Trong bối cảnh lực lượng an ninh Pháp tăng cường truy quét, người nhập cư bất chấp nguy hiểm tìm mọi cách vượt eo biển Manche để tới Anh.
Salman và gia đình đã ba lần lên đường vượt qua eo biển Manche, với hy vọng tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn trên đất Anh. Cả ba lần, người đàn ông Iraq cùng gia đình đều thất bại, bị buộc phải quay trở lại Pháp.
Càng bước vào mùa đông, thời tiết cùng điều kiện nước biển càng khắc nghiệt, gia đình người Iraq buộc phải lựa chọn di chuyển bằng xe tải, với hy vọng cuối cùng có thể đặt chân trót lọt lên nước Anh.
Bất chấp nguy hiểm để tới Anh
Người đàn ông 42 tuổi đến từ Iraq biết rõ nguy cơ mất mạng trong những thùng hàng kín như bưng phía sau xe tải, như những gì xảy ra với 39 người trong chiếc xe container đông lạnh được phát hiện hôm 23/10 ở Essex. Tuy nhiên, cũng giống như hàng trăm người sống tạm bợ tại trại chuyển tiếp ở Dunkirk, miền Bắc nước Pháp, Salman và gia đình không có nhiều lựa chọn.
"Việc này nguy hiểm, nhưng còn nguy hiểm hơn nếu bị đưa trở lại Iraq. Chúng tôi chỉ muốn đi qua đó", Salman nói với Independent, khi đứng bên cạnh chiếc lều của gia đình giữa đồng cỏ ở Dunkirk.
Hàng trăm người, trong đó có nhiều gia đình mang theo con nhỏ, ở trong tình cảnh tương tự ở trại người nhập cư cách thành phố Calais khoảng 50 km. Các nhân viên cứu trợ cho biết tình hình trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết khi nhà chức trách bắt đầu triển khai các chiến dịch truy quét.
Cảnh sát Pháp truy quét khu trại của người nhập cư ở Dunkirk. Ảnh: AP.
Các tổ chức thiện nguyện cho biết người nhập cư muốn đi tới Anh có thể phải trả khoản tiền tới 15.000 USD cho các đường dây buôn người để được bảo đảm băng qua eo biển Manche để tới nước Anh, bằng xe tải hoặc trên những con thuyền. Theo một số nguồn tin khác, con số này có thể lên tới 38.000 USD.
Các mạng lưới tội phạm được cho là thường xuyên cài cắm người bên trong các trại chuyển tiếp như ở Dunkirk. Chúng có ảnh hưởng đáng kể tới sự lựa chọn của những gia đình người tị nạn đang không biết đi đâu về đâu.
Tình trạng ngày càng nguy cấp của những người di cư, tị nạn sống tạm bợ ở miền Bắc nước Pháp đang khiến ngày càng có nhiều người quyết định lựa chọn đối mặt hiểm nguy để vượt biển tới Anh. Trước vụ việc phát hiện ở Essex hôm 23/10, ít nhất 4 người đã thiệt mạng trong 3 tháng vừa qua khi tìm cách vượt qua eo biển Manche.
Theo ước tính của Bộ Nội vụ Anh, khoảng 3.000 người tìm cách vượt biên trái phép, qua eo biển Manche để tới Anh, mỗi tháng. Trong năm 2018, nhà chức trách Pháp và Bỉ đã chặn bắt 35.000 vụ vượt biên trái phép với điểm đến là nước Anh.
Maddy Allen, người quản lý thực địa tại tổ chức Help Refugees, cho biết việc siết chặt các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn người tị nạn di chuyển trái phép qua eo biển Manche để tới Anh sẽ chỉ gây tác dụng ngược, khi người nhập cư buộc phải chọn những tuyến đường nguy hiểm hơn để đến nước Anh.
"Các biện pháp an ninh ở Calais và Dunkirk đang ngặt nghèo hơn, người ta buộc phải chọn những tuyến đường khác. Tình trạng này sẽ tiếp diễn nếu nhà chức trách biến những con đường an toàn trở nên nguy hiểm và khó khăn hơn cho người nhập cư", bà Allen nói.
Tình trạng sống tồi tệ chưa từng có
Sau vụ vượt biển thất bại mới nhất, Salman và gia đình phải ngủ tạm ở khu bảo tồn thiên nhiên Grande-Synthe, Dunkirk. Tình trạng sống ở đây được miêu tả là tồi tệ nhất trong khu vực, không có nguồn nước sạch, nhiều người phải uống nước từ hồ ở gần đó.
Các chuyên gia y tế cho biết tình trạng sức khỏe tồi tệ và bệnh tật đã tăng cao trong cộng đồng người tị nạn và di cư trong tháng qua, khi họ bị buộc phải chuyển tới khu bảo tồn tự nhiên, sau khi nhà chức trách trục xuất họ khỏi một khu thể thao, nơi từng là chỗ trú ẩn với các điều kiện vệ sinh chấp nhận được cho những người này.
Các nhà hoạt động cho rằng chiến dịch truy quét trên do tân Thị trưởng thành phố Grande-Synthe, ông Martial Beyaert khởi xướng. Ông là người từng tuyên bố sẽ có cách tiếp cận "ít nhân đạo hơn" với cộng đồng người vô gia cư.
Điều kiện sống tồi tệ bên trong khu trại ở Dunkirk. Ảnh: AFP.
"Cảnh sát tới thu giữ lều trại, bỏ mặc bọn trẻ trong mưa, ngăn cản các tổ chức cứu trợ phân phát thực phẩm và quần áo. Những người này cần sự giúp đỡ, chúng ta không thể bỏ mặc họ như thế", Dany Wallyn, một thành viên hội đồng lập pháp địa phương, cho biết.
Chloe Lorieux, điều phối viên chương trình của tổ chức Bác sĩ Thế giới, cho biết tình hình ở Dunkirk "tồi tệ chưa từng thấy". Tổ chức này điều trị cho khoảng 40-60 người mỗi ngày với các vấn đề y tế, gấp đôi so với 6 tuần trước đó.
"Nếu không tiếp cận được nguồn nước, họ sẽ không duy trì được vệ sinh, các vết thương sẽ bị nhiễm bẩn, có nguy cơ nhiễm trùng và rất khó để hồi phục", bà Lorieux nói.
"Tuần trước họ không có nước sạch để uống, họ đã phải uống nước từ hồ. Họ cần ít nhất là nhà vệ sinh và buồng tắm. Và khi lều bạt bị lấy đi mỗi ngày, họ không được bảo vệ trước thời tiết, cái lạnh và ẩm ướt sẽ làm người ta dễ bị nhiễm bệnh hơn", bà Lorieux cảnh báo.
Việc liên tục bị truy đuổi khỏi nơi tạm trú cũng khiến những người này gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. "Mọi người ở đây đều rất căng thẳng và kiệt sức. Họ luôn luôn phải di chuyển, không hề được nghỉ ngơi. Chúng tôi đã thấy nhiều trẻ em có phản ứng xấu, hiếu động, một số tự làm đau bản thân".
Cách Calais khoảng 50 km, trong một khu trại khác có ít gia đình hơn, tình trạng cũng được miêu tả là vô cùng nguy cấp. Cảnh sát thường xuyên tiến hành các cuộc truy quét, trục xuất, tháo dỡ bất kỳ hình thức lán trại nào của người tị nạn.
"Tôi phải di chuyển bất hợp pháp bởi chẳng có hy vọng nào khác. Không có thực phẩm, không có nước uống. Cảnh sát đến và lấy đi mọi thứ, lấy đi cả áo khoác của tôi. Họ còn xịt hơi cay nữa", cậu bé 15 tuổi tên Ahmed cho biết.
Cậu bé người Afghanistan đến Pháp một mình, sau khi thoát khỏi sự khống chế của các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Almed cho biết đang tìm cách trốn đến nước Anh để đoàn tụ với một người họ hàng.
Ở khu trại này, hàng chục đứa trẻ khác cũng giống như Almed, tất cả phải sống nương tựa vào nhau.
Duy Anh (AFP/zing)