Số phận của những người di dân thường gặp rất nhiều thách thức như ngôn ngữ, ẩm thực, văn hóa, chính trị, khí hậu, sự phân biệt chủng tộc… Nhưng thách thức đối với tất cả những người di dân là văn hóa.
Có nhiều cộng đồng da màu sống ở Mỹ đã không thể nào tìm được tiếng nói chung với những người Mỹ bản xứ và không thể hòa đồng vào đời sống văn hóa Mỹ được như cộng đồng những người da đen từ châu Phi, cộng đồng những người nói tiếng Tây Ban Nha hay cộng đồng người Việt.
Nhà thơ Mỹ danh tiếng Charles Simic đã nói: “Với không ít người, phải rời bỏ quê hương đồng nghĩa với cái chết” (Ảnh minh họa)
Gần 30 năm trước, trong chuyến đi thăm và làm việc ở Australia trở về, tôi đã viết bài thơ “Tha phương” in trong tập “Sự mất ngủ của lửa”. Bài thơ ấy được viết từ cảm hứng lời tâm sự của một số người Việt sinh sống tại Australia. Đó là một đêm, tôi nói với họ về bánh khúc và những tiếng rao bánh trong đêm gió lạnh ở Hà Nội. Một người phụ nữ đã khóc và nói: “Không biết tôi còn cơ hội trở về nữa không”.
Lúc đó, có không ít những người Việt rời đất nước ra đi và họ nghĩ sẽ khó có ngày về. Cả bài thơ như sau:
Tha phương
“Xa
Xa ngơ ngác con đường
Người đi, người đi, người đi. Vừa bước vừa vấp
Ta khóc trong cỏ gai
Ta khóc trong rơm rạ
Ta khóc thành rêu.
Xa
Xa nhoi nhói con đường
Ai sẽ gọi người, ai sẽ dắt người, ai sẽ thay áo cho người
Ta đau như dễ đứt
Ta buồn như chó ốm.
Quê hương
Khuất khuất sau mây
Quê hương âm âm trong gió
Ta không thể dâng tay gạt hết mưa chiều
Để nhìn cho tỏ mặt.
Chỉ mùi khói phân trâu khô bên đường bén lửa
Ngăn ngắt đằng vào giấc ngủ kẻ tha phương”.
1992
Từ khi có loài người là bắt đầu những cuộc di dân. Mỗi cuộc di dân đều chứa những vấn đề của thời đại kể cả cuộc di dân của một cá nhân. Người ta đi tìm một vùng đất mới cho cuộc sống, di tản khỏi một cuộc chiến tranh, chạy trốn một sự truy đuổi nào đó hay chỉ là đi tìm công ăn việc làm trong một thời gian nhất định.
Số phận của những người di dân thường gặp rất nhiều thách thức như ngôn ngữ, ẩm thực, văn hóa, chính trị, khí hậu, sự phân biệt chủng tộc… Vào thế kỷ XIX, rất nhiều người từ châu Âu tìm mọi cách đến Mỹ được coi như mảnh đất hứa của con người. Nhưng quá nhiều người đã thất bại thê thảm và trở thành những kẻ ăn xin và tội phạm trên chính mảnh đất mà họ mơ được đặt chân tới.
Nhưng thách thức đối với tất cả những người di dân là văn hóa. Có nhiều cộng đồng da màu sống ở Mỹ đã không thể nào tìm được tiếng nói chung với những người Mỹ bản xứ và không thể hòa đồng vào đời sống văn hóa Mỹ được như cộng đồng những người da đen từ châu Phi, cộng đồng những người nói tiếng Tây Ban Nha hay cộng đồng người Việt.
Có không ít người Việt sống ở California, Mỹ hàng chục năm nay mà không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Tôi có một người bác họ tên gọi là bà Bê định cư ở Mỹ gần nửa cuộc đời nhưng bà không bao giờ có khả năng trở thành người Mỹ.
Vì thế bà không thể kiếm được việc làm ngoài đi dọn dẹp nhà cửa thuê và gom nhặt đồ phế thải tại các khu chợ người Việt ở đó. Bà nói với tôi vì con cháu mà ra đi khỏi quê cha đất mẹ chứ bà phải sống một cuộc sống phiền muộn và cô đơn trong suốt cuộc đời của kẻ tha phương.
Một nhân vật mà tôi đã gặp ở Cuba trong thời gian học tập ở đó là một người đàn ông gốc Tây Ban Nha có tên Việt là Nho. Ông Nho đi lính cho quân đội Pháp tham chiến ở Việt Nam và đã bỏ hàng ngũ quân đội Pháp theo Việt Minh.
Ông Nho lấy vợ làm ở nhà máy dệt Nam Định. Vợ con ông đã bị bom Mỹ giết chết. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông đã xin trở về Tây Ban Nha nhưng không được Chính phủ Tây Ban Nha chấp nhận.
Thách thức lớn nhất mà ông Nho không sống được ở Việt Nam sau khi vợ con đã chết là thách thức về văn hóa. Càng già, tiếng gọi của tổ tiên ông bà nơi xứ sở càng da diết. Và ông cần phải trở về Tây Ban Nha của ông.
Chính vì thế mà Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Cuba cho ông định cư ở Cuba để ông có thể được trở về với một đời sống gần với văn hóa Tây Ban Nha nhất vì Cuba nói tiếng Tây Ban Nha và là thuộc địa của Tây Ban Nha hàng trăm năm trước đó.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Cũng như câu chuyện một người phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Hoa sang sinh sống ở Cuba từ trước năm 1954. Bà không còn nói được tiếng Việt vì khi ra đi bà còn quá nhỏ.
Trước khi tôi trở về Việt Nam, bà đã gửi tôi một lọn tóc của mình nhờ tôi về nước thả xuống một con sông nào đó ở Việt Nam. Vì theo mẹ bà dặn, làm như thế khi chết sẽ nhớ đường trở về cố hương. Cũng có những người Việt sống ở Mỹ hàng chục năm nhưng không dám trở về Tổ quốc bởi điều kiện tài chính. Họ chỉ kiếm được đủ sống và nhiều người sống bằng tiền trợ cấp.
Nhà thơ Mỹ danh tiếng Charles Simic, người gốc Nam Tư đã nói:
“Với không ít người, phải rời bỏ quê hương đồng nghĩa với cái chết”. Mới đây, nhiều báo chí trong nước đưa tin về cái chết của nhà thơ Du Tử Lê, định cư ở Mỹ sau năm 1975 và đăng bài thơ của ông “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” để sóng đưa ông về mảnh đất cha sinh mẹ đẻ của ông. Đấy là mơ ước cuối cùng của ông cũng như của hầu hết những người tha phương.
Chuyến đi cuối cùng trong cuộc đời của những người tha phương là chuyến trở về cố hương cho dù bằng bất cứ con đường nào đó.
Nguồn: anninhthudo