Tài Nguyễn cho biết anh đơn thuần chỉ muốn hòa chung không khí cổ vũ náo nhiệt tại sân vận động Puskás Aréna (Hungary).
Ngày 27/6, Tài Nguyễn (sinh năm 1990, Nghệ An) tới sân vận động Puskás Aréna xem trận đấu vòng loại Euro giữa đội tuyển CH Czech và Hà Lan.
Đi cùng anh là nhóm 5 người bạn Việt Nam bắt tàu từ CH Czech sang thủ đô Budapest (Hungary) từ sáng sớm. Tài đã mua vé cho cả nhóm vài ngày trước khi trận đấu diễn ra.
Hành trang trước khi tiến vào sân vận động của anh là giấy tờ tùy thân và giấy chứng nhận đã tiêm vaccine Covid-19.
Để được vào sân vận động Puskás Aréna, cổ động viên phải tiêm ít nhất một mũi vaccine. Nhờ đó, khán giả có thể thoải mái cổ vũ mà không cần đeo khẩu trang hoặc thực hiện giãn cách xã hội, Tài cho biết.
Chia sẻ với Zing, Tài, hiện sinh sống và làm việc tại thành phố Budapest, nói rằng anh không chủ ý chuẩn bị lá cờ tổ quốc từ trước, mà mượn của một cổ động viên người Việt Nam ngay trên khán đài.
“Trước đó, ở trận Bồ Đào Nha gặp Hungary, tôi mặc áo thi đấu số 9 của cựu cầu thủ Lê Công Vinh tới xem bóng. Người Việt Nam có gì mang đấy thôi, cốt là để hòa chung không khí cổ vũ Euro”, ông bố một con nói.
Tài khẳng định người Việt “đi xem đông lắm, chẳng qua được lên hình ít thôi”. Bởi vậy, anh ngạc nhiên khi thấy bức ảnh cầm quốc kỳ tại sân vận động Puskás Aréna của mình nhận được nhiều sự quan tâm của người hâm mộ bóng đá ở quê nhà.
Tài Nguyễn (phải) và một người bạn Việt Nam từ CH Czech tới xem trận đấu vòng loại Euro hôm 27/6 tại sân Puskás Aréna.
Khác với lời đồn đoán rằng nhà anh “có điều kiện mới đi xem Euro trực tiếp”, Tài cho biết gia đình anh, gồm hai vợ chồng và một cô công chúa nhỏ, sang Budapest từ năm 2016 và hiện kinh doanh trang phục bơi. Họ hàng của anh cũng có vài người sống cùng thành phố.
“Tôi thích bóng đá từ nhỏ. Giờ nhà tôi cách sân vận động chưa đầy 1 km, vé cũng rẻ, chỉ rơi vào khoảng 30 euro thì tội gì mà không đi xem. Đi để còn cảm nhận không khí Euro chứ”, anh cười nói.
Theo chia sẻ của Tài, hầu hết cổ động viên bóng đá quốc tế đều rất cuồng nhiệt trên sân vận động.
Nhưng khi kết thúc trận đấu, dù kết quả thắng hay bại, mọi người ôm chào tạm biệt nhau rồi ai về nhà nấy, khác với cách ăn mừng chiến thắng bằng những trận "đi bão" ở Việt Nam.
"Ngoài ra, có vẻ như khi sang Hungary, một người yêu thích môn thể thao vua như tôi được gần hơn các trận bóng quốc tế. Ngoài thời gian làm việc kiếm sống, lúc nào có đá bóng là tôi sẽ mua vé đi xem", anh nói thêm.
Hồng Chang - Ảnh: NVCC
Nguồn: Zingnews.vn