Thư Brazil: Người Việt học cách tồn tại trong dịch Covid-19

Nỗi lo lắng, bất an của người Việt trong những ngày này tại Brazil, quốc gia xếp thứ hai sau Mỹ về số ca nhiễm và tử vong trong đại dịch Covid-19, là "đói" thông tin và nạn cướp bóc

Cộng đồng người Việt ở Brazil khá nhỏ, chỉ gần 500 người nếu tính luôn thế hệ con cháu sinh ra và lớn lên tại xứ này. Đoàn kết với những lời dặn dò phải tuân thủ việc giãn cách cho chính gia đình mình, dựa theo những bài học từ trong nước, người Việt ở đất nước này đã không vướng phải những khốn khó của dịch Covid-19.

Tôi cũng như nhiều người gốc Việt vượt qua gian khó thuở ban đầu, tạo lập sự nghiệp từ nghề duy nhất: làm túi xách. Đây là nghề gia công sản xuất và buôn bán túi xách, balô, bóp ví... mà 95% người Việt ở Brazil đã bền bỉ làm trong hơn 40 năm sống ở xứ người.

Nhiều ngày qua, giới chuyên gia y tế cho rằng số ca nhiễm thực tế và tử vong có thể cao gấp nhiều lần do quốc gia này còn chậm trong việc tăng cường xét nghiệm và bị giới hạn về năng lực xét nghiệm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Người Việt không tham gia xuống đường, chỉ nghe thông tin qua radio và trên cộng đồng mạng để động viên nhau vượt qua đại dịch này. Trong nhóm bạn bè tôi có 5 người bị nhiễm bệnh và đã được nhập viện để theo dõi. Người nhà chỉ được gọi điện thoại thăm hỏi.

Những người có mua bảo hiểm y tế được chính quyền địa hạt xác nhận thì chỉ đóng thêm 15% viện phí cho những loại thuốc đặc trị. Tuy nhiên, những gia đình của bạn tôi đã khóc nhiều vì theo họ, đó chỉ là sự cầm cự, chứ khi nào chưa có vắc-xin chống Covid-19, cái chết vẫn cứ ám ảnh họ.

 

132 1 Thu Brazil Nguoi Viet Hoc Cach Ton Tai Trong Dich Covid 19

Một trung tâm thương mại ở Sao Paulo mở cửa trở lại dù tình hình đại dịch vẫn còn tồi tệ tại bang này và Brazil Ảnh: REUTERS

Trường hợp mắc và tử vong do Covid-19 ở Brazil đang tăng mạnh từng ngày. Do cách phòng chống dịch của nước này nên họ chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Mỹ Latin. Nhà tôi ở Sao Paulo, ngay tâm điểm của dịch bệnh, nên tôi và cả nhà không dám đi đâu.

Nhờ trong gia đình có người làm ở siêu thị nên chúng tôi mua thực phẩm khá dễ dàng vì có thẻ ưu tiên. Vì thế, chúng tôi không lo thiếu ăn nhưng sợ nhất là "đói" thông tin. Từ những bài báo, hình ảnh ở quê nhà, gia đình tôi đã sớm sử dụng khẩu trang, nước sát khuẩn, mặc cho việc các chính trị gia lợi dụng sự kiện này kích động biểu tình, chia rẽ theo kiểu băng nhóm để trục lợi chính trị.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe tại thành phố lớn Sao Paulo đang quá tải khi nhu cầu giường bệnh khẩn cấp tăng cao do các ca mắc Covid-19 tăng nhanh sau những ngày biểu tình. Ông thị trưởng đã lên truyền hình nói nếu cư dân không tuân theo các hướng dẫn giãn cách xã hội thì thảm kịch sẽ tồi tệ hơn nữa.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn tiếp tục bác bỏ mối đe dọa từ Covid-19 khi cho rằng việc kiểm dịch và phong tỏa chỉ có thể tác động xấu hơn đến nền kinh tế nước này. Thật vậy, nghề làm túi xách chủ yếu phục vụ du lịch, khách nước ngoài không đến Brazil thì làm sao sản xuất, kinh doanh nên nhà kho của chúng tôi còn chất đống sản phẩm chưa kịp giao hoặc đã giao bị trả lại do cuộc khủng hoảng này.

Tổng thống Jair Bolsonaro đã nhiều lần lên tiếng rằng Covid-19 chỉ là "bệnh cúm nhỏ" và kêu gọi các doanh nghiệp mở cửa trở lại, ngay cả khi nhiều thống đốc bang quyết liệt thực hiện các biện pháp làm chậm sự lây lan của đại dịch. Cái giá quá đắt là người dân ở đất nước này chết quá nhiều, quan tài làm không kịp, có nơi phải chôn tập thể.

Hôm 10-6, tôi liều đến xưởng mua nguyên liệu về may thành phẩm từ quần áo đến túi xách, balô, bóp ví... cũng của người Việt, để có thể hàn huyên với ông chủ cũng là người Việt, cưới vợ Brazil. Đó là khu chợ trời "25 de Marco" ở trung tâm Sao Paulo chuyên bán lẻ cho khách vãng lai. Ông than trời là 25 công nhân đã nghỉ việc, được trợ cấp lương, trong đó 2/3 là đồng hương.

Xưởng của ông ngoài bán phụ liệu còn bỏ mối số lượng thành phẩm túi xách cho các thương lái người Brazil mang đi các tiểu bang trên cả nước. Doanh thu mấy tháng qua lỗ nặng, khiến ông quyết định treo bảng sang lại xưởng. Đã có 2 người Brazil ở chợ trời Feira da Madrugada ngỏ ý mua lại nhưng ông thấy giá thấp quá nên chưa bán.

Nỗi lo lắng bất an của người Việt còn là bị cướp. Gia đình tôi từng bị cướp, chúng ập vào nhà chĩa súng trấn lột tiền mặt. Bởi vậy, ông chủ xưởng ấy không dám bán xưởng trong lúc này.

Cách đây một năm, cộng đồng khuyến cáo để tránh cướp, hầu hết người Việt nên dọn vào sống trong các chung cư. Gia đình tôi cũng vậy, nhờ thế mà không bị cướp nữa.

Chuyện bị cướp trên thực tế không đáng lo bằng dịch bệnh. Có chuyện ly kỳ là khi một bà già người Brazil bị cướp vào nhà, chúng không đeo khẩu trang. Thay vì kinh hoảng việc cây súng đang chĩa về phía mình, bà yêu cầu những tên cướp phải đeo khẩu trang rồi mới nói chuyện. Và bọn chúng buông súng để tìm khẩu trang trong túi đeo vào, lúc đó bà đã nhanh chân chạy thoát thân, để lại ngôi nhà không có tiền mặt.

Cho tới thời điểm này, Brazil ghi nhận thêm 1.021 ca tử vong do Covid-19, số người tử vong đã vượt 41.000 với hơn 805.000 ca mắc. Các biện pháp phòng dịch nếu được áp dụng như ở Việt Nam thì sẽ phát huy hiệu quả. Chính sự chậm trễ, lỏng lẻo trong cách phòng ngừa đã dẫn đến tai hại này. Chỉ trong đại dịch này, Tổng thống Bolsonaro đã khiến 2 bộ trưởng y tế từ chức. Nguy hơn, tổng thống còn trực tiếp tham gia các cuộc tuần hành phản đối lệnh ở nhà. Hậu quả là tình hình dịch bệnh ngày một tệ hơn ở nước này.

Tình trạng chung là dân cư sống trong điều kiện tập trung đông đúc, dễ lây lan và lâu nay người Brazil ít có thói quen tiết kiệm nên khi thất nghiệp hàng loạt đã dẫn tới nguy cơ đói nghèo. Rồi sẽ có nhiều vụ cướp xảy ra trong cộng đồng người Việt nên chúng tôi dặn dò nhau phải hết sức cẩn thận. Ai cũng mong sớm hết dịch bệnh để có thể về thăm quê hương… 

Lưu Kiến Nhân (Sao Paulo)

Nguồn: nld.com.vn

Bài liên quan