"Đúng 12h trưa giờ Toronto (0h đêm giao thừa ở Việt Nam), tôi gọi về cho gia đình", "Nhà tôi vẫn giữ thói quen làm các món truyền thống như giò tai, nem", "Hai vợ chồng mình cùng đi chợ Việt"... là một số chia sẻ của kiều bào nhân dịp Tết.
Nhân Dịp Tết Nguyên đán 2022, một số kiều bào đón Tết Việt nơi phương xa đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về kế hoạch ăn Tết, những cảm xúc khi ăn Tết xa quê, và gửi những lời chúc tới người dân Việt Nam:
Bà Trần Thị Chang, chủ tịch Hội người Việt Nam tại Malaysia:
Chúng tôi lúc nào cũng hướng về quê hương
Tết này cũng giống như 2 năm vừa qua, không thể về Việt Nam vì COVID-19. Dù rất buồn khi không được đoàn tụ cùng con cháu, nghĩ lại những gì mình đã làm được cho cộng đồng người Việt trong dịch vừa qua tôi cũng thấy ấm lòng đôi chút.
Dịch bùng lên từ đầu năm 2020 đến nay đã hơn 2 năm. Trong năm đầu tiên, tôi cùng các anh chị em rong ruổi các bang tặng quà cho lao động Việt. Sang năm COVID-19 thứ hai, tôi lại cùng mọi người tìm nguồn vắc xin cho bà con Việt Nam.
Bà Trần Thị Chang và các thành viên chấp hành của chi hội người Việt Nam tại Klang trao quà Tết là những món ăn truyền thống như bánh tét, bánh chưng cho đồng bào tại Malaysia - Ảnh: NVCC
Đã làm trong ngành y gần 30 năm, tôi may mắn có được những mối quan hệ giúp được đồng bào trong lúc khó khăn.
Cũng nhờ vậy mà hơn 1.000 người Việt ở Malaysia đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin Pfizer và đang chuẩn bị tiêm mũi thứ 3. Với tôi, đó là một nguồn động lực rất lớn để tiếp tục làm những việc vì cộng đồng người Việt trong năm mới.
Tết này, nhiều bà con Việt Nam cũng không về quê hương được và cũng ít nhiều chạnh lòng khi nghĩ đến cảnh gia đình sum vầy. Dù vậy, chúng tôi lúc nào cũng hướng về quê hương. Bà con ở đây vẫn luôn tương thân tương ái nhau, đặc biệt trong dịch vừa qua.
Chúng tôi tự gói bánh chưng và những món ăn ngày Tết, vừa là dịp để mọi người cùng ngồi lại quây quần cho có không khí ấm cúng, vừa là để lắng nghe tâm tư tình cảm của nhau.
Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài một năm thật nhiều sức khỏe, bình an và hạnh phúc. Mong rằng trong năm Nhâm Dần dịch COVID-19 sẽ được khống chế để kiều bào được về quê hương.
Anh Nguyễn Đoàn Thanh Tuấn, Toronto (Canada):
12h trưa, tôi gọi về nhà đón giao thừa Việt Nam
Tết Nguyên đán là lúc người ta mong ước được về đoàn tụ với gia đình, nhưng với anh Nguyễn Đoàn Thanh Tuấn (Tony Nguyễn) - giám đốc Công ty tư vấn du học và định cư Vivas có trụ sở tại Toronto, thời gian chờ đợi được về quê thật dài vì bóng đen COVID-19 vẫn còn ám ảnh ngày qua ngày.
Anh Tuấn đã sang Canada từ cuối năm 2014 và thường có kế hoạch về Việt Nam mỗi năm, nhưng đã bị kẹt lại Canada từ năm 2020.
Năm nay, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp và anh chưa thể về Việt Nam ăn Tết Nguyên đán, để được thưởng thức những món ngon mang hương vị nhà làm, nào là thịt kho hột vịt, canh khổ qua…
Anh Nguyễn Đoàn Thanh Tuấn (Tony Nguyễn) - giám đốc Công ty tư vấn du học và định cư Vivas có trụ sở tại Toronto (Canada) - chúc Tết Nguyên đán 2022 - Video: NVCC
Do ảnh hưởng của COVID-19, các hoạt động đón Tết Nguyên đán tại Canada vẫn hạn chế. Năm nay anh Tuấn dự định cùng bạn bè tham gia "Lễ cúng Phật và cầu an đầu năm" do chùa Cam Lộ Vương ở Maple, Ontario (gần Toronto) tổ chức vào đêm Mùng 1 Tết.
Khi được hỏi về kế hoạch cho đêm giao thừa năm nay, anh Tuấn cho biết anh sẽ gọi video về cho gia đình để cùng nhau tiễn năm cũ và chào đón năm mới.
"Mỗi năm cứ đúng 12h trưa ngày cuối cùng của năm theo giờ Toronto (tức đúng 0h đêm giao thừa tại Việt Nam), tôi sẽ gọi về cho gia đình. Sau đó, vào đúng 0h đêm theo giờ Toronto, tôi sẽ gọi video về cho gia đình một lần nữa" - anh Tuấn chia sẻ.
Anh Lâm Gia Bảo tại Chiba (Nhật Bản):
Thèm tất cả các món mẹ nấu
"Đây là năm thứ 3 mình ăn Tết xa nhà. Mình thèm món thịt kho hột vịt và tất cả các món của mẹ nấu" - anh Lâm Gia Bảo, thực tập sinh người Việt tại Chiba (Nhật Bản) chia sẻ.
Do số ca nhiễm ở Nhật Bản đang tăng vọt trở lại trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh, anh Bảo không thể tham gia nhiều hoạt động đón Tết.
Anh Bảo cho biết sẽ tự mình xuống bếp nấu một nồi thịt kho hột vịt và mua bánh chưng, bánh tét về ăn cho đỡ thèm hương vị quê nhà. Đa số các tiệm Việt Nam đều có bán các loại bánh truyền thống vào dịp Tết.
Anh Lâm Gia Bảo, thực tập sinh người Việt tại Chiba (Nhật Bản), chia sẻ trước thềm Tết Nguyên đán 2022 - Video: NVCC
Anh Bảo tâm sự việc trở về Việt Nam ăn Tết với anh là một chuyện tốn kém vào lúc này, và anh vẫn phải đi làm theo lịch của công ty tại Nhật Bản.
Nhân dịp năm mới, chàng trai sinh năm 1996 chúc mọi người sức khoẻ dồi dào, làm ăn phát đạt, và quan trọng là đại dịch COVID-19 kết thúc để mọi người có thể quay trở lại cuộc sống thoải mái như trước đây.
Chị Nguyễn Thị Kim Cúc tại Seattle (Mỹ):
Tết nhất có thể
Với tôi, ngày Tết luôn mang lại những cảm xúc đặc biệt, từ việc đi mua sắm Tết, gói bánh chưng, chọn cành đào, đi chợ hoa, rồi niềm háo hức đến đêm Giao thừa và ngày mùng Một Tết.
Ngày Tết luôn mang đến những tình cảm gắn bó bền chặt hơn.Nơi tôi sống ở Mỹ rất tiếc không có một cộng đồng người Việt hay châu Á đông đảo, nên không có hoạt động ngày Tết, cũng như không có điều kiện gói bánh chưng hay làm các món ăn truyền thống dịp này. Chồng tôi vẫn đi làm bình thường.
Chị Nguyễn Thị Kim Cúc, hiện sống ở Seattle, Mỹ - Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, thường 1-2 tuần trước Tết, hai vợ chồng mình sẽ cùng đi tới khu chợ Việt (cách nhà khoảng 1 tiếng lái xe) mua bánh chưng, giò lụa, hạt dưa… để nhâm nhi ngày Tết.
Tôi cũng trang trí nhà cửa với cành đào lụa mua từ Việt Nam và cây quất (do tôi "cải tiến" lại từ một cây quýt giả mua ở cửa hàng). Cả gia đình sẽ cùng mặc áo dài chụp ảnh bên khung cảnh "Tết nhất có thể".
Dịp về Việt Nam, tôi đã mua được một số sách thiếu nhi về ngày Tết để dành đọc cho các con trong dịp này. Các con mình chưa có nhiều ý thức về ngày Tết, nhưng hy vọng tình yêu Tết sẽ lớn dần cùng con, và gia đình sẽ còn nhiều dịp cùng về ăn Tết tại Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Kim Cúc và 2 con trong một lần về Việt Nam - Ảnh: NVCC
Tết năm nay có một điều "trong cái rủi có cái may" là vì mắc kẹt lại Mỹ từ cuối năm 2020 do đại dịch nên 2 năm nay, bố mẹ tôi lại ở Mỹ ăn Tết cùng gia đình tôi.
Ông bà không còn quá lo lắng về việc bao giờ có thể trở về Việt Nam như năm ngoái, tranh thủ tận hưởng từng ngày được ở bên con cháu và sẵn sàng trở lại Việt Nam khi điều kiện cho phép.
Mong ước lớn nhất của tôi cho năm mới là dịch bệnh sớm bị đẩy lùi để mọi người có thể đi lại, du lịch dễ dàng như trước kia. Tôi rất nhớ các món ăn đường phố ở Hà Nội.
Trong 15 năm gần đây, tôi đã có tới 10 cái Tết xa nhà, nên rất mong được sớm trở lại Việt Nam ăn Tết để các con có nhiều cơ hội trải nghiệm không khí ngày Tết cũng như tình cảm gia đình gắn bó ở Việt Nam.
Chị Hà Minh Tâm tại Pháp:
Bánh chưng rất ngon!
Đã 5 năm tôi chưa được về Việt Nam ăn Tết. Hồi mới sang Pháp, khi thấy mọi người ở nhà chuẩn bị đón Tết, tôi thấy rất nhớ nhưng dần dần cũng phải có cách thích nghi, khi học được cách đón Tết ở nước ngoài thì cũng bù đắp được phần nào nhớ thương.
Tôi thường hay kể với các con về phong tục đón Tết truyền thống của Việt Nam, các món ăn truyền thống.
Trong tất cả các điều ấy thì ấn tượng nhất với con tôi là lì xì và bánh chưng.Từ trước Tết, các cháu đã hỏi bao lâu nữa thì đến Tết; Tết năm nay có ai sang nhà mình chơi không… và các cháu hay nói rằng món bánh chưng rất ngon.
Chị Tâm (phải) cùng bạn bè chuẩn bị luộc bánh chưng để đón Tết - Ảnh: NVCC
Nhà tôi vẫn giữ thói quen làm các món truyền thống như giò tai, canh măng, nem… Gần Tết, một vài gia đình sẽ tổ chức gói bánh chưng chung với nhau.
Năm nay chúng tôi cùng luộc bánh chưng ở trong vườn, cố gắng tạo ra không khí để trẻ con cùng vui chơi với nhau, nhìn thấy bố mẹ háo hức chuẩn bị một điều gì đấy đặc biệt sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch.
Đến đêm Giao thừa, gia đình tôi sẽ làm mâm cơm cúng Tất niên để các con biết được truyền thống nhớ về tổ tiên mỗi khi Tết đến.
Tôi hy vọng các con sau này lớn vẫn có được kỷ niệm về tết của quê hương. Bé lớn nhà tôi đã 5 tuổi, bắt đầu cảm nhận và ghi nhớ được những khái niệm về Tết, còn bé thứ hai, nhỏ hơn một chút thì giờ cũng lại được bố mẹ dạy về Tết.
Hai năm nay, đại dịch hoành hành ở Pháp nên đa số làm việc tại nhà, trường học cũng chỉ mới được mở lại.
Vì vậy, mong muốn lớn nhất của tôi là đại dịch kết thúc để cuộc sống trở lại bình thường, trẻ con được đến trường, mọi người có thể tới thăm nhau mà không phải lo lắng và người Việt ở Pháp, cũng như ở khắp các nơi trên thế giới, có thể về thăm quê hương.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online