Nỗ lực học tập và kiên trì theo đuổi đam mê, cuối cùng cô gái nhỏ nhắn đã bước đầu chạm tay đến ước mơ, khiến bao người nể phục và học tập.
Là con gái lại có ngoại hình khá nhỏ nhắn nhưng thành công của Đỗ Thanh Lam (1997, quê Bà Rịa – Vũng Tàu) lại khiến bao người “to cao” khác phải “ngước nhìn”. Hành trình chạm tay đến thành công bước đầu này đầy bão giông nhưng rất đáng nhớ, từng bước một giúp cô gái hoàn thiện bản thân.
Từ nhỏ đã yêu thích môn Tin học, cuối cấp 2, Lam quyết định thi vào lớp chuyên Tin của Trường THPT Lê Quý Đôn ở quê nhà mặc cho bố mẹ và thầy cô phản đối. Họ khuyên Lam nên chọn một ngành khác nhẹ nhàng, vừa tầm hơn chứ con gái mà học Công nghệ thông tin thì rất cực, khó có tương lai, khó có hạnh phúc gia đình trọn vẹn.
Để chứng minh “con gái cũng có thể làm được nhiều thứ, thậm chí giỏi hơn con trai”, Lam ra sức học tập, khẳng định mình. Cuối lớp 10, Lam là nữ sinh duy nhất được dự kỳ thi Tin học trẻ toàn quốc. Tiếp đến, Lam trúng tuyển vào lớp Cử nhân tài năng của khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM.
Trùng hợp thay, năm đó trường đại học của Lam có 6 anh sinh viên khóa trên được Google nhận thực tập. Điều đó truyền cảm hứng và thôi thúc cô gái trẻ suy nghĩ “người ta làm được thì mình cũng có thể làm được”. Sang năm hai, Lam dạy kèm thuật toán cho một số du học sinh và được họ động viên nên mạnh dạn ứng tuyển vào Google.
Lần 1 bị loại ngay sau 1 phút nộp hồ sơ. Lần 2 (vào năm 3 ĐH) thì ứng tuyển đồng thời ở Google, Amazon lẫn thực tập sinh cho Facebook. Ở Google, cô nữ sinh vượt qua vòng hồ sơ nhưng rớt vòng phỏng vấn. Còn ở Facebook, cô vượt qua phỏng vấn nhưng rớt ở vòng trong với lý do yếu về ngoại ngữ. Năm tư ĐH, Lam kiên trì ứng tuyển và được Facebook đồng ý cho thực tập 3 tháng ở Anh, sau đó đề nghị cô ở lại làm việc. Google thì đề xuất việc làm cho cô tại Đức.
Nói về hành trình nếm trải thất bại trước khi chạm đến thành công, Lam rút ra những chân lý vô cùng quý giá dành cho bản thân và những người trẻ:
– Nếu không thử thì sẽ chẳng bao giờ có cơ hội.
– Nếu bạn bị từ chối thì bạn buộc phải nỗ lực nhiều hơn, từ từ cũng sẽ tìm ra cơ hội cho chính mình.
– Nếu bạn may mắn ở một nước thuộc hàng phát triển như Anh, Mỹ, bạn cũng phải cố gắng thật nhiều để có cơ hội được nhận vào làm ở các công ty hàng đầu thế giới; thì sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, bạn phải cố gắng hơn gấp nhiều lần để đạt được điều đó.
– Những kiến thức học được tại trường đại học ở Việt tuy nặng về lý thuyết nhưng sẽ giúp chúng ta hiểu biết rất sâu, trang bị một nền tảng chắc chắn. Chỉ mặt kỹ năng là không bằng các sinh viên châu Âu nên phải cố gắng trau dồi hơn (thuyết trình, hỏi đáp, tư duy, xử lý tình huống…).
Trước Đỗ Thanh Lam, Việt Nam chúng ta cũng vinh hạnh có những gương mặt nữ sinh xuất sắc vượt mặt trăm nghìn ứng viên nặng ký để giành suất thực tập ở Google như: Tào Ngọc Thúy (sinh sống và học tập ở CH Séc), Scarlet Nguyen (sinh sống và học tập ở Canada) …
Vậy mới thấy, trên hành trình chinh phục tri thức và khẳng định bản thân, nữ giới luôn có cơ hội ngang ngửa với nam giới và khả năng của họ thực sự không hề kém cạnh, có những trường hợp còn xuất sắc vượt trội.
Môi trường học tập đúng là ảnh hưởng đến mỗi cá nhân nhưng điều quan trọng nhất vẫn là ý chí kiên trì theo đuổi đam mê. Bản thân biết rõ đâu là điểm mạnh điểm yếu để tiếp tục khắc phục, trau dồi mới là quan trọng.