Dù đang sinh sống ở nơi đâu trên thế giới, người Việt vẫn luôn nhớ về cội nguồn, nhớ về Tết như một hương vị không thể thay thế.
Anh cũng nấu các món ăn truyền thống ngày Tết giống như ở Việt Nam.
Vũ Văn Võ, chàng trai 28 tuổi quê Bắc Ninh, đón Tết Nguyên đán ở đất nước châu Phi Angola đã 10 năm nay.
Từ khi còn ở nhà, Võ đã thích những ngày cận Tết, được ngồi gói bánh chưng, muối lọ dưa hành cùng người thân. Đến bây giờ, khi đã sang xứ người làm ăn, Tết với anh vẫn là một dịp thiêng liêng không gì có thể thay thế.
Xa người thân, gia đình, Võ lại càng trân quý hơn bao giờ hết tinh thần đoàn viên, sum họp mỗi dịp Tết cổ truyền.
Cộng đồng người Việt ở Angola cùng nhau gói bánh chưng.
Cũng như những năm trước, cứ 28-29 tháng Chạp là Võ và những người Việt sống chung nhà cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, mua sắm thực phẩm để chuẩn bị đầy đủ nhất cho những ngày Tết.
Người dân Angola chỉ coi Tết dương lịch và Giáng sinh là ngày lễ nên trong những ngày Tết âm lịch của Việt Nam, họ vẫn làm việc như ngày thường. Nhưng vì công việc có thể tự chủ được thời gian nên Võ và các đồng hương đều tự cho mình nghỉ ngơi 3 ngày đón Tết.
Năm nay, từ 28 Tết, họ đã cùng nhau bắc bếp luộc bánh chưng. Trước đó mấy ngày, Võ đã tự tay muối những món ăn chống ngấy như: hành muối, dưa muối, cà muối chua ngọt, tỏi ớt ngâm, dưa chua… Vốn dĩ là người thích nấu ăn và bày biện, Võ thấy thích thú với công việc này.
Những món đồ chua ăn chống ngán ngày Tết do Võ tự tay làm.
Thắp hương giao thừa xong là anh cùng với mọi người sẽ ra ngoài bắn pháo hoa, cùng ôm nhau và gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp cho năm mới. 10 năm sống ở đất khách quê người, Võ đã coi những người đồng hương là người thân, là gia đình thứ hai của mình.
Để vơi bớt nỗi nhớ quê hương, những bữa cơm ngày Tết của Võ và bạn bè ở Angola luôn đầy đủ các món ăn truyền thống như: thịt gà luộc, bánh chưng, thịt đông, canh bí, giò lụa, nem rán…
“10 năm trôi đi rất nhanh, cứ ngỡ như mới hôm nào xa vòng tay của bố mẹ. Sau 10 năm, tôi đã trưởng thành hơn. Càng xa quê hương, tôi càng thấy quý trọng tình cảm gia đình, tình cảm của những người xung quanh dành cho mình” - Võ nói.
Mâm cơm Tết đầy đủ của người Việt ở Angola.
Những người Việt xa quê coi nhau như người thân ở nơi đất khách.
Cũng vừa chuyển sang sinh sống ở một đất nước châu Phi Algeria được vài tháng, năm nay là năm đầu tiên gia đình chị Thu Thủy đón Tết xa quê. Chỉ còn gia đình chị và 2 nhà khác ở lại đón Tết, lại do ảnh hưởng của Covid nên chị cũng hạn chế các hoạt động.
Tuy vậy, mâm cơm tất niên chiều 30 vẫn đủ đầy. Cành đào, cây quất, hoa lá vẫn được chị Thủy và các gia đình Việt Nam sắm sửa và trang hoàng rực rỡ.
Từ 27 Tết, các gia đình đã cùng nhau ngồi gói bánh chưng. Đêm 30, mọi người lại cùng nhau ngồi ăn bữa cơm tất niên để có không khí đầm ấm, sum vầy như khi vẫn còn ở Việt Nam.
Gia đình chị Thủy đón cái Tết đầu tiên xa nhà cùng với cộng đồng người Việt ở Algeria.
Mâm cơm cúng tổ tiên cũng đầy đủ các món ăn truyền thống ngày Tết.
Ở Anh, từ một tuần trước Tết, chị Vũ Thị Phương Ánh đã bật nhạc xuân liên tục từ sáng đến tối, đến nỗi cậu con trai thuộc làu, vừa tung tăng đến trường vừa hát “Tết Tết Tết Tết đến rồi…”, khiến người đi đường không một ai hiểu gì.
Sống xa quê hương, chị Ánh cố gắng bày biện, trang trí để ngôi nhà có chút không khí Tết để các con nhớ tới cội nguồn.
Chị Ánh bày biện đón Tết để các con hiểu về văn hóa truyền thống Việt Nam.
Trong khi cùng con chuẩn bị cho Tết, chị liên tục nhận được những câu hỏi của con: Sao Tết phải viết chữ đen lên giấy đỏ? Sao phải dán giấy vào trái dưa hấu, vào cái bánh chưng? Chữ này có nghĩa là gì? Đòn gánh ở Việt Nam dùng để làm gì?...
“Con càng hỏi thì mình càng cảm thấy những gì mình đang làm là đúng. Chỉ mong năm sau đủ siêng, làm nguyên nồi bánh chưng đốt củi cả đêm ngoài vườn cùng với các con thì còn gì bằng nữa” - chị tâm sự.
Để các con hiểu biết sâu sắc hơn, đồng thời là cơ hội để con giới thiệu với các bạn về văn hóa Việt Nam, chị còn chuẩn bị cả lì xì, bên trong là một chiếc dây chuyền hình con hổ để con tặng các bạn vào ngày mồng 1 Tết.
Cả nhà mặc trang phục truyền thống để chụp chung bức ảnh kỷ niệm.
“Con trai mình rất thích đi học, vậy mà hôm qua con hỏi ‘mai con có được nghỉ học đón Tết không’. Nghe con nói vậy, mình thương quá đỗi nhưng cũng biết mình đã phần nào thành công trong việc mang lại văn hóa truyền thống cho con”.
Chị nói, Việt Nam là quê hương của bố mẹ và cũng là quê hương của các con. Sau này, dù có lớn lên, sinh sống ở bất cứ nơi đâu, chị cũng mong muốn con không được quên ngày Tết cổ truyền.
Chị Quyên nấu một bữa cơm Việt để mời bố mẹ chồng cùng ăn để đón Tết Việt.
Làm dâu Nhật Bản đã được 3 năm nay, Nguyễn Thị Bé Quyên chứng kiến bố mẹ chồng và hàng xóm từng không biết đến Tết âm lịch của người Việt. Vì người Nhật Bản chỉ ăn Tết theo lịch dương. Khu vực Quyên ở chỉ có một mình cô là người Việt Nam và cô cũng không có bạn bè nào ở đây nên mỗi lần Tết đến, cô vô cùng nhớ nhà.
Đó cũng là lý do Quyên muốn tự tay bày biện, trang trí cho có không khí Tết giống như ở Việt Nam. Thậm chí, hồi còn ở Việt Nam, cô không hề biết gói bánh tét, nhưng sống xa nhà, cô đã tìm thông tin trên mạng để làm theo.
Chị Quyên giới thiệu văn hóa đất nước cho gia đình chồng bằng một bữa cơm Việt mỗi dịp Tết.
Năm nào, Quyên cũng nấu vài món ăn đơn giản để mời bố mẹ chồng cùng ăn. Đồ ăn Việt Nam khác với đồ ăn Nhật Bản nên bố mẹ chồng cô tỏ ra rất tò mò về các nguyên liệu bên trong mỗi món ăn. “Nhớ lần đầu tiên, mình mời ba mẹ ăn thịt kho trứng, ba mẹ đã vô cùng ngạc nhiên. Bánh tét mình gói nhân đậu xanh thịt mà mẹ tưởng mình đã bỏ khoai tây vào” - cô gái quê Bến Tre nhớ lại.
Cô nói, do đã nhiều năm ăn Tết xa nhà nên bây giờ đã quen với cảm giác đó. “Bây giờ, mỗi năm được đón 2 lần Tết Nhật và Tết Việt nên mình cảm thấy thú vị lắm”.
Vì chỉ có một mình nên Quyên cũng tối giản các hoạt động - không đón giao thừa mà chỉ nấu mâm cơm ăn cùng gia đình. Như vậy là hoàn tất một cái Tết xa nhà với nàng dâu Việt.
Một số hình ảnh đón Tết của người Việt ở nước ngoài:
Mâm cơm cúng của một gia đình người Việt ở Mỹ trong một ngày làm việc bình thường.
Cộng đồng người Việt ở Indonesia cùng nhau gói bánh chưng.
Nguyên liệu gói bánh vẫn được chuẩn bị đầy đủ mặc dù người dân Indonesia chủ yếu theo đạo Hồi.
Bữa cơm tất niên của gia đình chị Đinh Thị Mai và những người đồng hương.
Chị Mai cùng các con đi lễ chùa ngày mồng 1 Tết.
Nguyễn Thảo
Ảnh: NVCC
Nguồn: vietnamnet.vn