"Dân tộc Ukraine là một dân tộc anh hùng, tôi tự hào về nước Ukraine của chúng tôi khi đang oằn mình chống lại kẻ thù xâm lược là nước Nga. Họ không có một lý do chính đáng gì để mang súng đạn vào nơi tôi đang ở."
Thứ Ba 01/3, tên lửa và rocket của Nga đã bắn vào trung tâm văn hóa của Kharkiv, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine.
Các tòa nhà hành chính bị hư hại sau trận pháo kích của Nga ở trung tâm thành phố Kharkiv, Ukraine, ngày 1 tháng 3 năm 2022. ẢNH,EPA
Cùng ngày, BBC News Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn nhanh với anh Cường, hiện đang sống tại thành phố Kharkiv.
Nói với BBC, anh Cường cho biết anh phải chạy lên khỏi hầm trú ẩn và tìm nơi an toàn để có thể trò chuyện. Thậm chí vừa trò chuyện anh vừa cho biết vẫn nghe thấy tiếng pháo kích của Nga đang bắn vào thành phố.
Anh Cường đã sang Ukraine được hơn 20 năm, lập gia đình và đã có cuộc sống ổn định ở đây trước khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược.
Anh hiện sống cùng bố mẹ và cợ con tại làng Thời Đại, thuộc tỉnh Kharkiv cách thủ đô Kyiv khoảng 500km.
Nga-Ukraine: Anh em như thể chân tay hay đồng sàng dị mộng?
Phóng sự từ Kyiv: Lạnh lẽo, lo âu trước giờ quân Nga bao vây
Người Việt ở Ukraine: Đi hay ở lại và đi thì như thế nào?
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 01/03, anh Cường chia sẻ về cuộc sống của gia đình anh cùng cộng đồng người Việt ở thành phố Kharkiv trong những ngày chiến sự nổ ra.
Thời gian sống 'chủ yếu dưới hầm trú ẩn'
Anh Cường cho biết tại nơi anh sinh ống, làng Thời Đại, có khoảng vài trăm hộ gia đình bà con người Việt nên mọi người "mình có sự đoàn kết tương thân tương ái hỗ trợ lẫn nhau".
Khi chiến sự nổ ra ở cả Kharkiv những ngày gần đây, phần lớn thời gian mọi người ở dưới hầm trú ẩn.
"Có những lúc vợ con tôi phần lớn thời gian là nằm ở dưới hầm, còn tôi ở bên như bây giờ đánh nhau gọi là chân quân nhu chạy tiếp phẩm," anh Cường chia sẻ.
Do chiến tranh diễn biến quá nhanh nên anh Cường cho biết gia đình anh không kịp có sự chuẩn bị nhiều về nhu yếu phẩm.
Trong những khoảng thời gian ngừng bắn, anh lại tranh thủ chạy ra siêu thị để mua đồ ăn về dự trữ dù có nhiều khó khăn.
"Cửa hàng, siêu thị, hiệu thuốc ở ngoài thành phố thì thực sự bây giờ để đi mua được đồ rất là gian nan vì ngoài câu chuyện xếp hàng rất là đông xong rồi giớ giới nghiêm ở chỗ tôi khi tổng thống ban bố tình trạng thiết quân luật thì họ chỉ cho ra ngoài đường đến 3 giờ chiều là phải về nhà không đi đâu," anh Cường nói.
Một tòa nhà hành chính bị hư hại sau trận pháo kích của Nga ở trung tâm thành phố Kharkiv, Ukraine, ngày 1 tháng 3 năm 2022 ẢNH, EPA
"Cách đây ba hôm, tôi mua được ít đồ, cũng phải xếp hàng 4 tiếng đồng hồ mới mua được ít đồ mang về. Bây giờ người nào cần thì cố gắng lắm mới đi ra ngoài để mua đồ chứ còn có gì dự trữ trong tủ lạnh thì cứ bỏ ra ăn rồi thì anh em tương trợ nhau, nhường cơm xẻ áo cho nhau thôi."
"Cuộc sống bây giờ dưới hầm nhiều hơn là trên nhà. May là hầm nhà tôi gần nhà chứ còn bà con người Việt ở khu chung cư không phải trong khu vực làng Thời Đại này thì họ còn vất vả hơn."
"Bây giờ thấy nó ngưng bom với đạn một tí thì lại đi lên trên nhà tắm giặt nhanh, ăn nhanh xong thấy bùm bùm lại chạy xuống hầm. Cứ thế thôi, ngày nào cũng như ngày nào," anh Cường nói thêm.
Lập 'Ban tự vệ' để giúp đỡ nhau
Anh cho biết người Việt chạy xuống chung hầm với người bản xứ và như anh nhận xét "người Ukraine họ rất đôn hậu, rất tốt giúp đỡ lẫn nhau".
Tuy nhiên, anh cũng thẳng thắn chia sẻ:
"Nhưng cũng không ai dám khẳng định có những thành phần trộm cướp, lưu manh trà trộn trong đấy nên bà con nhà mình thông qua một số kênh gọi cho anh em, thường xuyên liên lạc để xem tình hình như thế nào."
Do đó, người Việt Nam ở đây thành lập một nhóm tự gọi là 'Ban tự vệ'.
"Nhà tôi ở khu làng Thời Đại, nơi tập trung nhiều người Việt. ở đây có anh em tương trợ lẫn nhau thành lập nên một ban gọi là Ban tự vệ," anh Cường nói.
Mục đích của Ban tự vệ, theo anh Cường là để tránh "trộm cướp ở trong khu vực mình đang sống".
"Anh em cắt cử thanh niên để làm sao hàng ngày cứ đi tuần 24/24.
"Mặc dù khu của chúng tôi hiện thời cũng có bảo vệ đầy đủ hết nhưng mà cái đấy mình cũng không thể nào lường trước hết mọi việc, nên chúng tôi thành lập như thế để anh em tương trợ lẫn nhau trong lúc như này," anh Cường chia sẻ.
Anh Cường kể: "Họ đánh ngoài căn cứ quân sự rồi cơ sở yếu điểm bây giờ còn đánh thêm cả vào dân thường. Mới nhất vào lúc 8:00 sáng hôm nay họ đánh vào ủy ban hành chính tỉnh Kharkiv ở trên Quảng trường Tự Do."
"Ngày hôm qua và ngày hôm nay họ đánh rát quá. Họ bắn pháo cối và cả tên lửa. Ngày hôm qua lúc 8:00 tối tôi đứng dưới đường tôi xem thì hai quả tên lửa nó bắn qua khu vực tôi sống," anh Cường thông tin thêm.
Nga tấn công vào Quảng trưởng Tự Do ở Kharkov hôm 01/3
Phát biểu về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, anh Cường tự hào nói:
Thứ Ba 01/3, BBC News đưa tin Quảng trường Tự Do ở trung tâm thành phố Kharkiv, nơi có nhà hát opera, phòng hòa nhạc và các văn phòng chính phủ đã bị bắn phá.
Chính quyền địa phương cho biết ít nhất 10 người thiệt mạng và 35 người khác bị thương.
Tổng thống Ukraine cho rằng Nga đang phạm tội ác chiến tranh và lên án cuộc tấn công là chết người và "tàn nhẫn".
Tổng thống Volodymyr Zelensky nói: "Đây là nỗi kinh hoàng đối với Ukraine. Không có mục tiêu quân sự nào ở quảng trường - cũng như ở các quận dân cư của Kharkiv, nơi đang hứng chịu hỏa lực pháo kích".
Chính phủ của ông cáo buộc Nga đang cố gắng bao vây Kharkiv và các thành phố khác, bao gồm cả thủ đô Kyiv, nơi một đoàn xe bọc thép khổng lồ của Nga đang tiến đến.
Theo: BBC