận lời của một công ty khác. Sau khi được luật sư tham vấn, anh đưa đơn kháng lại phán quyết của Bộ di trú.
Anh được cấp một visa chờ (bridging visa) để chờ đợi ra tòa và tham gia các vụ tranh tụng kéo dài từ năm 2012 đến nay.
Hai con nhỏ 5 tuổi và 3 tuổi đối mặt với nguy cơ bị trụ c xuất Nguồn: Supplied
Cái kết của việc tin tưởng tuyệt đối vào các công ty di trú... Anh Quốc Vinh tỏ thái độ phẫn nộ với cách làm việc của các công ty di trú và đổ lỗi cho luật sư về việc hồ sơ xin visa của anh bị thất bại.
“Tôi đã trả rất nhiều tiền cho luật sư người Việt ở Cabramatta nhưng họ cứ giữ hồ sơ của tôi. Sau đó tôi lo lắng nên đã tìm đến một luật sư người Úc ở city. Nhưng họ không chuẩn bị hồ sơ của tôi đầy đủ, đợi đến sát ngày mới yêu cầu giấy tờ. Ra đến tòa lần nào cũng bị bác hồ sơ”.
Trong suốt 10 năm ở lại Úc, anh và vợ chưa từng về Việt Nam lần nào vì lo lắng sẽ không được nhập cảnh vào Úc. Anh Vinh chia sẻ: “Hồi mẹ vợ rồi ông ngoại tôi mất cũng không dám về, vì sợ vợ không quay lại được, con cái không ai lo”.
Anh Quốc Vinh và vợ hiện đang có hai con trai 5 tuổi và 3 tuổi. Anh lo lắng việc bị trụ c xuấ t về Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tương lai của hai đứa con mình, bởi “các bé chưa được nuôi dạy ở Úc và chưa bao giờ sống ở Việt Nam, tình hình ở Việt Nam rất căng thẳng”.
“Tôi đã trả rất nhiều tiền cho luật sư người Việt ở Cabramatta nhưng họ cứ giữ hồ sơ của tôi. Sau đó tôi lo lắng nên đã tìm đến một luật sư người Úc ở city. Nhưng họ không chuẩn bị hồ sơ của tôi đầy đủ, đợi đến sát ngày mới yêu cầu giấy tờ. Ra đến tòa lần nào cũng bị bác hồ sơ”. Quốc Vinh
Anh Vinh đang thực hiện hy vọng cuối cùng là viết một bức thư xin sự cứu xét của tổng trưởng di trú Úc với hoàn cảnh của anh.
Thỉnh nguyện thư trên trang mạng change.org của anh Quốc Vinh, kêu gọi chữ ký ủng hộ của mọi người, tính đến chiều tối ngày 15/8, đã nhận được gần 1800 chữ ký ủng hộ.
Cách đây không lâu, một gia đình Nam Hàn từng mất 100,000 đô trong một vụ lừa đảo nhập cư và đã sống tại Melbourne trong 10 năm qua đã được cứu xét ở lại Úc.
Trợ lý Bộ trưởng đã can thiệp vào trường hợp của gia đình người Hàn Quốc này và cấp cho tất cả các thành viên của gia đình visa vĩnh viễn diện gia đình.
Anh Tô Quốc Vinh hy vọng gia đình anh cũng sẽ may mắn nhận được sự cứu xét tương tự từ phía tổng trưởng di trú. Anh Vinh và gia đình vừa được cấp thêm visa ba tuần để chờ phán quyết của Bộ di trú trước khi bị trục xuất khỏi Úc.
Nguồn: Sbs.com.au