Thư từ nước Nga mùa Covid-19: Giữ mạng sống là trên hết

Thế là lại thêm một người Việt Nam ra đi ở Nga, thêm một người Việt buộc phải chấm dứt vĩnh viễn con đường học tập, lập nghiệp ở nước ngoài theo cách không ai mong muốn. Bạn của cháu rốt cục cũng sẽ được trở về với Tổ quốc, trở về với gia đình trên một chuyến bay, nhưng đau đớn thay, lại trong một hình hài khác...

132 1 Thu Tu Nuoc Nga Mua Covid 19 Giu Mang Song La Tren Het

Ảnh minh họa - Getty Images

132 2 Thu Tu Nuoc Nga Mua Covid 19 Giu Mang Song La Tren Het

Con gái của bạn tôi từ Việt Nam nhắn tin sang thông báo, bạn của cháu vừa mất ở Moskva vì dương tính với Coronavirus.

Cộng đồng người Việt ở Nga đang oằn mình trong một cuộc chiến không cân sức. Cuộc chiến này khốc liệt và cay đắng hơn những lần vỡ chợ, vỡ ốp, những lần "giật xanh"... trước đây rất nhiều bởi cái bị lấy đi, bị cướp mất không đơn thuần là tiền bạc, gia sản, mà chính là tính mạng con người.

Một bộ phận người lao động Việt đối mặt với đại dịch trong tình cảnh không có nhà ở, không có tiền để trang trải cuộc sống và còn tủi phận hơn, là không có người thân bên cạnh, không được ở trong vòng tay quê hương, Tổ quốc để cảm giác an lòng. Chính những thời khắc bất an thế này, nỗi buồn xa xứ mới càng thê lương thấm thía...

Tuy nhiên, cứ ngồi than thân trách phận, ai oán buồn rầu thì cũng không thể đuổi được virus. Giờ có so bì tị nạnh với các quốc gia, đưa máy bay tới Việt Nam để đón công dân họ trở về, cũng không làm thay đổi được tình thế.

"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", người Việt ở Nga đang trong tình thế không còn đường lùi, phải chấp nhận thực tại đen tối và chỉ còn cách sát cánh bên nhau, đùm bọc nhau để vượt qua khúc quanh của số phận.

Ở lại hay trở về là lựa chọn cá nhân, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và nhận thức của mỗi người. Nhưng trở thành người "được lựa chọn" lên máy bay trở về lại không chỉ phụ thuộc vào cá nhân ấy mà còn do nhiều trở ngại khách quan, những rào cản kĩ thuật không phải ai cũng vượt qua được.

Hầu hết bà con nghèo, bệnh tật... đều muốn trở về Tổ quốc lúc này. Éo le thay, dù có chật vật lo được tiền mua vé máy bay nhưng để được "duyệt" trở về lại là điều không thể với đại đa số đồng bào, nhất là những người nghèo khó, bệnh tật.

Vậy chẳng còn cách nào khác là chúng ta hãy tiếp tục chở che cho nhau, quan tâm đến nhau hơn, để thực sự "không một ai bị bỏ lại phía sau", không một ai phải chịu đói vì không có ăn, chịu rét vì không có chỗ ở...

Người Việt ở Nga đã đi qua nhiều mùa giông bão, nhiều đoạn trường tưởng không còn gì để mất. Rất nhiều kí ức đau thương vẫn chưa phai mờ.

Trong lúc nước sôi lửa bỏng này, nhiều xưởng may đã tổ chức may khẩu trang tặng cho người Nga, nhiều hội nhóm người Việt đã tự phát nấu ăn tặng cho đội ngũ nhân viên y tế. Người Việt ở Nga cũng lan toả tinh thần ấy, tương trợ, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau khi khó khăn nhất.

"Tự cứu mình trước khi trời cứu" là đòi hỏi quan trọng nhất lúc này, chỉ có nương tựa vào nhau, duy trì tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều", tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo phòng chống dịch... cùng nắm tay nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Những ai ở nước Nga lâu năm đều thấm thía, cộng đồng người Việt ở Nga đã bước qua những trang sử đẫm nước mắt, thậm chí cả máu nhưng chúng ta đã kiên cường vượt lên.

Bằng sự chăm chỉ, cần cù, bằng trí thông minh, quật khởi, bằng cả khát vọng thoát nghèo làm giàu, bằng niềm tin "quốc cường, dân phú" - dân có giàu thì nước mới mạnh..., đã xây dựng và liên kết thành một cộng đồng lớn ở Nga...

Và giờ cộng đồng của chúng ta, sẽ lại tựa vai nhau giữ an toàn tính mạng trong đại dịch, cùng nhau vượt qua tình thế hiểm nguy này, để tiếp tục công cuộc mưu sinh ở xứ người...

Nguồn: Thời báo NGA

 

Bài liên quan