Đặt mua hàng lúc tỉ giá USD còn thấp, nhận hàng lúc tỉ giá USD lên cao kỷ lục, thu vào bằng đồng Rúp, bỗng chốc ông Tô Quang Tuấn (41 tuổi, sống tại thủ đô Moscow, Nga) trơ mắt nhìn phần tài sản mất trắng mà không thể làm gì hơn.
Đã 20 năm kể từ ngày chuyển từ quê Thanh Hóa sang thủ đô Moscow (Nga) làm ăn, chưa bao giờ anh gặp những khó khăn và biến động lớn đến vậy. Tuy nhiên, đó không chỉ là khó khăn của riêng anh Tuấn mà còn của nhiều người Việt Nam đang sống và làm việc tại Nga những ngày vừa qua, từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra.
“Dễ thì làm giàu, khó thì làm ăn” Đó cũng là cách mà ông Tuấn tự an ủi mình trước tình hình kinh doanh nhiều khó khăn những ngày vừa qua. Buôn bán trong lĩnh vực quần áo thời gian gần 20 năm, anh chủ yếu nhập hàng từ Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) về để phân phối tại các trung tâm thương mại lớn ở Moscow như Sadovo (người Việt hay gọi là chợ Chim) và chợ Liublino (còn là chợ Liu).
Chợ Liu vắng vẻ, các tiểu thương buôn bán khó khăn hơn
Trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông đã đặt một số lượng lớn quần áo về để phân phối. Tuy nhiên đến khi nhận hàng chiến sự đã nổ ra, hàng nghìn lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên đã khiến đồng Rúp mất giá. Đó cũng là lý do từ thời điểm đó ông phải cắt giảm nhiều đơn hàng.
“Nhận hàng về rồi chỉ biết lắc đầu thôi chứ nói gì nữa giờ. So với giá vốn ban đầu bỏ ra mà với tỉ giá đồng USD hiện tại thì chỉ thu về hơn 2/3. Thấy tài sản bỗng dưng mất đi trước mắt mà ông không làm gì được. Chưa kể giờ người ta không mảy may tới quần áo, chủ yếu họ chọn mua nhu yếu phẩm thiết yếu là chính”, ông Tuấn thở dài.
Quốc) về để phân phối tại các trung tâm thương mại lớn ở Moscow như Sadovo (người Việt hay gọi là chợ Chim) và chợ Liublino (còn là chợ Liu).
Hiện tại, nhiều người chọn mua đồ ăn, nhu yếu phẩm thay vì mua quần áo, giày dép
Nhớ lại năm 2014 Nga sáp nhập Crimea, ông tâm sự khi đó đồng Rúp từng mất giá kỷ lục. Thời điểm đó tỷ giá USD từ 30 lên tới 55-70 Rúp. Nhưng giờ thì từ 75 có thời điểm lên tới 120.
“Mọi thứ bây giờ đều quá đắt đỏ, có xăng là không tăng thôi. Hiện tại có nhiều mặt hàng như muối, đường và cả băng vệ sinh nữa, cũng khan hiếm hàng. Cả nhà tôi cũng phải chi tiêu khác với bình thường”, ông chủ nói thêm.
Bên cạnh đó việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế cũng khiến ông phải hạn chế tối đa các giao dịch với bạn hàng nước ngoài. Thường ông vẫn hay gửi tiền về cho gia đình, người thân ở Việt Nam nhưng tình hình này ngoài những trường hợp bất khả kháng thì ông sẽ không thực hiện bất kỳ giao dịch nào.
Ông Tuấn tâm sự so với những khó khăn hiện tại của cộng đồng người Việt ở Nga thì cộng đồng người Việt ở Ukraine lại càng khó khăn hơn khi nhiều người mất cả sản nghiệp cả cuộc đời gầy dựng. Đó cũng là lý do ông hết sức cảm thông cho đồng bào và lạc quan về hoàn cảnh của mình.
Hàng nội địa chất đầy tại các siêu thị ở Nga
“Tính ra mình ở đây còn đỡ vì còn có thể oằn mình chèo chống chờ cho tình hình ổn định trở lại. Còn những đồng bào mình ở bên đó, giờ còn gì đâu, thương vô cùng. Chiến sự xảy ra thì người thiệt thòi nhất vẫn là người dân mình thôi. Tôi chỉ mong mọi thứ sớm được giải quyết để cuộc sống của mọi người trở lại bình thường như trước kia”, ông tâm sự.
Nguồn: Thanhnien