Tại một số địa phương ở Nghệ An, tỉ lệ lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc rất cao, chiếm 28-46%. Vận động lao động về nước đúng thời hạn đang là bài toán khó cần giải quyết.
Hơn 1.700 lao động bất hợp pháp
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) mới đây đã có thông báo tiếp tục dừng tuyển chọn lao động theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (chương trình EPS) sang Hàn Quốc đối với người ở 8 huyện, thành phố thuộc 4 tỉnh: Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh do có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp.
Trong đó, tỉnh Nghệ An đứng đầu danh sách với 3 huyện, thị bị dừng tuyển chọn lao động, gồm thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc và huyện Hưng Nguyên.
Phường Nghi Hải là địa phương có lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao của thị xã Cửa Lò, Nghệ An (Ảnh: Q.A).
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, tính đến đầu tháng 3/2023, toàn tỉnh có 1.770 lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó 372 lao động không về nước từ 2020-2021 và 1.524 lao động hết hạn hợp đồng phải về nước 2020-2021. Tỉ lệ lao động Nghệ An không về nước đúng thời hạn chiếm 24,41%. Đặc biệt, 3 địa phương đang bị Hàn Quốc "cấm cửa" có số lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp rất cao, cụ thể, huyện Hưng Nguyên là 46,55%, huyện Nghi Lộc 29,03% và thị xã Cửa Lò chiếm 28,97%.
Theo đại diện Phòng LĐ-TB&XH thị xã Cửa Lò, địa phương này có 208 người cư trú bất hợp pháp sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Hàn Quốc, trong đó có những trường hợp không trở về từ năm 2010. Đây cũng là địa phương nằm trong danh sách "cấm cửa" của Hàn Quốc lâu nhất của Nghệ An.
Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê đối với lao động chương trình EPS, trên thực tế, số lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ngoài chương trình kể trên còn lớn hơn nhiều.
Phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) là địa phương có số lao động làm việc ở Hàn Quốc đông, ở tất cả chương trình với hơn 600 người. Phường Nghi Hải hiện có 69 lao động theo chương trình EPS bỏ trốn ra ngoài, chiếm gần 1/3 lao động cư trú bất hợp pháp của toàn thị xã. Những năm qua, chịu ảnh hưởng của lệnh tạm dừng tiếp nhận lao động EPS, các lao động chuyển hướng sang các chương trình khác như du học, thương mại... có chi phí cao hơn để sang Hàn Quốc.
Bà H. có con dâu hiện đang làm "chui" tại Hàn Quốc giải thích việc người thân trốn ra ngoài là vì "muốn có thêm đồng vốn" (Ảnh: Hoàng Lam).
Ông Nguyễn Văn Cường - cán bộ văn hóa, chính sách phường Nghi Hải cho biết: "Mức lương ở Hàn Quốc cao hơn rất nhiều so với các thị trường khác. Bởi vậy, không khó hiểu khi người lao động mạo hiểm bỏ trốn ra ngoài, ở lại bất hợp pháp khi hết hạn hợp đồng.
Sau khi chương trình EPS bị tạm dừng, tỉ lệ người đi du học Hàn Quốc tăng nhưng thực tế, số này sang một thời gian thì cũng bỏ trốn ra ngoài lao động bởi chi phí cho xuất cảnh lớn, mục tiêu ban đầu của họ không phải sang để học. Thông tin chúng tôi nắm bắt, khảo sát từ các khối, gia đình có con em đi Hàn Quốc, cứ 10 người thì đến 8 người bỏ trốn ra ngoài".
Con số thống kê tại thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên) cho thấy, hiện có 30 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó 20 người còn thời hạn hợp đồng. Đồng nghĩa 1/3 lao động của địa phương này đang làm việc ở Hàn Quốc là lao động bất hợp pháp. Con số này của toàn huyện Hưng Nguyên là 180 người.
Gian nan vận động lao động về nước đúng thời hạn
Theo thông báo của phía Hàn Quốc, lao động cư trú bất hợp pháp nếu tự nguyện ra khai báo trước thời điểm 28/2 sẽ được hỗ trợ chi phí máy bay đưa về nước. Sau ngày 1/3, Chính phủ Hàn Quốc tổ chức kiểm tra, truy quét, khi bắt được lao động bất hợp pháp sẽ xử phạt số tiền tương đương 500 triệu đồng và có thể bị xem xét phạt tù...
Đây được xem là biện pháp mạnh nhất của phía Hàn Quốc từ trước tới nay đối với lao động cư trú bất hợp pháp. Tuy nhiên, để vận động được lao động về nước lại không phải là vấn để đơn giản.
Ông Nguyễn Văn Cường thừa nhận việc vận động lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc trở về là rất khó khăn (Ảnh: Hoàng Lam).
Theo chân ông Nguyễn Văn Long - cán bộ lao động, xã hội thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên), chúng tôi đến nhà bà N.T.V. (59 tuổi, trú khối 1, thị trấn Hưng Nguyên). Bà Vân có 2 con trai đang làm việc tại Hàn Quốc.
Theo danh sách theo dõi, quản lý lao động địa phương đang làm việc tại Hàn Quốc thì anh C.Q.K. (con trai lớn của bà V.) đã hết hạn hợp đồng nhưng chưa trở về. Mặc dù vậy, trong cuộc trao đổi, bà V. vẫn khẳng định con trai bà không phải là lao động bất hợp pháp.
"Tôi nói với các con hết hợp đồng là về. Các con bảo bên kia công việc không có, phải làm nhiều việc khác nhau mới đủ chi phí ăn ở", bà V. cho hay nhưng không lý giải được vì sao con trai là lao động hợp pháp nhưng lại không có việc làm ổn định.
Ông Nguyễn Văn Long phân tích, thu nhập ở Hàn Quốc gấp 7-10 lần ở Việt Nam nên không khó hiểu khi nhiều lao động mạo hiểm để bỏ trốn ra ngoài làm khi hết thời hạn hợp đồng (Ảnh: Hoàng Lam).
Ông Long cho biết, việc tiếp cận, vận động người thân các lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc rất khó khăn. Một số ít hứa hẹn sẽ khuyên con về nước, tuy nhiên nhiều gia đình đưa ra các lý do để từ chối tiếp cán bộ chính sách.
"Họ hứa vậy thôi chứ có khuyên con trở về hay không, thực sự chính quyền không biết được. So với cơ hội việc làm, thu nhập ở đây thì thu nhập khi làm việc ở Hàn Quốc cao hơn gấp nhiều lần, có khi gấp đến 10 lần nên nhiều người sẵn sàng mạo hiểm để trốn ở lại, hi vọng tích lũy được số vốn lớn hơn", ông Long lý giải.
Bà N.T.H. (53 tuổi, trú tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) có con trai và con dâu đang ở Hàn Quốc. Con trai bà H. hiện là lao động hợp pháp thì con dâu là du học sinh, bỏ trốn ra ngoài làm việc được hơn một năm. Theo bà H., việc con dâu bà bỏ trốn ra ngoài là "bất đắc dĩ", vì mong muốn kiếm ít vốn để về làm ăn.
"Thời gian đầu con bỏ trốn ra ngoài, tôi cũng lo lắm, sợ bị bắt, sợ rủi ro này kia. Vừa rồi xem ti vi, đọc báo thấy phía Hàn Quốc đợt này truy quét lao động bất hợp pháp, tôi dặn con bớt ra ngoài, bớt hội hè tụ tập", bà H. cho hay.
Nói về việc vận động con về nước, người phụ nữ này lưỡng lự bởi "mong con kiếm được ít vốn".
Con trai đã hết thời hạn làm việc tại Hàn Quốc mà chưa về nước nhưng bà V. không nghĩ con ở lại làm "chui" (Ảnh: Hoàng Lam).
Ông Nguyễn Văn Cường, cán bộ chính sách xã hội phường Nghi Hải thừa nhận việc vận động lao động bất hợp pháp trở về rất khó khăn. Thời gian qua, địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, trực tiếp đến tận gia đình có con em lao động bất hợp pháp để tác động, vận động lao động về nước đúng thời hạn nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng.
(Còn tiếp)
Nguồn: Báo điện tử Dân trí