Để di tản khỏi vùng chiến sự, nhiều người Việt cố gắng di chuyển vượt quãng đường hơn 1.000 km.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bước sang tuần thứ hai. Theo ước tính của quan chức Liên hợp quốc, ít nhất 1 triệu người đã rời khỏi nước này.
Người Việt và hành trình di tản hơn 1.000 km
Một nguồn tin có trách nhiệm trong cộng đồng người Việt tại Kharkov (Ukraine) cho biết ước tính quá nửa người Việt đã di tản khỏi thành phố trong mấy ngày qua.
Tòa thị chính ở Kharkov. (Ảnh: Pavel Dorogov/AP)
Anh cho biết, do lo ngại tình hình chiến sự leo thang, bà con người Việt đã di tản khỏi Kharkov. “Hơn một nửa số gia đình bà con người Việt đã rời thành phố. Mà có thể con số này còn lớn hơn nữa”, anh nói.
Trước đây, Kharkov là thành phố tập trung đông người Việt nhất tại Ukraine với gần 10.000 người sinh sống, làm việc. Nhưng con số trước khi chiến sự nổ ra ước tính chỉ còn trên 1.000 người.
Theo anh, từ tối qua trở về trước, bà con chủ yếu chọn sang Moldova. “Hôm qua, người di tản, trong đó có bà con người Việt mình ra ga tàu đi Odessa, rồi từ đó sang Moldova. Vì số lượng người di tản quá đông nên chính quyền chỉ chấp nhận cho phụ nữ, trẻ em và người già lên tàu. Đàn ông phải quay trở lại”, anh kể.
Tại làng Thời Đại, khu định cư lớn nhất tại Kharkov của người Việt với trên 300 hộ dân, giờ chỉ còn 40 - 50 hộ. Từ sớm nay, bà con tiếp tục di tản, nhưng bằng đường bộ đến Lvov ở phía Tây để từ đó sang Ba Lan, hoặc thành phố Chop thuộc tỉnh Zakarpatsk để từ đó sang Hungary hoặc Romania. “Đi hướng Lvov thì đường tắc cứng nên đa số mọi người chọn Chop”, nguồn tin cho hay. Cũng theo anh, do lo ngại bất trắc trên đường đi nên các gia đình tập hợp thành từng đoàn, mỗi đoàn 5 xe.
Nhiều người từ phía Đông Ukraine đến Lvov. (Ảnh: AP)
Vì là thành phố ở phía Đông, cách biên giới Nga chỉ 40 km nên Kharkov là nơi xa nhất đến những địa điểm di tản. Đến Lvov, bà con phải vượt quãng đường khoảng 1.200 km. Quãng đường này bình thường đã rất xa, lại càng trở nên diệu vợi trong thời chiến đầy hiểm nguy.
Vì vậy, theo đánh giá của nhiều người Việt tại Kharkov, ở lại thành phố vẫn là phương án an toàn nhất lúc này, bởi các khu người Việt sinh sống chủ yếu ở trung tâm thành phố, cách xa khu quân sự, không nằm trong tầm tấn công của quân Nga. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại nhất đối với bà con người Việt là thực phẩm. Các siêu thị đều đã đóng cửa, hết sạch hàng hoá. Lương thực dự trữ trong mỗi gia đình chỉ đảm bảo tối đa trong 1 tháng.
Vì là thành phố ở phía Đông, cách biên giới Nga chỉ 40 km nên Kharkov là nơi xa nhất đến những địa điểm di tản.
Cộng đồng hỗ trợ nhau bằng mọi cách có thể
Giữa tình hình chiến sự phức tạp, cộng đồng người Việt ở trong và ngoài Ukraine đang cùng các cơ quan ngoại giao và sở tại nỗ lực hết mình để hỗ trợ bà con di chuyển đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Odessa cho biết, hiện tại trong khi chờ các chuyến bay về nước thì cơ quan ngoại giao và hội nhóm cộng đồng người Việt tại địa phương đang tích cực nắm tình hình bà con và bằng mọi phương án hỗ trợ mọi người di chuyển ra khỏi vùng chiến sự.
Ở Odessa có khoảng 3.000 người Việt thì hiện 1.000 người đã di chuyển qua biên giới, “con số mà chúng tôi chưa nắm được chắc vẫn còn”, ông nói. Cộng đồng chủ yếu đến Moldova, Romania. Từ Romania, một số người có thể được hội chữ thập đỏ các nước hỗ trợ nếu đi sang tiếp vào các nước châu Âu như Séc, Hungary,...
“Một số khó khăn là nhu cầu của bà con đang lớn và không phải ai cũng đủ điều kiện để đi xa. Một số bà con sang sớm đã cạn kiệt nguồn tài chính”, ông cho biết. Tuy nhiên các hội nhóm đều cố gắng hỗ trợ bà con về thức ăn, chỗ ở tạm thời và phiên dịch.
Bà con Việt Nam trên đường di tản tại khu vực biên giới Moldova, Romania. (Ảnh: NVCC)
“Tất cả bà con di chuyển ra khỏi thành phố bằng xe ô tô dịch vụ hoặc xe buýt được tổ chức theo nhóm, ở biên giới cũng được di chuyển bằng xe bus”, ông nói thêm.
Cơ quan ngoại giao và chính quyền sở tại ở nơi đến cũng tạo điều kiện cho những người tị nạn chiến tranh. “Như tại Romania thì sứ quán Việt có cử người hỗ trợ cho bà con, có những người thất lạc hộ chiếu thì cũng được ghi nhận nhu cầu hỗ trợ...”