Những người Việt ‘tiến thoái lưỡng nan’ giữa dịch ở Nhật

Gần một tháng kể từ ngày có triệu chứng bệnh, anh Minh vừa sống trong lo sợ nhiễm nCoV vừa canh cánh các loại chi phí khi đã mất việc làm.

Những tuần qua là quãng thời gian dài đằng đẵng với anh Duy Minh, một công nhân người Việt tại tỉnh Saitama, khi rơi vào tình thế “đi không được, ở không xong” do diễn biến Covid-19 ở Nhật Bản ngày càng nghiêm trọng. Ngồi nhẩm tính số tiền còn lại và phí thuê nhà, phí sinh hoạt, tiền vé máy bay, anh chỉ biết thở dài.

“Tôi nghỉ làm gần tháng nay rồi, chỉ mong muốn về Việt Nam nhưng không được”, anh Minh, người đã sang Nhật Bản làm việc theo diện thực tập sinh 4 năm nay, nói.

Hôm 13/3, anh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đau đầu, tức ngực, khó thở rồi trở sốt. Hàng ngày đi làm ở công ty chuyên sản xuất tấm cách nhiệt ôtô, anh vẫn đeo khẩu trang và rửa tay sát trùng đầy đủ. Tuy nhiên, những thông tin về Covid-19 khiến anh không khỏi lo lắng.

Sau khi báo cáo tình trạng sức khoẻ, anh được công ty liên hệ đến một cơ sở y tế để thăm khám. “Tôi được khám họng, đo huyết áp, tim mạch và kê thuốc về uống chứ không lấy mẫu xét nghiệm”, anh kể. “Đến nay tôi đã hết sốt nhưng thi thoảng vẫn ho, khó thở và đau đầu. Tôi không biết mình có nhiễm nCoV hay không vì không được xét nghiệm”.

132 1 Nhung Nguoi Viet Tien Thoai Luong Nan Giua Dich O Nhat

Một cô gái trên tàu điện ngầm ở Tokyo hôm 8/4. Ảnh: AFP

Nỗi lo về dịch bệnh chưa qua thì anh Minh nhận được thông báo công ty tạm dừng hoạt động vì không có đơn hàng, điều này đồng nghĩa anh rơi vào tình trạng thất nghiệp và không có thu nhập. Anh ước tính mỗi tháng làm không tăng ca được khoảng 40 triệu đồng, thì riêng tiền thuê nhà và ăn uống đã hết một nửa, chưa kể các khoản phát sinh khác, số còn lại sẽ gửi về cho gia đình.

“Tôi vừa đón vợ sang thì dịch bệnh bùng phát nên cô ấy cũng chưa tìm được việc làm. Hai con nhỏ đều gửi ở nhà ông bà nội trông nom. Bố tôi đã yếu nên chỉ có mẹ gánh vác gia đình”, anh kể.

Anh Minh đã cùng với một số lao động gặp hoàn cảnh tương tự gửi đơn với sứ quán Việt Nam tại Nhật để xin tạo điều kiện về nước, tuy nhiên được thông báo phải chờ đợi. Ngày 31/3, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không trong và ngoài nước dừng vận chuyển khách đến Việt Nam từ 0h ngày 1/4 đến hết 15/4. Với quy định mới này, các hãng quốc tế sẽ phải dừng bay, đồng nghĩa dừng nhập cảnh với cả khách Việt. Trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm, đường về nhà của những lao động như anh Minh càng mờ mịt.

Anh Thanh Hải, một lao động Việt ở thành phố Sano, tỉnh Tochigi, thậm chí đã tốn tổng cộng 27 triệu tiền vé máy bay nhưng vẫn không thể về Việt Nam và 3 lần bị huỷ vé.

Sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh, sau đó bỏ ra ngoài tìm công việc khác tốt hơn, anh trở thành lao động bất hợp pháp.

“Từ cuối tháng hai, do dịch bệnh, mất việc làm, lại đã hết hạn visa, tôi quyết định ra đầu thú ở cục xuất nhập cảnh với mong muốn trở về Việt Nam”, anh Hải kể. “Tuy nhiên, sau khi được tra hỏi về công việc, nơi sinh sống, kiểm tra hồ sơ pháp lý trong thời gian qua, theo quy định, tôi phải chờ đợi thêm một tháng mới được cấp phép xuất cảnh khỏi Nhật Bản”.

Đến cuối tháng 3, khi đã có giấy thông hành trong tay, anh Hải liên tiếp nhận được thông báo huỷ chuyến từ các hãng hàng không vào sát ngày khởi hành và không hẹn hoàn tiền vé. Một người đồng hương của anh Hải còn cho hay đã tốn tới 40 triệu mua vé máy bay các hãng nhưng cũng đều bị huỷ.

Anh Hải được biết có cả nghìn lao động Việt như anh đã nộp đơn lên sứ quán Việt Nam tại Nhật để bày tỏ nguyện vọng về nước. Tuy nhiên, họ nhận được câu trả lời rằng phải kiên trì chờ đợi và những người thuộc diện khó khăn như người sắp hết hạn visa, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ, sẽ được ưu tiên về nước trước theo các chuyến bay do sứ quán sắp xếp.

“Tôi thất nghiệp đã một tháng rưỡi nay, tiền bạc không còn dư dả. Chuyến bay đã mua vé được dời đến ngày 2/5 nhưng cũng không chắc chắn sẽ được bay”, anh nói.

Thủ tướng Shinzo Abe hôm 7/4 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng tại Tokyo và 6 khu vực khác khi số ca nhiễm nCoV tăng mạnh lên hơn 4.000, trong đó hơn 90 ca tử vong. Tuy nhiên, không giống lệnh phong toả chặt chẽ như tại các quốc gia khác trên thế giới, tình trạng khẩn cấp ở Nhật chỉ dừng lại ở việc đề nghị người dân hạn chế ra ngoài, cho phép chính quyền đóng cửa một số cơ sở kinh doanh, khu vui chơi giải trí.

Người Việt là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba tại Nhật Bản. Theo thống kê của sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, hiện có hơn 380.000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước này, trong đó có khoảng 83.000 du học sinh, 240.000 thực tập sinh và lao động, cùng hơn 60.000 Việt kiều.

Trước diễn biến này, những người Việt như anh Minh và anh Hải cho hay họ càng mong muốn về nước bởi nhận thấy chính phủ Nhật Bản không ứng phó quyết liệt với dịch bệnh, trong khi người dân nước này tỏ ra khá bình thản.

“Nếu không may bị nhiễm nCoV, tôi cũng không biết có được xét nghiệm hay điều trị không”, anh Hải nói.

132 2 Nhung Nguoi Viet Tien Thoai Luong Nan Giua Dich O Nhat

Khu thương mại Shinjuku ở trung tâm Tokyo hôm 8/4. Ảnh: Reuters

Kiều Minh, du học sinh ở Tokyo, đã bật khóc khi gọi điện đến các đường dây nóng y tế nhưng đều không liên lạc được. Tuần trước, nữ sinh năm cuối này đột ngột bị ho, sốt cao suốt 4 ngày, có lúc tới 38,9 độ C.

Sau khi tự uống thuốc hạ sốt, chườm khăn mát, uống nước gừng, Minh gọi tới bệnh viện lớn nhất quận nhưng được cho hay ở đây không nhận xét nghiệm Covid-19. Bố nuôi người Nhật của Minh cũng giúp cô liên hệ tới bệnh viện ở quận ông sinh sống nhưng bị từ chối. Sau khi kiên trì gọi điện hết nơi này tới nơi kia suốt 3 tiếng, cuối cùng, ông cũng tìm được bệnh viện nhận lấy mẫu xét nghiệm cho Minh.

“Tới nơi, nhìn các y bác sĩ trong bệnh viện được bảo hộ sơ sài, phần lớn chỉ đeo mỗi khẩu trang, em rất lo lắng về nguy cơ lây nhiễm”, cô kể. Sau khi lấy mẫu, chụp CT phổi, khám họng, đo huyết áp, Minh được kê thuốc hạ sốt và kháng sinh uống trong 5 ngày và cho về. Bệnh viện hẹn rằng sau 5 ngày, nếu kết quả dương tính họ sẽ gọi điện báo, nếu âm tính thì gửi kết quả qua đường bưu điện.

“5 ngày trôi qua, em cố gắng nuôi hy vọng mình sẽ không sao. Bác sĩ bảo rằng nếu dương tính, em vẫn sẽ tự điều trị tại nhà. Đến nay đã sang ngày thứ bảy, không thấy cuộc gọi nào từ bệnh viện. Em nghĩ mình có kết quả âm tính”, Minh nói.

Đầu tháng ba, khi Nhật Bản mới ghi nhận hơn 100 ca nhiễm nCoV, Minh cũng không có ý định về Việt Nam. Như nhiều học sinh, sinh viên tại Nhật, Minh đang trong kỳ nghỉ xuân nên không đến trường, nhưng vẫn đi làm thêm tại hai quán ăn. Tiếp xúc với rất nhiều người mỗi ngày, Minh cẩn thận đeo khẩu trang, dù các nhân viên khác không đeo vì sợ ảnh hưởng đến hình ảnh trước khách hàng.

Tuy nhiên, hiện một quán đã đóng cửa, quán kia vẫn còn hoạt động nhưng Minh chủ động nghỉ làm gần một tháng nay vì lo sợ nhiễm nCoV. Sắp đến thời điểm đóng học phí, Minh rất lo lắng bởi tiền đi làm thêm không đủ sống nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, gia đình cô ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng do Covid-19 nên không thể hỗ trợ được nhiều.

Ngày 7/4, Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Ngoại giao có biện pháp bảo hộ công dân trong thời kỳ dịch bệnh, trước mắt động viên, khuyến cáo người Việt ở nước ngoài tiếp tục ở lại, thực hiện nghiêm quy định chống dịch và pháp luật nước sở tại. Bộ Ngoại giao đề xuất phương án đưa một số công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có nhu cầu về nước, ưu tiên người cao tuổi, người ốm đau, trẻ em dưới 18 tuổi. Tất cả người trở về phải được cách ly, giám sát y tế.

“Biết rằng về nước lúc này là rất khó nhưng thực sự tụi em đang rất hoang mang và mong được trở về”, Minh nói. “Nhiều người Nhật động viên em rằng đừng quá lo lắng, bị bệnh thì sẽ được chữa trị và những người trẻ tuổi cũng không gặp nguy hiểm gì đâu. Nhưng qua trải nghiệm vừa rồi, em biết rằng mình phải tự lo lắng cho bản thân chứ không thể chủ quan và trông chờ ai”.

Một ngày sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, ga tàu ở Tokyo, nơi anh Minh vừa đến hôm qua, tấp nập như thường lệ vì các công ty vẫn hoạt động và người dân vẫn đi làm.

“Ngoài đi siêu thị, tôi chỉ biết ở yên trong nhà và chờ đợi động thái từ chính phủ”, anh nói. “Tôi đang rao bán điện thoại trên mạng để có thêm tiền trang trải cuộc sống những ngày tới”.

Nguồn: VnExpress

Bài liên quan