Một số người Việt ở các điểm nóng Covid-19 ở Indonesia mô tả họ chỉ có thể tự mình xoay xở khi mắc bệnh vì bệnh viện không còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân.
Một người gốc Việt 53 tuổi ở Jakarta, Indonesia sau khi trải qua một số triệu chứng và nhận kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, đã gọi điện lên đại diện khu vực mình sinh sống để báo cáo việc bị bệnh.
“Họ bảo tôi tự cách ly và tự mua thuốc điều trị tại nhà. Tôi hỏi tiếp bên trạm xá có bác sĩ theo dõi bệnh tình và kê thuốc hay không, họ nói không”, ông nói với Zing.
Người đàn ông, không muốn tiết lộ danh tính vì đã nhập tịch Indonesia, vốn có tình trạng huyết áp cao và một số bệnh nền do tuổi tác. Ông chưa được tiêm vaccine, vì sức khỏe không tốt vào thời điểm đã lên lịch để chủng ngừa.
“Ở nhà nghĩa là hoặc tự khỏi, hoặc chết”, ông nói.
Chia sẻ với Zing vào ngày 9/7, chị Aisya Hiếu (36 tuổi), hiện sống ở Đông Java, nói: “Sáng nay, mẹ chồng của bạn tôi vừa qua đời vì Covid-19 sau khi phát bệnh được vài hôm. Ban đầu, bác tự chữa ở nhà, trở nặng mới vào viện. Tuy nhiên, diễn biến bệnh rất nhanh nên bác không thể qua khỏi”.
“Nguyên nhân có lẽ một phần do bệnh nền, một phần do hệ thống y tế không đủ đáp ứng để cứu chữa kịp thời”, chị Hiếu nói.
Chị Aisya Hiếu (36 tuổi) hiện làm việc và sinh sống tại Đông Java, Indonesia. Ảnh: NVCC. |
Chị cho biết khi thủ đô Jakarta thất thủ, hệ thống y tế trước đây ưu tiên người bệnh Covid-19 nặng, nhưng giờ ai bị bệnh nặng cũng đành ở nhà.
Indonesia đang phải vật lộn với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất Đông Nam Á khi số ca nhiễm mới tăng gấp 4 lần trong một tháng. Quốc gia này đối mặt với tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng, Al Jazeera đưa tin.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện quá tải. Tại một số điểm nóng như Jakarta hay Java, nhiều bệnh viện kẹt cứng và buộc phải từ chối bệnh nhân. Nhiều gia đình tuyệt vọng tìm kiếm oxy để điều trị cho người bệnh và đang hấp hối tại nhà.
Theo Kompas, tờ báo của chính phủ Indonesia, số liệu chính thức được công bố hôm 11/7 cho thấy sau 24 giờ, Indonesia ghi nhận thêm 36.197 ca bệnh, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 ở nước này lên 2.527.203.
Tính tới ngày 11/7, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên vượt mốc 2,5 triệu ca mắc Covid-19 kể từ đầu đại dịch.
Bộ Y tế Indonesia hôm 11/7 cũng cho biết trong một ngày, thêm 1.007 người ở nước này đã tử vong vì đại dịch, nâng tổng số ca tử vong lên 66.464 người.
“Trái, phải, trước, sau, ai cũng có thể là F0, F1”
Chị Hiếu cho biết tại Indonesia hiện nay, người mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân đều không được cách ly. Bệnh viện chỉ dành cho người có triệu chứng nghiêm trọng. Đôi khi, họ còn phải đăng ký “xếp hàng” chờ tới lượt được nhập viện.
Phố xá Java thưa người khác hẳn trước đây. Ảnh: NVCC. |
Người bệnh nếu không nghiêm trọng chỉ có thể ở nhà tự cách ly. Ai có điều kiện, không muốn lây lan cho người xung quanh thì có thể tự tìm và đăng ký dịch vụ cách ly tư nhân, thường khá tốn kém vì ở trong khách sạn.
Sau khi có một số triệu chứng, chị Hiếu xét nghiệm và nhận kết quả dương tính vào ngày 26/6.
“Lo lắng ảnh hưởng người nhà, tôi tự tìm bác sĩ kê đơn và đăng ký dịch vụ cách ly và điều trị tại khách sạn. Ngoài 3 bữa cơm mỗi ngày, bác sĩ và y tá sẽ đến kiểm tra định kỳ. Thuốc thang ngày 3 cữ, nhưng chủ yếu là thuốc giảm sốt và vitamin”, chị kể.
Chị Hiếu cho biết thêm rằng chị cảm thấy may mắn vì đã được tiêm một liều vaccine trước khi bị bệnh. “Có lẽ một phần nhờ vaccine mà triệu chứng của tôi không quá nặng. Tôi ốm khoảng 10 ngày thì khỏe”.
Dẫu vậy, chị Hiếu cho biết mình vẫn lo lắng sẽ tái nhiễm vì “ở Indonesia lúc này, trái, phải, trước, sau, ai cũng có thể là F0, F1, và họ không hề bị bắt buộc cách ly”.
Thanh Tuyền, lao động Việt Nam tại Purwodadi, Grobogan, Indonesia được 4 năm, cũng mô tả tương tự.
“Purwodadi cũng đang thực hiện lệnh giãn cách 14 ngày. Công ty tôi cũng có tổ chức tiêm vaccine và chia thành nhiều đợt. Tôi chưa đến lượt nên đang rất lo lắng khi nghe tin các bệnh viện đang quá tải”, chị Tuyền cho biết.
“Đợt này mà mắc bệnh thì chỉ có hai lựa chọn: tự uống thuốc hoặc chết”, chị nói.
Tại Bali, Jasmine Châu, một doanh nhân bị kẹt lại Indonesia từ tháng 12/2020, mô tả: “Số ca nhiễm ở Bali cũng rất cao và gia tăng mỗi ngày. Thành phố đang trong tình trạng phong tỏa và người dân được lệnh không ra khỏi nhà”.
Nhiều người vẫn thờ ơ
Chị Hiếu cho biết tại các điểm nóng như Jakarta hay Java, nếu muốn đi lại giữa các vùng, người dân phải có giấy xét nghiệm âm tính, hoặc có giấy chứng nhận đã tiêm ít nhất một liều vaccine.
Chị Jasmine Châu, một doanh nhân gốc Việt kẹt tại Indonesia từ tháng 12/2020. Ảnh: NVCC. |
Nhà hàng, quán ăn vẫn mở, nhưng chỉ bán mang về và phải đóng cửa trước 21h, nếu mở cửa quá giờ giới nghiêm sẽ bị phạt 2 triệu, 5 triệu, đến hàng chục triệu IDR tùy mức độ.
Jasmine Châu cho biết người nước ngoài như chị và chồng cũng được hỗ trợ tiêm vaccine miễn phí.
“Chúng tôi không nằm trong diện được tiêm chủng miễn phí. Tuy nhiên, tôi thấy họ tổ chức tiêm rất tích cực nên đến bệnh viện đăng ký thử xem sao. Dù biết chúng tôi không nằm trong nhóm ưu tiên, bác sĩ vẫn cho chúng tôi tiêm”, chị kể.
Để giảm tải cho hệ thống y tế, Indonesia cũng đã giới thiệu khoảng 11 ứng dụng hoặc trang web tư vấn y tế từ xa miễn phí cho người mắc Covid-19, chẳng hạn như HelloDoc, ProHealth, CliniGo, chị Hiếu thông tin.
Bất chấp nỗ lực của chính phủ, xu hướng dịch bệnh tại Indonesia liên tục leo thang từ giữa tháng 5 cho đến nay và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Nhận xét về vấn đề này, chị Hiếu cho rằng chính phủ Indonesia ngay từ đầu đã rất nỗ lực và tích cực trong việc chống dịch. Tuy nhiên, việc thực hiện còn dựa vào ý thức của người dân và năng lực của hệ thống y tế.
Chị Hiếu, sống ở Indonesia được 11 năm, nói rằng một số người dân rất tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch của chính phủ, nhưng nhóm khác lại tỏ ra không quan tâm.Số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 ở Indonesia liên tục gia tăng, trong khi hệ thống y tế đã quá tải.
Số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 ở Indonesia liên tục gia tăng, trong khi hệ thống y tế đã quá tải. Ảnh: AFP. |
“Theo tôi quan sát từ người xung quanh và một số bạn bè người Indonesia, họ dường như không tin vào các con số mà chính phủ đưa ra, không tin rằng Covid-19 là thật”, chị Hiếu cho biết.
“Họ tin nó chỉ là một loại bệnh cúm bình thường. Một số người thì thờ ơ, nghĩ rằng nếu họ có mắc bệnh hay qua đời vì Covid-19 thì cũng là duyên số, vì các niềm tin tôn giáo hoặc vì dịch bệnh đã diễn ra quá lâu khiến họ thấy chán nản”, chị nói.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế ở Indonesia cũng còn thiếu thốn, lại thêm lực lượng tuyến đầu chống dịch có đến hàng nghìn người hy sinh, chị chia sẻ thêm.
Cộng đồng người Việt đùm bọc nhau
Chị Hiếu cho biết Đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia đã hỗ trợ tiêm chủng một liều vaccine AstraZeneca cho nhiều người Việt, trong đó có chị. Bên cạnh đó, chị nói rằng cộng đồng người Việt tại đây chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau rất nhiều trong giai đoạn khó khăn này.Tiêm chủng Covid-19 tập trung tại sân vận động Istora Senayan ở Jakarta, Indonesia, ngày 16/6.
Tiêm chủng Covid-19 tập trung tại sân vận động Istora Senayan ở Jakarta, Indonesia, ngày 16/6. Ảnh: Reuters. |
“Hiện tại có một số người Việt đang điều trị Covid-19. Thuốc điều trị các triệu chứng của bệnh như thuốc giảm sốt, giảm đau,… đang cháy hàng. Dẫu vậy, mọi người vẫn sẵn sàng tìm mua và gửi cho nhau”, chị Hiếu chia sẻ.
Chị Châu đồng ý: “Cộng đồng người Việt bên này rất gắn kết. Nhờ các hội nhóm của người Việt tại Indonesia trên Facebook, tôi có thể nhờ các chị ở gần nấu giúp đồ ăn Việt Nam. Có lần các chị nấu bánh gửi cho tôi làm tôi vơi đi nỗi nhớ nhà”.
“Hễ tôi gặp thắc mắc gì thì đều có thể lên các hội nhóm trên Facebook để hỏi và luôn được giúp đỡ nhiệt tình”, chị Thanh Tuyền bổ sung.
Nhiều người Việt Nam ở đây mắc bệnh nhưng không được điều trị, vì thế họ rất muốn được về nước để chữa bệnh.
“Những chuyến bay hồi hương lúc này rất cần thiết”, Tuyền nói.
Nguồn: Zing