Thay vì chấp nhận trả trăm triệu để hồi hương, người Việt ở nước ngoài tìm cách về nước qua Campuchia. Tuy khổ nhưng rẻ hơn. Trong khi đó, nhà chức trách đang vẫn rập rình câu chuyện mở bay thương mại.
Hành trình về quê mẹ...
Ngày 29/11, tôi mua vé hãng Korean Air từ Los Angeles (Hoa Kỳ) về Phnôm Pênh (Campuchia) với giá 1.140 USD.
Sáng 4/12, tôi lên máy bay từ phi trường, chuyến bay hầu như không còn chỗ trống. Máy bay lớn nhưng ước tính có tới 35-40% là người Việt Nam vì thấy nói tiếng quê hương ríu rít. Họ đều về Phnôm Pênh cả.
Chuyến bay hạ cánh tại sân bay tầm 22h50 tối. Sau khi lấy hành lý, mọi người xếp hàng lấy mẫu test nhanh Covid-19 mất 25-30 phút. Khi có kết quả test sẽ đọc tên và được ra ngoài.
0h20 sáng, tôi được test xong. Nhìn chung, người Campuchia nhiệt tình và hào hứng với khách du lịch hay người nhập cảnh. Bàn nhập cảnh ghi rõ “nothing to pay here” (không phải trả bất cứ chi phí gì) và cũng không ai hỏi về bảo hiểm hay tiền ký quỹ gì.
Ra khỏi cửa sân bay, rất nhiều taxi xếp hàng chờ khách. Tôi trả 15 USD cho cuốc taxi của mình. Người Campuchia thích USD nên chịu khó mang theo nhiều đồng đô la Mỹ lẻ để thuận tiện thanh toán, chắc Euro cũng đc chấp nhận.
Tôi book (đặt) trước một resort sân vườn 5 sao nằm trong thủ đô, giá một đêm đã bao gồm ăn sáng là 45 USD. 10h sáng, tài xế người Việt Nam chở tôi ra cửa khẩu và tính phí mỗi chuyến 80-90 USD. 14h chiều, xe tới cửa khẩu.
Khi tới cửa khẩu bên Campuchia, tôi thuê xe tuktuk hết 1.000 Riel Campuchia tức khoảng 55.000 đồng và tip thêm 2 USD. Tôi đưa thêm 10 USD cho nhân viên cửa khẩu nước bạn. Họ đóng dấu và cho đi. Do tôi về bằng hộ chiếu, khai y tế đầy đủ nên được cho vào rất nhanh, nhiều người bị khó khăn trong khai báo y tế và về qua đường Thái Lan, Campuchia không đi bằng hộ chiếu nên phải xếp hàng đóng phạt rất đông.
Sau khi vào làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam, nhân viên cửa khẩu thu và cầm hộ chiếu và nhân viên ý tế lấy mẫu test nhanh. Hộ chiếu được giữ và đưa cho khách sạn cầm tới khi nào cách ly xong mới được trả lại.
Tưởng phải chờ đi xe buýt lớn của địa phương nên tôi không đặt xe trước của khách sạn, vì vậy, phải gọi xe riêng và mất tới 150 USD cho xe 4 chỗ chở mình tôi về khách sạn cách ly. Một mình ở, khách sạn tính 1,2 triệu đồng/ngày. Tới ngày thứ 7 sẽ lấy mẫu test PCR.
Tính ra, tổng chi phí về nước hết khoảng 1.800 -1.900 USD (khoảng 44 triệu đồng). Mà lỡ không may tới ngày test Covid có trục trặc gì là sẽ mất luôn tiền không được trả lại một đồng nào.
Đoàn người Việt về nước "nhờ" đường Campuchia ngày 3/12
Sao quá gian truân ?
Trên đây là toàn bộ hành trình hồi hương của một công dân Việt Nam có nhà tại TP.HCM. Chị vẫn đang ở một khách sạn cách ly tại Tây Ninh. Diễn đàn nơi chị trao đổi thông tin hiện đã có gần 10.000 thành viên tham gia. Họ ở khắp các quốc gia trên thế giới như Úc, Hoa Kỳ, Canada, Đức,... cùng chia sẻ nhau những kinh nghiệm tự về nước qua đường Campuchia. Diễn đàn thống nhất nội quy nói không với quảng cáo và nói không với những chuyến bay charter. Họ cùng giúp nhau tìm đường về quê mẹ và đã có rất nhiều người Việt trở về theo cách này.
Không may mắn như nhiều thành viên của diễn đàn, trước đó, bạn của TS. Lương Hoài Nam từ Hoa Kỳ về Việt Nam phải trả số tiền lên tới 150 triệu, 240 triệu đồng. So sánh với mức giá các chuyến bay giải cứu của Vietnam Airline giai đoạn tháng 3-4/2020, có chi phí 1.200 USD từ Hoa Kỳ và 1.600 USD từ Canada thì số tiền để công dân Việt hồi hương đã tăng lên 3-4-5-6 lần.
Đó là giá gói “combo về nước” mà khách hàng trả cho đại lý. Câu hỏi được đặt ra, với sự chênh lệch lớn như vậy thì tiền sẽ chảy vào túi ai Túi của các hãng hàng không hay túi của các cơ sở lưu trú? Các đại lý sẽ hưởng lợi bao nhiêu từ hành trình hồi hương của đồng bào ta.
“Chúng ta thừa hiểu câu chuyện ở đây là gì. Không thể vì lợi ích của một số đường dây chặt chém như vậy”, ông Nam nói.
Sở dĩ có hành trình “khổ sở” tìm đường về quê mẹ là do Việt Nam thiếu đường bay thương mại quốc tế thường lệ. Trái ngược với đó, nhiều nước trong khu vực đã sớm mở lại các đường bay này.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, TGĐ Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist chỉ ra, nhiều Việt kiều muốn về nước nhưng khi về phải đi đường vòng rồi đi đường bộ qua cửa khẩu, rất khó khăn. Trong khi, chuyến bay hồi hương thì chắc được 20 chuyến/tháng. Lợi nhuận từ các chuyến bay này chỉ đem về cho một nhóm nhỏ còn mở sớm đường bay quốc tế, nền kinh tế Việt Nam sẽ hưởng nhiều lợi ích.
Trạm xe buýt gần Cửa khẩu Quốc tế Bavet (Campuchia), bên kia là Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Người Việt có thể đi buýt từ Phnôm Pênh đến đây, mức giá khoảng 6 USD.
TS. Trần Du Lịch khẳng định, nếu ngành hàng không cứ bay charter kiểu này thì đừng bàn chuyện mở cửa. Bởi, ai cũng biết mức giá charter đắt đỏ ra sao.
Chủ tịch Vietravel - ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị, đã đến lúc Chính phủ mở lại càng sớm càng tốt giao thông vận tải, đặc biệt là các tuyến bay quốc tế. Campuchia hiện đang làm rất tốt việc mở cửa, chúng ta nên học. Đã đến lúc kết thúc số phận lịch sử, vai trò lịch sử của các chuyến bay giải cứu bằng việc mở đường bay thương mại quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Võ Huy Cường thông tin, việc mở cửa đường bay vướng vấn đề về phòng, chống dịch. Đó là quy định cách ly hay không cách ly đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, F0 khỏi bệnh hoặc người chưa đủ tuổi tiêm vắc xin nhưng có xét nghiệm âm tính. Ứng xử với họ ra sao? Nếu cách ly thì trong thời gian bao lâu?
Nếu cách ly thì nhà chức trách phải đàm phán với các nước đối tác để điều chỉnh tần suất bay vì liên quan đến năng lực cách ly, cơ sở vật chất y tế ở địa phương. Còn nếu không quy định cách ly mà chỉ có yêu cầu xét nghiệm thì không cần đàm phán.
“Giữa Hà Nội và TP.HCM, tình hình dịch nội địa còn căng, mỗi ngày có chục chuyến bay áp dụng cho hành khách có Thẻ xanh Covid, không phải xin xỏ, không phải cách ly. Trong khi, công dân từ nước ngoài cũng có thẻ xanh, có xét nghiệm âm tính tại sao phải xin phê duyệt để được bay về?. Tôi không thấy có logic nào ở đây cả”, TS Nam nêu nghịch lý.
Theo Vietnamnet