Bị mẹ ruột đem tặng cho cặp vợ chồng hiếm muộn cách đây 44 năm, thế nhưng trong lòng chị Hoanh chưa khi nào nguôi nhớ gia đình, mong mỏi tìm lại cội nguồn.
Tờ giấy giao ước đem tặng con vì nhà quá nghèo
Chị Phạm Thị Hoanh (SN 1972) mặc dù đang có cuộc sống hạnh phúc, thành đạt tại Mỹ nhưng trong lòng chưa khi nào nguôi nhớ về cội nguồn. Số phận sóng gió của chị Hoanh bắt đầu vào một buổi chiều cách đây 44 năm, mẹ ruột đem tặng chị cho một cặp vợ chồng hiếm muộn tên Tạ Thị Búp (SN 1944).
Chị kể lại ngày hôm đó, mẹ ruột đem chị tới nhà của bà Búp, nhờ bác tổ trưởng Ấp 1, xã Bàu Đồn (thuộc huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) làm chứng. Cuộc trao đổi được ghi lại vào một tờ giấy giao ước, trên đó viết rõ bà Hoàng Thị Ngâu (30 tuổi) đã thỏa thuận và đồng ý tặng cho bà Búp một đứa con gái tên Hoanh. Sau này dẫu có chuyện gì xảy ra, cả hai bên sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước chính quyền.
"Hồi đó mẹ nuôi có cho mẹ ruột tôi ít tiền, cả ít gạo với đậu xanh... Nhớ ang áng vậy đó. Lớn lên nghe người ta nói nhiều, chắc nhà khó khăn, mẹ nuôi không nổi nên mới đem tôi đi cho. Tôi cũng không biết anh em tôi có bị đem đi cho nữa không hay mẹ giữ lại", chị Hoanh kể.
Chị Hoanh bị mẹ ruột đem tặng cho cặp vợ chồng hiếm muộn
Chị Hoanh lúc đó mới lên 6, ký ức chẳng nhớ gì nhiều. Chị chỉ biết khi đó, gia đình chị rất nghèo, bố đi trại cải tạo, nhà có đông anh em, chị là người con thứ 4, dưới chị còn có một cô em gái tên Sáu. Anh Hai là anh trai cả, rất yêu thương và luôn che chở cho chị. Chị còn nhớ, anh từng bảo với mẹ rằng, "Mẹ giữ em lại, đừng có đem cho đi đâu hết". Nhưng ngày đem chị đi tặng, anh Hai không có nhà, chị cũng không gặp lại được người anh ruột thịt lần cuối.
Sau buổi chiều định mệnh ấy, vợ chồng bà Búp đem chị Hoanh về, làm giấy khai sinh mới cho chị đi học và nuôi tới lúc chị lấy chồng, đi Mỹ định cư. Trên giấy khai sinh có ghi Phạm Thị Hoanh sinh năm 1972, quê quán ở xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh). Năm vào học lớp 1, chị nhớ mang máng mẹ ruột có xuống thăm vài lần, nhưng sợ lại bị mẹ bắt đem đi cho tiếp nên chị chạy trốn, quyết không gặp.
Trong thâm tâm, chị luôn bị ám ảnh bởi quá khứ đau buồn, tủi thân nên chưa khi nào dám mở lòng với ba mẹ nuôi dù họ rất thương yêu và quan tâm chị.
Tờ giấy giao ước tặng con hai bên thỏa thuận cách đây 44 năm
Trải qua nhiều năm khôn lớn, trưởng thành, chị Hoanh đã dần nguôi đi vết thương lòng. Chị bộc bạch rằng, ngày nhỏ rất giận mẹ, nhưng khi lớn, hiểu được khó khăn, vất vả của những năm tháng đói khổ nên lại thương, mong muốn tìm lại được máu mủ. Chị Hoanh thông báo sẽ thưởng 1.000 USD cho người nào báo tin và tìm được mẹ chị.
"Hồi mười mấy tuổi, tôi giận mẹ lắm, khi đó nông nổi, không hiểu biết đâu. Sau này lớn lên, tôi nghĩ tại sao lại giận nhỉ? Mẹ đã mang nặng đẻ đau, vì nghịch cảnh nên mới đem cho. Tôi thương mẹ nhiều hơn là giận, nếu còn giận tôi đã không đi tìm. Dù mẹ có ở gầm cầu, đói rách nghèo khổ hay là ăn mày, tôi vẫn muốn nhận lại mẹ", chị Hoanh tâm sự.
Mẹ phản ứng không ngờ khi tìm lại con gái
Sau khi câu chuyện của chị Hoanh đăng tải lên kênh YouTube chuyên tìm kiếm người thân thất lạc, một người phụ nữ cùng quê Tây Ninh đã kết nối tới chương trình, báo rằng từng quen bà Hoàng Thị Ngâu. Ngày xưa bà Ngâu có ở gần nhà với một người em họ hàng.
Năm nay bà Ngâu đã 77 tuổi, sống cùng một người con gái ở Tân Biên (Tây Ninh). Nhìn tờ giấy giao ước tặng con năm xưa, bà Ngâu rất bất ngờ. Quá khứ bỗng chốc ùa về trong tâm trí người đàn bà về câu chuyện day dứt cách đây 44 năm.
Bà Ngâu kể, ngày ấy khổ lắm, chồng đi cải tạo, một mình bà gồng gánh ôm 6 đứa con. Một người phụ nữ trong làng bảo bà, nghèo quá thì đem cho con bớt đi, cho nó có cuộc sống mới đỡ khổ. Người này dẫn bà đi bộ tới xã Bàu Đồn (Tây Ninh) gần đó, cho một cặp vợ chồng không có con cái. Cả hai bên thỏa thuận dựa trên một tờ giấy cam kết bằng tay.
Bà Ngâu và con gái thứ 6 (ngồi cạnh) kể về ký ức năm xưa
Một thời gian sau, chồng bà Ngâu đi cải tạo về, biết chuyện đem tặng con nên bảo bà: "Bây giờ bà cho con ở đâu, đi bắt nó về đi". Nhưng 2 - 3 lần đến nhà gặp, đứa con gái đều chạy trốn, không muốn theo mẹ về.
Bà Ngâu chán nản, khi đó gia cảnh cũng khó khăn, nên đành mặc kệ, nghĩ bụng: "Thôi kệ nó, người ta có cơm gạo ăn, mình nuôi đói khổ, để cho họ nuôi đi". Và từ ngày đó, bà Ngâu không gặp lại chị Hoanh nữa.
Bẵng đi chục năm, bà Ngâu đẻ thêm 3, tổng cộng 9 người con, 2 trai, 7 gái. Mặc dù tuổi đã cao nhưng người phụ nữ vẫn minh mẫn. Bà nhớ đầy đủ tên họ của con gái, ngày xưa ở nhà bà thường gọi chị Hoanh biệt danh là Bé.
"Trước khi ba nó chết, con cái ở Sài Gòn tụ họp về, cũng trăng trối với tôi giờ có điều kiện thì đi kiếm cái Hoanh về. Hồi đó tôi cũng khổ, nên 10 năm sau mới dám đi tìm nó", bà Ngâu bày tỏ.
Bà Ngâu đi khắp nơi lùng tin tức về con. 3 năm trước, bà tìm tới nhà người phụ nữ đã từng đem cho, cứ ngỡ chị Hoanh ở đó: "Tôi đến đó nhưng họ không cho gặp, tôi làm dữ, bảo: Ngày xưa tôi nhớ tôi cho chị, giờ tôi biết nhà chị tôi vô, tôi tới, tôi chỉ muốn nhìn con chút thôi. Nhưng họ cãi không nhận nuôi đứa nào hết".
Kể từ lần đó, bà Ngâu tuyệt vọng, lòng thầm nghĩ cả đời này sẽ không gặp lại được con nữa. Cho tới khi gặp chị Hoanh, hai mẹ con bồi hồi đối chứng lại ký ức qua cuộc gọi từ phía bên kia đại dương. Lúc này bà Ngâu mới biết mình đã tìm lầm nhà, vì chị Hoanh đã đi Mỹ từ rất lâu, không có chuyện ở Việt Nam vào thời điểm 3 năm trước.
2 mẹ con đối chứng xác minh câu chuyện qua cuộc gọi video call
Sau khi được kết nối, trò chuyện, gửi thông tin để xét nghiệm ADN, vào giữa tháng 3/2022, chủ kênh YouTube thông báo kết quả từ trung tâm trả về: Hai mẹ con chị Hoanh trùng khớp ADN huyết thống. Trong giây phút trùng phùng cách nửa vòng trái đất, bà Ngâu nghẹn ngào, bật khóc không thành lời.
"Mình không ăn, không ngủ, hồi hộp chờ kết quả, nóng ruột mà cũng không dám gọi, cứ đếm từng ngày luôn. Mừng quá, chảy nước mắt. Tui còn định gửi thêm mẫu về thử ADN với hết mấy chị em trong gia đình nữa kìa. Giờ tìm thấy mẹ mừng quá, mừng chảy nước mắt", cô con gái bày tỏ.
Mẫu ADN trả về báo kết quả trùng khớp 100%
Chị Hoanh cho biết trong thời gian gần nhất sẽ về Việt Nam thăm mẹ. Đồng thời chị cũng gửi thêm 1.000 USD thưởng cho chị Thanh - người đã nhiệt tình báo tin về chương trình, giúp chị tìm lại cội nguồn.
Nguồn: Xã luận