Tiếp tục với đề tài “Những đứa trẻ chuối”, xin lược dịch series bài viết về những người Séc gốc Việt của nhật báo Aktuálně. Nhân vật tiếp theo của series là chủ nhà hàng Večerka Tomi và May, một nhà hàng không có “phở” và các kiểu sến súa như ở Việt Nam…
Ảnh: magazin.aktualne.cz
Cha mẹ của họ mong họ có một công việc ổn định và có thu nhập đều đặn hàng tháng. Sau những kinh nghiệm của bản thân với công việc nặng nhọc ở chợ, cha mẹ đã nói với họ rằng họ không nên kinh doanh. Lúc còn là sinh viên, Tomi và May đã không hề nghĩ rằng sau khi học xong đại học, họ sẽ cùng nhau mở một nhà hàng ở Brno với cái tên mỉa mai Večerka, nơi có thể bắt gặp ẩm thực Việt Nam và theo phong cách của một quán cà phê sành điệu. Mặc dù họ đã trải qua thời thơ ấu ở Việt Nam, nhưng trong suốt thời niên thiếu họ lại chủ yếu làm bạn với người Séc.
Trên đường Pekařská ở Brno, ở kệ hàng của một quán cafe Việt Nam được đặt 3 bức tượng chào đón khách. Đó là một con mèo vàng đang vẫy tay, một tượng phật vàng và một con rồng Brno vàng (có thể là mua từ những người bán hàng ở dưới hầm tàu điện ngầm nổi tiếng Myší díra). Tuy nhiên, ngoài “ba vị thánh” này, trong không gian của quán với cái tên đặc biệt Večerka lại không có thêm đồ trang trí nào khác, không giống với những quán ăn nhanh điển hình của châu Á. Có lẽ chủ nhân của nơi này thích sự đơn giản hơn.
Nhà hàng được khai trương vào tháng 12 năm 2020 với những bức tường trắng làm chủ đạo, đồ nội thất theo phong cách Scandinavian và một vài yếu tố thiết kế với tông màu hồng đặc biệt. Dưới những chiếc bàn và quầy bar là những tấm kim loại dạng lượn sóng để gợi nhớ cho những vị khách thích đi du lịch về những mái nhà trong các khu ổ chuột ở Việt Nam. Những cây cảnh ở đây được hai doanh nhân trẻ May – Trần Hậu và Nguyễn Minh Đức, nickname Tomi, trồng trong những chiếc hộp trông giống như những chiếc giỏ mua hàng nhỏ xíu, để có thể trang trí cho phù hợp với cái tên Večerka.
“Khi đến Việt Nam, bạn sẽ không tìm thấy một nhà hàng nào mà không có những chiếc đèn lồng treo trên trần nhà hay nhiều thứ trang trí khác để tạo nên sự ấm cúng cho nhà hàng như là ở nhà mình. Không có gì ngạc nhiên khi anh họ của tôi, người cũng có một nhà hàng, đến Večerka và anh ấy ngay lập tức thắc mắc tại sao chúng tôi lại đặt tấm bảng thực đơn mà không đặt một chiếc ti vi (có lẽ là tivi camera – ghi chú của BTV) và tấm thảm lớn trên đất. Anh ấy cứ liên tục hỏi tại sao ở bên ngoài lại là một tấm logo nhỏ chữ V mà không phải là một tấm biển lớn với chữ Večerka.” May 25 tuổi cười nói.
Tomi lại kể thêm câu chuyện hay khác, đó là bố mẹ anh vẫn không hiểu nổi, tại sao họ không tận dụng không gian tốt hơn ở Večerka và tại sao họ không cố gắng nhồi nhét càng nhiều bàn cạnh nhau càng tốt. “Theo quan điểm của họ, nhiều bàn hơn, có nghĩa là nhiều khách hàng hơn và nhiều khách hàng hơn đồng nghĩa với nhiều tiền hơn. Vì vậy, họ hoàn toàn không hiểu tại sao chúng tôi lại ngồi trên một chiếc ghế salon hình chữ U ở đó. Lý do rất đơn giản. Những người ngồi đây có thể không biết nhau, nhưng khi bất ngờ có một người nào đó ngồi bên cạnh, họ sẽ nói chuyện với nhau nhiều lần hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi gọi đó là chỗ này là Tinder date room (có thể hiểu tạm là phòng hẹn hò Tinder).” Tomi 28 tuổi, nói đùa.
Bản thân cái tên Večerka đã được Tomi và May chọn để thu hút sự chú ý bằng cách phóng đại những khái niệm rập khuôn về dân tộc thiểu số Việt Nam của người Séc. “Chúng tôi cũng đùa một chút về cái tên này, bởi vì khi ở thế hệ của cha mẹ chúng tôi, việc kinh doanh được bắt đầu từ các quầy hàng ở chợ, sau đó là các quán ăn bistro và trong những năm gần đây có xu hướng là các cửa hàng večerka, mà nhà hàng của chúng tôi cũng có tên là Večerka. Người Việt Nam không thích rủi ro, nhưng nếu họ thấy ai đó làm việc có hiệu quả, họ sẽ sao chép nó và bắt đầu tự làm nó một mình.” Tomi chỉ ra cách suy nghĩ của mình, điều mà và anh và May luôn muốn tránh.
“Người Việt Nam không thích nói về lý do họ làm một điều gì đó. Người ta chỉ thấy rằng họ tương đối thành công. Họ tìm được cách, con đường nào và liên hệ như thế nào để thành công, họ có khả năng thích ứng cực kỳ cao – họ có thể cảm nhận được điều gì đang thịnh hành hay tiền ở đâu. Đó là lý do tại sao họ thường bán hàng ở các chợ và trong 10 năm gần đây là sự bùng nổ của ẩm thực Việt Nam. Bây giờ tôi có thể khái quát được rất nhiều điều, nhưng để dễ tưởng tượng thì đó là gen của tinh thần kinh doanh đã được người Việt Nam thừa hưởng ở ngay cả những người thậm chí còn không biết là mình có nó. Giới trẻ Việt Nam hiện đại, vốn phổ biến trên thế giới mạng, có thể đoán được tốt điều gì đang được giới trẻ quan tâm đến.” – Ján Ičo, nhà phiên dịch và nghiên cứu Việt Nam học
Đó cũng là lý do tại sao thực đơn của họ không có quá nhiều món ăn và hoàn toàn thiếu các món yêu thích kinh điển đối với người Séc như phở chẳng hạn. Nhưng thay vào đó những người sành ăn sẽ tìm thấy một số món ăn được chế biến cẩn thận, chẳng hạn như thịt lợn sốt chua ngọt, thịt viên sốt gừng và dứa, đùi gà lá chanh sốt Hoisin hay món tráng miệng mùa hè với đậu ngọt, nước cốt dừa, đá nghiền, thạch và trân châu. “Chúng tôi không quan tâm đến số lượng mà là chất lượng và chúng tôi cũng muốn chứng tỏ rằng ẩm thực Việt Nam không chỉ dừng lại ở phở, bún và bánh cuốn”. May cho biết thêm.
(Còn nữa…)