Dù ở Úc, Mỹ hay các nước khác thì Việt kiều cũng phải kiếm sống, kiếm tiền nuôi sống gia đình và bản thân.
Rất nhiều người nghĩ rằng Việt kiều Mỹ sung sướng và giàu có nhưng thực tế những Việt kiều tại Mỹ phải lao động chân tay cực khổ để kiếm sống.
Câu chuyện về cuộc sống của những Việt kiều ở trời tây luôn được chú ý.
Bài viết dưới đây sẽ hé lộ cho bạn phần nào về cuộc sống lao động chân tay vất vả của các Việt kiều Mỹ.
Trước khi chưa qua Mỹ, tôi có nghe các anh chị của mình nói rằng, người Việt sang Mỹ rồi chỉ có hai tuổi thôi, là tuổi trâu và tuổi ngựa, gầy nhem, vì họ lao động khổ quá mà.
Những lời chia sẻ ấy vẫn khiến tôi mơ hồ, không hình dung được và thậm chí tôi cũng không tin là thật.
Thế nhưng qua Mỹ rồi, chính bản thân trải nghiệm, và nhiều người cũng có hoàn cảnh như mình thì tôi mới hiểu được tại sao họ nói như vậy.
Theo đó, khi qua xứ người, người Việt cũng như một con số không, không nhà, không xe, không việc làm, không một kiến thức xã hội, mà bảo hiểm cũng không có chế độ nào phù hợp.
Nếu may mắn có người nhà giúp đỡ khi qua đây thì mọi chuyện sẽ đỡ khổ hơn. Còn nếu phải tự thân chèo lái thì đó sẽ là một thử thách lớn cho những người muốn định cư Mỹ.
Thế nên mới có chuyện nhiều người Việt mới qua Mỹ đã vô cùng hụt hẫng, phải bỏ cuộc và sốc nặng.
Thời gian sống ở Mỹ đã cho tôi nhận ra rất nhiều điều. Bằng cấp Việt Nam ở Mỹ không dùng được, ngôn ngữ mới sang tập tọe, xe cộ, đường sá cũng không biết nhiều, đấy chính là điều đầu tiên.
Vậy nên khoảng thời gian đầu, người Việt qua đây chỉ có thể làm công việc chân tay mà thôi. Mà để kiếm một đồng của Mỹ là đổ mồ hôi sôi nước mắt.
Đã có rất nhiều người ở Việt Nam làm công chức, làm nhân viên văn phòng, nhưng qua Mỹ phải làm việc chân tay phải thay đổi quá nhiều nên mệt là điều đương nhiên. Ngoài làm, người Việt còn phải đi học nữa, đi học để cải thiện trình độ.
Nếu bạn đi làm hãng, đi toilet nhiều quá cũng sẽ bị người ta để ý, rồi người ta la mắng và thậm chí là bị cho nghỉ luôn. Làm hãng ở Mỹ, nghe sang mồm vậy nhưng thực chất là đi làm công việc của một “culi cao cấp”.
Một điều cần nói nữa là mùa đông ở Mỹ nhiều tuyết, đường sá đi lại khó khăn, trời vừa lạnh, vừa phải dậy sớm, vừa phải đi cẩn thận để sao đến hãng làm đúng giờ.
Tại Mỹ nhiều người Việt làm nghề nail. Cái khổ của nail là đâm đầu vào làm, khách vào liên tục là mình cứ phải phục vụ.
Thế nên mới có chuyện những người làm nail bị đói, bị bệnh đau bao tử.
Nghề nhà hàng bên Mỹ cũng giống nghề nail. Nhà hàng đông là phải làm suốt thôi, buông ra là lả người, vất vả. Nghề này phải làm ca 10-12 tiếng.
Xã hội công nghiệp Mỹ là như vậy, rèn con người theo một tác phong công nghiệp. Bất cứ ai sang Mỹ cũng có xuất phát điểm giống nhau, và chỉ có đi học, làm việc và tích lũy tiền bạc mới có thể trông mong tương lai khá lên được.
Tôi từ lúc sang Mỹ cho đến khoảng 2 năm sau đó mới tìm được công việc phù hợp với mình, mới cảm thấy hài lòng và thoải mái với cuộc sống tại Mỹ.
Nước Mỹ là một nước cơ hội, và cơ hội đến với bạn hay không là tùy các bạn, tùy vào khả năng các bạn có thể thách thức chính bản thân mình.