Dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở Ấn Độ khiến nhiều người Việt ở đây 'khóc không thành tiếng'. Nhiều người cho biết dù rất muốn trở về nước thời điểm này nhưng bất lực đành ở lại tuân thủ chặt chẽ quy định phòng dịch.
Tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng kỷ lục những ngày qua - ẢNH MINH HỌA: REUTERS
Ngày 23.4, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo ghi nhận thêm 332.730 ca nhiễm Covid-19, ngày thứ 2 liên tiếp nước này có số ca nhiễm Covid-19 mới cao nhất trên thế giới, nâng tổng số ca nhiễm vượt mốc 16 triệu ca. Bộ Y tế Ấn Độ cũng đã ghi nhận số ca Covid-19 tử vong ở mức cao mới là 2.263, vượt con số kỷ lục 2.104 của ngày 22.4, nâng tổng số ca tử vong lên 186.920 ca, theo Reuters.
Tình hình người Việt trước làn sóng dịch thứ hai tại Ấn Độ như thế nào?
“Chồng tôi mắc Covid-19”
Chị Thùy Dung (32 tuổi, quê TP.HCM) hiện đang sống ở TP.Thane (thuộc bang Maharashtra, Ấn Độ) cho biết tình hình dịch bệnh những ngày qua tại khu vực này diễn biến phức tạp. Riêng chung cư nơi chị sống có nhiều trường hợp mắc Covid-19 khiến chị hết sức hoang mang.
“Bây giờ chính phủ đã có lệnh phong tỏa TP vào những khung giờ nhất định, trừ những nơi bán nhu yếu phẩm cần thiết thì các hàng quán khác đều đã đóng cửa, ai cũng sợ nên rất ít ra ngoài. Tôi cũng cứ ở trong nhà suốt chứ không dám đi đâu, có gì thì đặt đồ qua mạng nhưng việc mua hàng online cũng trở nên khó khăn”, chị Dung nói.
Từ chung cư chị Thùy Dung ở tại TP.Thane (thuộc bang Maharashtra) nhìn xuống vắng vẻ - ẢNH: NVCC
Chị tâm sự thêm mình vừa sinh con hơn một tháng, từ lúc dịch ập tới, việc mua tã hay đồ cho con cũng trở nên khó khăn: “Việc mua thực phẩm cho cả gia đình cũng không dễ đâu. Mấy nay tôi thèm ăn rau kinh khủng, mà cũng có mua được đâu, giờ phải sống tiết kiệm liệu cơm gắp mắm”, chị than thở.
10 ngày trước, chồng chị phát hiện mắc Covid-19 phải tự điều trị tại nhà khiến cuộc sống của cả gia đình đảo lộn. Vậy là cả hai vợ chồng sống chung, nhưng phải cách ly lẫn nhau. Ngay cả người giúp việc trong nhà cũng được chị cho nghỉ làm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chị Dung kể: “Nhà tôi có một phòng ngủ thôi, từ lúc mắc bệnh, anh nhường phòng đó lại cho mẹ con tôi rồi ra phòng khách để ở, cũng tội lắm. Ngoài lúc ở với con, cứ bước ra khỏi phòng là tôi mang khẩu trang vì sợ bị nhiễm bệnh. Ban đầu, anh sốt cao, ho nhưng hiện sức khỏe có vẻ ổn hơn một tí rồi. Mong là mọi chuyện sẽ không sao”.
Sang Ấn Độ từ tháng 3.2020, hiện chị Dung đã ở đây được hơn 1 năm. Dù nhớ gia đình, nhưng chị vẫn chưa thể trở lại quê hương. Người mẹ trẻ tiếp lời: “Tuần trước khi dịch bùng phát trở lại, cũng may là cả nhà tôi ở Việt Nam ngày nào cũng gọi điện thoại hỏi thăm, động viên không chắc tôi cũng phát điên mất. Theo dự định, tháng 6 này tôi về Việt Nam nhưng mà tình hình này chắc ngày đó còn xa”.
Chị Thùy Dung chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết - ẢNH: NVCC
Với chị Dung, mong muốn lớn nhất hiện tại chính là sức khỏe của chồng sớm được hồi phục, dịch bệnh sẽ nhanh qua để cuộc sống trở lại bình thường. “Tôi nhớ gia đình lắm rồi, chỉ mong sớm được trở về đoàn tụ. Lúc này, tôi sẽ cố gắng lạc quan, vui vẻ vì đó là lựa chọn duy nhất”, chị tâm sự.
Nhắc nhau “ai ở đâu ngồi yên ở đó”
Chị Tán Thị Hoài Nhi (29 tuổi, quê Đà Nẵng) lấy chồng và sang Ấn Độ sống gần 1 năm nay. Hiện TP.Kochi (thuộc bang Kerala), nơi chị Nhi đang sống cũng chịu ảnh hưởng của dịch.
“Ở đây đang bị phong tỏa, tuy nhiên dịch vẫn chưa diễn biến phức tạp như ở một số nơi khác. Tôi và mọi người ở đây hay tin dịch bệnh bùng phát thì đóng cửa rồi ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự rất cần thiết mà thôi. Một số người đi ra đường sẽ được chính quyền xét nghiệm nhanh Covid-19”, chị Hoài Nhi cho hay.
Chồng chị Nhi là người Nam Phi, hai người quen nhau trong một lần anh đến Đà Nẵng du lịch. Vì tính chất công việc của chồng, chị theo anh sang Ấn Độ để định cư. “Anh ấy làm bác sĩ tại một bệnh viện địa phương, vài tháng trước khi tôi sinh con, anh đã xin làm việc tại nhà để tiện chăm sóc cho tôi và em bé. Anh kể với tôi là nhiều bệnh viện của Ấn Độ không đủ giường cho bệnh nhân, người chết cũng phải chờ hỏa táng nên tôi cũng có chút lo lắng”, chị bộc bạch.
Chị Tán Thị Hoài Nhi (29 tuổi, quê Đà Nẵng) lấy chồng và sang Ấn Độ sống gần 1 năm nay - ẢNH: NVCC
Khu phố chị Nhi sống những ngày dịch bệnh không một bóng người - ẢNH: NVCC
Dù vậy, chị Nhi vẫn tham gia vào các diễn đàn mạng xã hội dành cho người Việt Nam sống ở Ấn Độ để cùng mọi người nhắc nhở, động viên nhau vượt qua làn sóng Covid-19 lần này: “Tốt nhất bây giờ là ai ở đâu ngồi yên ở đó, như vậy là an toàn nhất”.
Tương tự, chị Vương Thị Ngọc Linh (30 tuổi, quê Đồng Nai) đang sống ở Q.West Delhi (TP.Delhi) cũng lo lắng trước tình hình dịch bệnh hiện tại. “Nơi tôi ở giờ đang bị phong tỏa, đường xá vắng tanh. Gia đình ở nhà cứ gọi hỏi thăm liên tục xem tình hình của tôi ở đây như thế nào. Để đảm bảo, tôi chỉ ở trong nhà chứ không dám ra đường đâu, lỡ đâu mà nhiễm bệnh thì khổ vì nhà tôi cũng có người thân mới mất vì Covid-19”, chị Linh tâm sự.
Dù rất muốn về Việt Nam ở thời điểm này vì nhớ gia đình, tuy nhiên chị Linh nói rằng khi nào dịch tạm lắng mới tìm cách trở về: “Bây giờ, tôi sẽ cố gắng tuân thủ các quy định, chính sách của chính quyền Ấn Độ để dịch bệnh sớm được qua đi. Tôi đã đăng ký và thời gian tới có thể sẽ được tiêm vắc xin. Mong sao mọi người đều bình an vượt qua đại dịch”.
"Đến lò thiêu xác cũng quá tải"
Trao đổi với PV Thanh Niên, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết mọi người ở Ấn Độ đang đổ xô đi mua bình ô xy, giữa lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 tại đây diễn biến xấu. Đại sứ quán Việt Nam cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao Ấn Độ để hỗ trợ một kỹ sư người Việt mắc Covid-19 được nhập viện điều trị. Công trường xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam cũng đã thành ổ dịch.
Đại sứ chia sẻ trên tài khoản cá nhân Facebook: "Trong cuộc đời của mình kể cả những lúc nằm trong hầm trú ẩn để tránh máy bay ném bom của Mỹ vào những năm 1970, chưa bao giờ cảm thấy lằn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế. Giờ đây nếu ai mắc Covid-19 ở đây thì chỉ còn trông cậy vào sức đề kháng của bản thân và sự may rủi của số phận vì gọi điện đến bệnh viện nào thì cũng được cho biết là giường bệnh không còn, máy thở ô xy đã hết và ô xy cũng hết luôn".
"Không muốn khóc mà nước mắt cứ trào ra. Nhìn ra đường chỉ nhìn toàn thấy xe cứu thương chạy ngược xuôi. Đến lò thiêu xác cũng quá tải đành mang xác ra vườn lấy cành khô trên cây mà đốt. Thương Ấn Độ quá Ấn Độ ơi, sao chỉ sau mấy ngày mà để “vỡ trận” rơi vào “cơn đại hồng thủy” như vậy? Chẳng lẽ là nước sản xuất 60% vác xin trên thế giới mà phải thua trận chiến này sao?".
Nguồn: Cao An Biên/ Thanh Niên online