Sống ở South Carolina (Mỹ), có việc làm ổn định với thu nhập mỗi tháng xấp xỉ 5.000 USD, bỗng Huỳnh Tấn Minh về thăm quê rồi xin ở lại Việt Nam. Sau 2 năm sống với tư cách là Việt kiều, cuối năm ngoái, Minh đã được nhập quốc tịch và có hộ khẩu trên quê hương mình.
Qua đến Mỹ, choáng ngợp trước khung trời mới, hạnh phúc trong sự chào đón của đại gia đình, nhưng Minh muốn đi làm ngay vì chẳng thích ngồi không. 19 tuổi, theo mọi người đi làm móng, Minh ngượng chín người khi phải nâng niu từng bàn tay, bàn chân quý bà để giũa giũa, bấm bấm. Thương cháu, mấy tháng sau dượng nuôi nhờ một người bạn Mỹ là chủ một xưởng cơ khí nhận Minh vào phụ việc.Minh sinh ra tại Tân Nghĩa, Hàm Tân (Bình Thuận) năm 1981.
Chưa một lần được nếm mùi sữa mẹ, Minh được một phụ nữ luống tuổi ở Tân Nghĩa mang về nuôi, thương yêu còn hơn con ruột. Mẹ nuôi của Minh sống đơn thân do cả nhà đã qua Mỹ từ năm 1972.
Năm 1993, lúc Minh 12 tuổi, mẹ nuôi cũng gạt nước mắt qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Minh chưa được theo mẹ vì còn rắc rối thủ tục và phải tự kiếm ăn dù mẹ nuôi đã gửi gắm Minh cho xóm giềng, họ mạc. Đầu năm 2000, đến lượt Minh được bảo lãnh sang Mỹ. Ngày ra đi, Minh đã bật khóc dù nổi tiếng là cứng rắn, lỳ lợm.
Những buổi thả bò, nướng ngô, nướng khoai trên rẫy thời thơ ấu đã ghi dấu ấn đậm nét trong ký ức Minh. Siêu thị bên Mỹ bán đủ thứ, nhưng không gì sánh bằng vị ngọt của bắp tươi, vị bùi của sắn ở làng quê Việt. Anh kể: “Chiều mùa đông bên đó tuyết rơi lạnh cắt da. Lúc đó tôi nhớ đến phát điên mùi bắp nướng, sắn lùi”.
Từ nhà đến nơi làm việc chỉ 3 km, nhưng chỉ sau vài tháng, túi rủng rỉnh đôla, Minh đã tậu chiếc Nissan láng coóng và thi lấy bằng lái. Nhờ bản tính cần cù, thích tìm hiểu nên sau một thời gian phụ việc, Minh đã được đứng máy. Tiền lương phụ việc mỗi 8,5 USD/giờ được tăng lên gần 20 USD/giờ. Minh lao vào làm việc. Chủ hãng luôn nêu tên Minh như một điển hình về lao động giỏi.
Cuối năm 2002, trong một giờ nghỉ trưa, trong xưởng không có ai, thấy có 2 lon sơn đỏ và vàng, Minh nắn nót vẽ lá cờ Việt Nam cỡ bằng gói thuốc lá bên cạnh máy tiện. Đầu giờ làm việc buổi chiều, lá cờ Việt Nam do Minh vẽ bị phát hiện. Vài công nhân bản xứ xúm vào chỉ trỏ, còn mấy công nhân Việt thì nhìn Minh lo lắng. Chủ hãng nghe xì xào bước xuống xem. Xem xong, ông không nói không rằng chỉ xoa đầu Minh rồi yêu cầu mọi người về vị trí làm việc.
Quê hương là… sắn, ngô nướng và con bò
Về đến Tân Nghĩa, Minh nằm lăn ra đất hít lấy hít để mùi thơm nồng của rơm rạ, mùi ngai ngái của đất và ngắm thỏa thích những bông hoa bằng lăng vòi vọi tím. Hết hạn visa, đến lúc quay trở lại Mỹ, nhưng Minh không chuẩn bị hành lý. Gia đình mẹ muôi gọi điện thoại hỏi, Minh mới thổ lộ ý muốn ở lại Việt Nam. Động viên Minh quay lại Mỹ mãi không xong, mấy người bà con hù Minh sẽ bị bắt bỏ tù.
Minh khẳng định như đinh đóng cột: “Có bị bắt bỏ tù cũng quyết ở lại Việt Nam”.
Bộ phận xuất nhập cảnh của Công an tỉnh Bình Thuận đến tìm hiểu. Minh bày tỏ nguyện vọng xin hồi hương. Phía công an có văn bản yêu cầu cảnh sát liên bang Mỹ xác minh nhân thân, lý lịch tư pháp của Minh vì không ít Việt kiều trốn về do ph.ạm tộ.i bên đó.
Vài tháng sau, phía Mỹ thông báo Huỳnh Tấn Minh là một công dân tốt, lương thiện. Nguyện vọng hồi hương của Minh được đáp ứng và đầu năm 2006, Công an tỉnh Bình Thuận đã có giấy giới thiệu cho Minh đăng ký hộ khẩu thường trú tại Tân Nghĩa.
Trong khi chờ thủ tục hồi hương, Minh mua hơn 30 con bò lai và gần chục ha đất để trồng rừng. Hỏi chuyện làm ăn, Minh thích thú kể về đàn bò và tương lai của những ha rừng mới 2 năm tuổi. Nhiều người dân ở Tân Nghĩa cho biết 2 năm trước Minh còn thơm phức trong bộ veston sang trọng, còn bây giờ anh đã là một anh nông dân đen nhẻm chính hiệu.
“Sướng nhất là mỗi ngày được tự tay cắt cỏ cho bò để nghe chúng ăn rào rào và thấy chúng lớn lên”, Minh say sưa kể. Không ít người độc miệng cho rằng Minh bị “thần kinh” vì nhiều người tốn kém bạc triệu vẫn không qua Mỹ định cư được. Khi có người hỏi về điều này, Minh trả lời ngay: “Đơn giản vì tôi là người Việt”!
Nguồn: Pháp Luật TP HCM