‘Nếu tôi là tuýp phụ nữ lấy chồng chỉ biết phục tùng chồng mà không biết tới cha mẹ thì có thể hôn nhân của tôi không trúc trắc đến như vậy’, ca sĩ Hồ Lệ Thu chia sẻ.
Đây là lần đầu tiên ca sĩ Hồ Lệ Thu trải lòng về mẹ của mình – một người phụ nữ miền Tây điển hình: hiền lành, nhẫn nhịn vì chồng con.
Ca sĩ hải ngoại Hồ Lệ Thu xinh đẹp rạng ngời tại Việt Nam
Xót con bị đòn đau, đạp chồng văng vào tường
Nhà tôi có 3 anh em, duy nhất tôi là gái. Người ta bảo, gia đình có một cô con gái thì thường được cưng chiều và sướng nhất nhưng tôi lại cực nhất trong nhà. Tôi bôn ba từ thời trẻ, một tay lo gia đình.
Mẹ tôi là người hiền lành, nhẫn nhịn vì chồng con chứ không quảng giao như ba. Hồi tôi còn nhỏ xíu, mẹ làm ở cư xá Tam Đa trên đường Nguyễn Trung Trực, còn nhà thì ở chung cư đường Trần Hưng Đạo, ngày nào hai mẹ con cũng đi bộ, xách theo bữa trưa là một ổ bánh mì không ăn kèm với chuối, lâu lau thay bằng xoài.
Rồi khi mẹ chuyển về làm ở rạp Măng Non thuộc Đoàn Nghệ thuật múa rối thành phố trên đường Đồng Khởi bây giờ, hai mẹ con vẫn đi bộ như thế. Mẹ tôi không biết đi xe đạp nên ba thỉnh thoảng vẫn hay chọc “mẹ mày thua con khỉ, con khỉ còn biết đi xe đạp”
Hồ Lệ Thu và mẹ hồi trẻ (ảnh trong bài do nhân vật cung cấp).
Ông bà mình thời xưa và cả bây giờ, nhiều người vẫn có tư tưởng đánh con để dạy con. Ba tôi cũng thế. Ba có hẳn cái roi cá đuối, quất một cái là thối thịt. Tôi là con gái nên đỡ hơn, ba ưu tiên dùng roi mây và chổi lông gà.
Ngày đó, ba tôi cấm không cho con gái đi hát nhưng vì mê quá, tôi cứ trốn đi. Hôm ấy, ba mẹ tôi có việc phải về quê ngoại ở Mỹ Tho nên tôi đi hát xa. Vì chắc mẩm ba mẹ phải 7,8 h tối mới về nên tôi canh 6h thì về, mặt còn để nguyên son phấn chưa tẩy trang.
Thế là tôi bị ba đánh đòn. Ba đánh dữ tới mức, ngày thường, mẹ tôi vốn thuộc tuýp phụ nữ nhất nhất nghe lời chồng, ba nói không mẹ không dám nói có, thế mà vì xót con, mẹ lao vào đạp ba văng vô tường.
Mẹ la lên “nó là con gái, đi hát hò thôi, có làm gì hư hỏng đâu mà ông đánh nó dữ vậy”. Ba tôi sững sờ, đứng chết trân vì không ngờ được phản ứng của vợ. Thế là ba ngưng không đánh nữa.
Mấy năm sau, ba tôi bị ung thư, mẹ vừa đi làm vừa chăm sóc ba. Để kiếm thêm tiền lo thuốc cho ba, buổi tối mẹ đem đầu của mấy con rối về nhà bồi hồ.
Tay mẹ bị hồ ăn nứt toác, chảy cả máu nhưng mẹ vẫn cần mẫn giặt giũ quần áo, nấu cơm nấu nước không kêu một tiếng. Khi ba mất rồi, có người mách mẹ bôi thuốc thì lúc đó tay mới lành lại.
Mẹ tôi cũng giống như những người phụ nữ khác, muốn con mình hạnh phúc, yên ổn nhưng tính tôi khi trưởng thành, đã muốn gì là phải làm cho bằng được, không ai cản nổi, ngay cả ba mẹ cũng thế.
Bố và mẹ Hồ Lệ Thu: nhạc sĩ Tào Thành và bà Nguyễn Thị Quyên
Biết con gái bị rể đánh vẫn cắn răng bảo bế con đi về “kẻo nó qua đốt nhà”
Ông bà mình thời xưa có thương con cũng giấu trong lòng chứ không nói, không thể hiện bằng hành động giống như các bậc phụ huynh bây giờ. Cũng bởi vậy mà giữa cha mẹ và con cái thường có khoảng cách, không gần gũi.
Gia đình tôi cũng thế. Bản thân tôi cũng không chia sẻ với mẹ. Biết mẹ thương mình và mình thương mẹ nhưng không ai nói với ai.
Hồi cưới người chồng đầu tiên, tôi bị đánh hoài. Mẹ biết, xót con nhưng không dám hỏi. Mẹ nhìn rồi lặng lẽ quay đi. Tôi biết mẹ xót nhưng không nói.
Ngay cả cái ngày tôi bỏ nhà chồng, bồng con về, mẹ biết rể đánh con gái mình nhưng vẫn cắn răng bảo đi về “con về đi, con qua đây chắc nó qua đốt nhà” (nó là ám chỉ người chồng đầu tiên của Hồ Lệ Thu- PV).
Sau đó, anh ta qua nhà làm dữ, hỗn hào với mẹ tôi đến mức hàng xóm phải vào lôi anh ta ra ngoài vì sợ hành hung mẹ.
Phải người khác, gặp sui gia hay con rể cư xử tệ bạc với con gái mình, thế nào cũng mắng vốn nhưng mẹ tôi thì hiền lành. Sau hơn 1 năm, ly dị xong, tôi về ở với mẹ và đi hát lại. Tôi nhớ là mẹ đi làm để dành được mấy chỉ vàng, tôi mượn mua xe honda đi hát. Nói là mượn nhưng mẹ có bao giờ tính đến.
Hồ Lệ Thu cùng mẹ và con gái Phi Anh.
Thời điểm tôi quen ông chồng người Pháp, vì trục trặc giấy tờ của Phi Anh nên ông ấy muốn tôi bỏ con lại Tôi không đồng ý. Tôi thà không kết hôn chứ nhất định không bỏ con. Tôi giận nên hát xong, tôi đi chơi khuya với đám bạn để tránh mặt.
Tôi làm gì cũng âm thầm làm, không chia sẻ với mẹ nên mẹ hiểu lầm. Mẹ tưởng tôi ham chơi, không biết suy nghĩ, đã từng đổ vỡ hôn nhân, giờ có người thương muốn cưới lại là doanh nhân giàu có mà không lo yên ổn.
Suốt cả tuần lễ đó, mẹ không thèm nói chuyện với tôi một câu. Thậm chí không nhìn mặt. Biết mẹ hiểu lầm, biết mẹ giận nhưng tôi cũng không giải thích.
Cho tới khi tôi cương quyết không cưới nữa thì ông chồng người Pháp mới tìm cách lo thủ tục để đưa con gái tôi đi cùng. Khi mẹ hiểu lý do thì mẹ hết giận.
Không cần người bạn đời không biết tôn trọng cha mẹ
Sống ở nước ngoài nhưng tôi vẫn cố hết mức có thể, lo được cho mẹ cái gì thì lo, bởi ba mất rồi.
Trước khi làm đám cưới, tôi và ông chồng Pháp có giao ước lo cho mẹ tôi ở Việt Nam. Bởi tôi đang là trụ cột kinh tế gia đình. Qua Pháp sống, ở nhà làm nội trợ, không kiếm ra tiền thì ông ấy phải có trách nhiệm thay tôi. Ông ấy đồng ý mỗi tháng cho mẹ tôi 200 đô.
Nếu tôi là tuýp phụ nữ lấy chồng chỉ biết phục tùng chồng mà không biết tới cha mẹ thì có thể hôn nhân của tôi không trúc trắc như vậy.
Nhưng tôi rất quan trọng chuyện người ta có tử tế với ba mẹ mình hay không. Bất cứ một thái độ nào coi thường ba mẹ tôi cũng đều là điều tôi không thể chấp nhận.
Người Việt Nam mình có câu “của cho không bằng cách cho”. Ông chồng Pháp của tôi có công ty ở Việt Nam. Nếu ông ấy thực sự yêu vợ và tôn trọng mẹ vợ thì nên tự mình tới đưa tiền cho mẹ hoặc để nhân viên mang tiền đến, dù 200 đô chẳng đáng bao nhiêu.
Thế nhưng, ông ấy bắt mẹ tôi hàng tháng chạy xe ôm lên công ty. Đã thế, nhân viên của ông ấy để mẹ tôi ngồi chầu chực như đi ăn xin cả buổi sáng, không thèm ngó ngàng tới.
Nghĩa là, chính ông ấy không tôn trọng mẹ tôi thì nhân viên của ông ấy mới dám làm như vậy.
Dĩ nhiên, tôi không hay biết chuyện đó. Cho tới một ngày, mẹ tôi bảo “mai mốt mẹ không lên lấy tiền nữa”. Tôi hỏi tại sao thì mẹ mới chịu kể và cũng kể rất nhẹ nhàng vì sợ ảnh hưởng tới con gái.
Tôi nói chuyện với ông ấy. Ông ấy bảo “muốn có tiền thì phải đi lên mà lấy”. Từ khi ông ấy nói câu này, tôi xác định người này mình không thể ở lâu được.
Dù hai mẹ con ít nói chuyện, ít chia sẻ nhưng rất thương yêu nhau.
Mẹ tôi quá hiền lành, cần mẫn nên ra ngoài xã hội hay bị thiệt thòi. Tôi ngược lại với mẹ, thuộc tuýp phụ nữ mạnh mẽ và xông pha ngoài xã hội. Tôi cũng rất coi trọng lễ nghĩa.
Hai cuộc hôn nhân của tôi, mọi mâu thuẫn, cãi nhau đều bắt nguồn từ việc người kia đụng chạm tới cha mẹ tôi.
Tôi biết nhiều phụ nữ chọn cách chịu đựng để duy trì hôn nhân nhưng tôi thì không. Tôi không cần người bạn đời không biết tôn trọng cha mẹ mình. Anh ta không tôn trọng cha mẹ tôi thì đương nhiên cũng sẽ chẳng coi tôi ra gì.
Cho tới bây giờ, dù dù hôn nhân của tôi nhiều trúc trắc, nhiều đau khổ nhưng tôi vẫn rất tự hào về việc mình đã làm để bảo vệ điều đó, chứ không hối tiếc.
Hồi tôi chuẩn bị sinh Phi Anh, tôi về thăm mẹ để báo là mình chuẩn bị ở cữ. Vậy mà về nhà, chồng cũng đánh. Anh ta bảo “con tôi chỉ cần biết tôi và bên nội của nó thôi, không cần biết tới tổ tông bên ngoại làm gì”.
Tôi không chấp nhận được chuyện đó. Quá bức xúc câu nói ấy, tôi bảo: “Tôi không phải dưới đất nẻ chui lên. Mẹ thì tôi chỉ có 1 nhưng chồng thì tôi có thể kiếm tới 10″. Sau một trận đòn nhừ tử của chồng, tôi bồng con đi, chấm dứt những ngày tháng địa ngục”.
* Ghi theo lời kể của ca sĩ Hồ Lệ Thu
Nguồn: Soha