Thái Thanh qua đời: Nghìn trùng xa cách, bà ra đi an lành!

Nữ danh ca Thái Thanh, sau một thời gian dài nằm bệnh, đã qua đời hồi 11h50 ngày 17-3 tại Orange County, Nam California, Mỹ, hưởng thọ 86 tuổi.

132 1 Thai Thanh Qua Doi Nghin Trung Xa Cach Ba Ra Di An Lanh

Người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Người ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến những xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những địa danh đó nữa, miền Trung, miền Nam, miền Bắc.

Ca sĩ Thái Thanh

Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh ngày 5-8-1934 tại Hà Nội, là con út trong một gia đình anh em đều nổi tiếng trong giới tân nhạc.

Bà bắt đầu được nhiều người biết đến từ năm 14 tuổi khi xuất hiện trong ban hợp ca Thăng Long do các anh chị của bà thành lập.

Ban hợp ca này gồm 4 anh em của bà là Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy) và Băng Thanh, trong vùng kháng chiến chống Pháp tại Khu 4.

Giọng ca cao vút trời phú

132 2 Thai Thanh Qua Doi Nghin Trung Xa Cach Ba Ra Di An Lanh

Thái Thanh cùng hai thành viên của hợp ca Thăng Long - Phạm Đình Chương (giữa) và Phạm Đình Viêm - Ảnh tư liệu

Năm 1951, bà cùng gia đình vào miền Nam sinh sống, từ đó bà đổi nghệ danh là Thái Thanh cho giống với người chị là Thái Hằng. Ban đầu, bà thường hát chung với Thái Hằng. Về sau, khi đã "cứng cáp", bà bắt đầu hát đơn ca.

Với giọng ca cao vút trời phú dù không kinh qua bất cứ trường lớp âm nhạc nào, bà bắt đầu nổi tiếng về hát tình ca từ năm 1954 đến 1975 và gắn liền tên tuổi với nhiều tác phẩm của người anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy.

Dù tự học qua sách vở và lớn lên trong vùng dân ca Bắc Bộ, đặc biệt là quan họ, chèo, chầu văn, bà đã tạo được một giọng hát rất riêng.

Bà đã biến sàn diễn ca nhạc trở thành nơi thể hiện bản thân, biến ca khúc trở thành bộ phim hay một vở kịch dẫn dắt người nghe vào thế giới của riêng mình. Sau này, một số ca sĩ đã ảnh hưởng giọng hát của bà như Mai Hương, Ánh Tuyết, Quỳnh Giao và đặc biệt là con gái bà - ca sĩ Ý Lan.

Trong những năm 1950 - 1970, giọng ca Thái Thanh hầu như chiếm lĩnh các chương trình ca nhạc trên hệ thống phát thanh, truyền hình ở Sài Gòn. Ngoài ra bà còn xuất hiện khá thường xuyên tại vũ trường Đêm Màu Hồng, một vũ trường ăn khách ở Sài Gòn trước 1975.

Với riêng tôi, một trong những bài Thái Thanh ca để lại nhiều ấn tượng là Tình hoài hương của Phạm Duy, khiến người nghe vừa sống lại một trời kỷ niệm ở quê nhà vừa thổn thức với âm nhạc qua giọng hát của bà.

Bà cũng khiến người nghe khó quên qua các ca khúc Ngày xưa Hoàng thị, Chiều về trên sông, Hội trùng dương, Nghìn trùng xa cách, Xuân ca...

Chúng ta có nhiều nghệ sĩ sáng tác những nhạc khúc tuyệt vời với ngôn ngữ thi ca, nhưng chúng ta có ít ca sĩ thấm được hồn thơ trong nhạc bản. Ðạt tới tuyệt đỉnh trong ngành trình diễn, Thái Thanh nắm vững cả bốn vùng nghệ thuật: nghệ thuật truyền cảm, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật thi ca và nghệ thuật phát âm tiếng Việt, giữ địa vị độc tôn trong tân nhạc Việt Nam gần nửa thế kỷ. Thái Thanh chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ.

Nhà nghiên cứu Thụy Khuê nhận xét

Thấm được hồn thơ trong nhạc bản

Thái Thanh lập gia đình với tài tử Lê Quỳnh và có 5 người con với ông, trong số đó có 2 người con gái theo nghề hát là Lê Thị Ý Lan (ca sĩ Ý Lan) và Lê Thị Quỳnh Dao (ca sĩ Quỳnh Hương). Sau năm 1985, bà cùng gia đình sang Mỹ định cư và tiếp tục nghiệp ca hát cho đến khi sức khỏe không cho phép.

Với nhiều ca sĩ, bà là giọng ca thần tượng khó có người thay thế. Còn với ca sĩ Khánh Ly: "Kể ra trên thế giới, diva không nhiều lắm đâu, còn nói tới Việt Nam, nếu có, tôi nghĩ chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là diva, đó là cô Thái Thanh".

Nhà nghiên cứu âm nhạc người Pháp Georges Etienne Gauthie nhận định trong cuốn Nghĩ về nghệ thuật của Thái Thanh viết năm 1972: "Sau khi nghe nàng hát, có khi chúng ta cảm thấy nơi chính mình một chút bâng khuâng, lúc bấy giờ có lẽ là niềm "nhớ nhung cõi trời" - mà Baudelaire đã nói - dù sao giọng hát Thái Thanh vẫn không phải là giọng u buồn.

Giọng Thái Thanh là một giọng ca hoan lạc, giọng hát của hạnh phúc ca xướng, giọng hát của hạnh phúc nói chung. Hãy nghe nàng vào lúc cao hứng nhất, khi giọng hát của nàng vụt nở như một nụ cười hiền dịu hướng về cõi đời này, hãy chăm chú lắng nghe...

Giọng hát Thái Thanh lúc đó qua từng nhịp thơ và từng nhịp nhạc, như chỉ muốn nói với ta có một lời. Lời nói tình yêu".

Với khán giả của âm nhạc nói chung, sự ra đi của Thái Thanh, dù biết rằng không thể nào tránh khỏi, vẫn là một mất mát khó bù đắp. Mất mát một "lời nói tình yêu".

Nghìn trùng xa cách, bà ra đi an lành!

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan