Tôi không nhớ hết bao nhiêu lần tôi tuyệt vọng với cuộc sống nơi này: vẫn có cướp giật, trộm cắp, lừa đảo. Nhưng đáng sợ nhất là việc người Việt chà đạp lẫn nhau
Tôi là người Sài Gòn, sang Australia đã 5 năm.
Những ngày đầu khi mới qua, tôi sống trong nước mắt. Số đông những người phụ nữ bên này rất kỳ thị những người mới sang. Họ có thể ngọt ngào cho được việc của họ và cũng sẵn sàng chửi rủa mình không tiếc lời.
Công việc đầu tiên tôi làm là bán lô tô và thuốc lá trong một tiệm của người Việt. Công việc này do một hội phụ nữ giới thiệu. Tôi được trả 10 đôla/giờ, đổi lại, tôi phải đứng suốt từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều.
Xong việc chính thì tôi phải dọn rác, lau chùi nhà vệ sinh mà không được phát một cái bao tay nào.
Công việc thứ hai là bán hàng giá rẻ cho ông chủ người Tây. 15 đôla/giờ và cũng trả tiền mặt nhưng công việc nặng nhọc hơn. Tôi phải ở liên tục trong xưởng lạnh buốt ngay cả là mùa đông.
Tôi phải đu người đóng những cánh cửa sắt kho xưởng to lớn, dọn những giá để hàng to đùng nặng hàng trăm ký bằng cái kích tay.
Công việc thứ 3 là sửa đồ cưới cho chủ người Ý. 17 rồi 20 đôla/giờ, nhưng tôi không bị chủ bóc lột mà bị chính người Việt Nam làm chung bắt nạt. Họ bắt tôi làm cật lực và thường xuyên.
Tôi rơi nước mắt trên những chuyến xe lửa muộn, những chuyến tàu điện về nhà mỗi đêm.
Tôi đau khi bị chính người Việt mình hành hạ, sỉ nhục bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Rồi họ quay sang nói tiếng Anh vui vẻ ngọt ngào với những người bản xứ làm chung như không có chuyện gì. Tôi sốc và ghê tởm sự giả tạo của họ.
Tôi cũng không chịu nổi sự lỗ mãng của người đàn ông Việt Nam làm chung. Rồi sự tâng bốc nịnh nọt bầy đàn của những phụ nữ đáng tuổi em, cháu tôi. Sang Australia hơn 15 năm nhưng họ chỉ giỏi hỗn hào, hơn thua nhau không khác gì ở một chợ cá.
Ảnh minh họa
Tôi có công việc tốt ở Sài Gòn, có nhà, có xe… nhưng sang đây không ngờ gặp phải những con người như thế này. Có lúc tôi muốn tự sát.
Trong tuyệt vọng tôi nằm đau đớn với xác thân tàn tạ, xuống cấp trầm trọng. Nhưng chồng tôi an ủi tôi nhiều.
Rồi tôi lang thang đi làm cho mấy tiệm sửa đồ của người Việt. Họ có tốt hơn, tử tế hơn. Nhưng họ trả bạn 10 đồng thì họ vẫn muốn bạn phải làm ra cho họ 60-70 đồng.
.
5 năm trôi qua, trả bằng vô vàn đau đớn và tủi nhục, đổi lại tôi học được cách để tồn tại nơi xứ người. Tôi học được tính kiên nhẫn, học cách nâng giá trị sống và làm việc của bản thân.
Giờ tôi cũng ổn định với công việc 25 đôla/giờ. Nơi tôi làm không có người Việt Nam nào. Tôi ấm cúng giữa vòng tay bạn bè đồng nghiệp hiện tại.
Tôi buồn vì những đơn độc nghiệt ngã tôi đã chịu đựng giữa cộng đồng người Việt ở đây.