Tôi chính thức sống ở Đức từ tháng 5-2017 cùng chồng. Sống xa quê hương, có thể vì tâm lý tự ái, sợ bị người khác coi thường, tôi luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng để mình tiến bộ.
Chị Quyên Võ (Việt kiều Đức)
Hai em bé người Đức gốc Việt vui chơi ở TP Regensburg, nằm cách Munich 120km - Ảnh: K.B.
Tôi sống tích cực còn vì một điều khác, đó là tôi muốn gìn giữ và xây dựng hình ảnh tốt đẹp của người Việt Nam trên đất khách quê người. Tuy nhiên khi tiếp xúc với một số người trong cộng đồng người Việt ở Đức, tôi nhận thấy mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, không phải ai cũng có cùng suy nghĩ như mình.
Khoảng 30 năm trước, người Việt ở Đức chủ yếu làm công việc tay chân vất vả và tập trung cho mục đích kiếm tiền, có người vi phạm pháp luật như buôn bán thuốc lá lậu. Hành động này nổi tiếng đến mức nói đến người Việt Nam, người Đức sống trong giai đoạn đó như bố mẹ chồng tôi vẫn còn ấn tượng về việc bán thuốc lá lậu của người Việt.
Sự vất vả, nhọc nhằn của thế hệ này đổi lại là con cái họ xâm nhập sâu hơn, tốt hơn vào xã hội Đức với trình độ học hành tốt, công việc đàng hoàng.
Hiện nay, theo tôi thấy trong các cộng đồng người nước ngoài ở Đức, cộng đồng người Việt nhận được nhiều sự đánh giá tốt đẹp và thiện cảm từ người Đức. Người Đức đánh giá cao người Việt bởi sự chịu thương chịu khó và tính tiết kiệm. Có những người Việt dậy từ 2h - 3h sáng bán trái cây dù thời tiết lạnh giá. Thầy dạy tiếng Đức của tôi hay ví von việc bỏ ống heo là bằng chứng cho thấy tính tiết kiệm của người Việt.
Tôi quan niệm, trong cộng đồng, thấy điều gì hay, tích cực thì mình hưởng ứng, việc gì bảo thủ, hẹp hòi mình tránh xa. Tôi cố gắng theo đuổi điều tích cực và luôn nỗ lực dù kết quả có ra sao.
Ví dụ mỗi ngày tôi đi học, vừa đi bộ, đi tàu điện, đi xe buýt hết khoảng một giờ mới đến trường. Trong lớp tiếng Đức của tôi, đa số là người tị nạn. Chính phủ Đức tài trợ tiền cho họ học. Trong khi đó tôi phải đóng tiền học. Vì tự ái dân tộc, vì tiếc tiền, tôi cố gắng đến lớp dù tuyết đến đầu gối vẫn đi. Lớp có 36 người, tôi là một trong chín người thi đậu lần một, trong khi đa số bạn khác được Chính phủ Đức tài trợ đầy đủ lại học hành lớt phớt.
Đi tàu lửa, xe buýt, tôi luôn chào người bên cạnh, làm quen với họ. Có người vui vẻ đáp lại, hỏi thăm về Việt Nam. Tôi nhân cơ hội này giới thiệu những điều tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Họ và tôi cùng coi đây là cơ hội để làm bạn, hiểu biết nhiều hơn về văn hóa.
Tôi quan niệm mỗi người Việt ở trong hay ngoài nước đều phải có trách nhiệm gìn giữ và xây dựng hình ảnh đất nước qua những hành động nhỏ, sống tuân thủ pháp luật. Tôi cũng luôn nói với bạn bè, người thân của mình phải có suy nghĩ tích cực như vậy.
Nhiều cá nhân tạo nên hình ảnh cộng đồng tốt đẹp
Tôi là người Phần Lan hiện sống ở Na Uy. Tôi không cảm thấy mình như người nước ngoài sống ở đây vì tại Bắc Âu, chúng tôi khá gần gũi. Có rất nhiều người Phần Lan sống ở Na Uy. Người Na Uy có thiện cảm với người Phần Lan và ngược lại. Cộng đồng người nước ngoài có người Somali, người từ các nước Trung Đông, người Ba Lan và các nước Đông Âu. Tôi không tiếp xúc nhiều với họ nhưng chắc chắn họ đều có những áp lực nhất định để khẳng định mình ở Na Uy.
Cộng đồng người Việt Nam hòa nhập rất tốt ở Na Uy và được đánh giá cao. Người Việt ở Na Uy làm chủ nhà hàng, làm các công việc trong công sở, cơ quan...
Đối với tôi, ổn định cuộc sống của mình trên đất khách quê người là yếu tố cần tập trung trước hết. Sống ở nước ngoài, cần tôn trọng luật pháp, văn hóa, lịch sử nước sở tại. Ngược lại, bạn sẽ là vị khách không được chào đón.
Dĩ nhiên, một cá nhân luôn có thể phản ánh điều gì đó về quốc gia mình xuất thân. Nhiều cá nhân tạo nên hình ảnh một cộng đồng trong mắt người dân nước sở tại. Nhưng hình ảnh quốc gia chủ yếu được xây dựng trên chính sách, hành động, sức mạnh cứng và mềm của đất nước.
Vì vậy, nếu bạn sống tốt, nghĩa là bạn đã đóng góp để tạo nên hình ảnh cộng đồng tốt đẹp.
HARRY HAKATA (người Phần Lan) - H.V. ghi
Nguồn: Tuoitre.vn