Từ ngày 1/1/2022, các hãng hàng không Việt Nam bắt đầu bay quốc tế thường lệ nhưng vé máy bay vẫn gấp 2-3 lần trước dịch.
Theo đó, Vietnam Airlines thông báo mở bán thêm nhiều đường bay thường lệ giữa Việt Nam đến Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Lào và Đài Loan.
Vietnam Airlines sẽ khai thác thường lệ trở lại các đường bay: Hà Nội - Seoul (Hàn Quốc) từ ngày 6-1 với tần suất 2 chuyến/tuần; Hà Nội, TP HCM - Singapore từ ngày 12/1 với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay; TP HCM - Bangkok (Thái Lan) từ ngày 8/1 với tần suất 2 chuyến/tuần; Hà Nội - Vientiane (Lào) từ ngày 9/1 với tần suất 2 chuyến/tuần; Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan) từ ngày 11/1 với tần suất 1 chuyến/tuần.
Trước đó, hãng hàng không quốc gia cũng chính thức mở bán các đường bay thường lệ tới Hoa Kỳ, Nhật Bản, Campuchia. Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam chia sẻ các chuyến bay này còn đắt đỏ, không có nhiều lựa chọn.
Chi phí còn 'cắt cổ'
Theo so sánh, giá vé chiều bay từ Việt Nam đi các nước khác được cho là hợp lý, tương đương với hồi trước dịch.
Tuy nhiên, vé chiều ngược lại để về Việt Nam như từ Bangkok (Thái Lan) về TP HCM trên trang web của Vietnam Airlines được phản ánh là cao gấp 2-3 lần giá trước dịch. Còn chiều bay từ Đài Loan về Hà Nội trên của Vietjet cũng cao gấp 2-3 lần thông thường.
Một du học sinh tại Đài Loan cho biết, trước dịch, giá vé bay Vietnam Airlines từ Đài Bắc về Sài Gòn chỉ ở mức 2 triệu rưỡi nhưng hiện vé về ngày 8/1 bằng Vietjet là 4 triệu nhưng là về Hà Nội chứ không phải TP HCM.
"Tôi rất muốn về Việt Nam ăn tết nhưng nghĩ giá vé cao, chưa kể khi quay lại Đài Loan phải cách ly 14 ngày. Chi phí cách ly ở Đài rất đắt đỏ, lên tới 26 triệu đồng. Vì vậy, tôi chấp nhận ở lại đây và chờ cho đến khi các chuyến bay thực sự hồi phục trở lại."
Giá vé từ Bangkok về TP HCM trên trang web của hãng hàng không Vietnam Airlines
Tương tự, Ngọc Minh, người đang làm việc ở Bangkok, Thái Lan thì nói với BBC News Tiếng Việt rằng, giá vé cho chặng Bangkok - TP HCM vào tháng 1 này là khoảng 5 triệu rưỡi, cao gấp 2,5 lần trước dịch.
"Tôi coi vé từ Sài Gòn đi Bangkok thì chỉ khoảng hơn 2,2 triệu nhưng vé về thì gấp 2,5 lần, trong khi nhu cầu của bà con về Việt Nam trong thời điểm này là rất cao, còn nhu cầu bay khỏi nước thì thấp. Như vậy, rõ ràng là các hãng bay chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân trở về nước mà biết người ta quan tâm chiều về nhiều hơn nên lấy giá mắc gấp 2-3 lần", Ngọc Minh nhận định.
Thêm vào đó, Ngọc Minh cho biết, Thái Lan đang tạm dừng chương trình Test and Go - chương trình không yêu cầu cách ly khi nhập cảnh vào Thái Lan. Cô nói: "Như vậy, có khả năng khi quay lại Thái Lan, tôi vẫn phải chịu cách ly trong khách sạn 7-10 ngày. Chi phí này khá cao, tổng cộng gần 30 triệu, tính luôn hai lần xét nghiệm PCR."
Chưa kể, quê của Ngọc Minh phải bay thêm một chuyến nữa chứ không phải ở Sài Gòn nên đường về theo cô vẫn còn "lắm gian truân nên đành đón Tết xa quê thêm một năm nữa."
Chụp lại hình ảnh, Ảnh minhh họa một chuyến bay thương mại "trọn gói" từ Anh về Việt Nam.
'Không muốn bị trục lợi'
Với chi phí còn đắt đỏ cho chặng bay thẳng, nhiều người muốn về Việt Nam vẫn lựa chọn về qua ngả Campuchia. Theo đó, họ mua vé từ đất nước sở tại và bay thẳng đến sân bay Phnom Penh rồi bắt xe từ đây về cửa khẩu Mộc Bài. Chặng đường này mất khoảng 3 tiếng rưỡi đồng hồ.
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, An Nhân, người về Việt Nam qua ngả Campuchia nói rằng, quan trọng là giấy xét nghiệm PCR rất quan trọng vì đây là giấy mà cả Campuchia lẫn Việt Nam đều yêu cầu và phải có hiệu lực trong vòng 72 tiếng.
Theo đó, An Nhân cho biết để di chuyển từ sân bay tới cửa khẩu, thuê xe riêng tầm 90-100 đôla: "Nhưng nếu bạn muốn tiết kiệm thì có thể đi xe buýt, chỉ tốn 7 đôla mà xe chỉ có 5 người thôi, loại xe nhỏ nên không cần quá lo lắng về vấn đề lây nhiễm, miễn mình tuân thủ kĩ càng dịch tễ là ổn cả."
"Tới cửa khẩu Mộc Bài sẽ có một trạm gác nhỏ để bạn nộp giấy đã chứng nhận tiêm đủ liều vaccine và giấy xét nghiệm PCR. Sau đó, nhân viên sẽ cho bạn một tờ cam kết tuân thủ tự cách ly trong 3 ngày, có thể là tại nhà, tại khu cách ly hoặc khách sạn tùy chọn nhưng phải ghi rõ địa chỉ cụ thể. Tiếp theo, bạn cần khai báo y tế, cái này đơn giản, chỉ cần tải app về thôi, khai xong sẽ có mã QR để kiểm soát, chỉ cần chụp lại rồi trình ra khi được hỏi.
Người nhà hay taxi mà đón bạn về để tự cách ly cũng phải vào khai thông tin và cam kết về mặt dịch tễ trong suốt hành trình, tức không dừng lại đâu chẳng hạn. Nhưng phần này cũng đơn giản, nếu đi taxi thì tốn khoảng 1 triệu đồng về tới Sài Gòn." An Nhân chia sẻ.
Hỏi lý do vì sao vẫn chọn đi qua ngả Campuchia dù Việt Nam đã mở đường bay quốc tế trở lại thì An Nhân cho biết, vé về vẫn rất cao dù mang tiếng là bay thương mại. An Nhân nói: "Tôi không muốn tiếp tay cho những hãng hàng không trục lợi nên tôi vẫn chọn đi đường này, và đương nhiên một phần là vì giá cả, đi qua ngả Campuchia thì nhiều người đi trước rồi, an toàn và lại rẻ hơn nhiều. Người dân đi làm ở nước ngoài nhớ nhà lắm mới bỏ tiền ra để về mà còn bị chặt chém thì điều đó tôi không ủng hộ nên tôi đi cách này."
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch thì lại kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ cách ly với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine và xét nghiệm PCR âm tính.
Theo ông Nam, quy định cách ly 3 ngày với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine "vẫn còn bất cập". Ông nêu ý kiến, nếu người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine, xét nghiệm PCR âm tính trước khi bay, chỉ cần yêu cầu họ xét nghiệm nhanh tại cảng hàng không; người có kết quả âm tính sẽ không phải cách ly tập trung hoặc tại nhà.
"Các biện pháp về cách ly với người đã tiêm đủ liều vaccine cũng cần thống nhất giữa việc đi lại trong nước và người nước ngoài nhập cảnh. Chủ trương này không chỉ tạo thuận lợi để Việt Nam mở cửa với quốc tế mà còn tạo điều kiện cho hàng triệu kiều bào, công dân Việt Nam về nước", TS Lương Hoài Nam trả lời VnExpress ngày 16/12.
Nguồn: BBC Tiếng Việt