Nhiều người Việt đang sinh sống ở các nước phương Tây chia sẻ họ đã và đang tiết kiệm chi tiêu mấy tháng qua. Khoản tiền có thể tiết kiệm hằng tháng của họ đang giảm, thậm chí không còn dư do bão giá.
Giá cả tăng nhưng hàng hóa không thiếu. Trong ảnh là chợ Carrefour ở Trung tâm thương mại Jaux, xã Jaux, tỉnh Oise trong vùng Hauts-de-France ở Pháp - Ảnh: T.D
Xác định lạm phát sẽ lâu dài, một số gia đình đã điều chỉnh chi tiêu như hạn chế đi du lịch, đi lại, mua sắm theo danh sách những hàng hóa cần thiết và tăng cường ăn cơm nhà.
Lạm phát tăng
Hà Lan là một trong các quốc gia châu Âu có mức lạm phát cao nhất hiện nay là 10,2% vào tháng 5-2022.
Trịnh Tuyết Linh, sống ở thành phố Helmond, cách thủ đô Amsterdam của Hà Lan khoảng 122km, cho biết giá khí đốt và xăng tăng nên chi phí này ẩn trong mọi chi phí sinh hoạt khác. Trước đây ở Hà Lan xăng 1,6 euro/lít, giờ 2,4 euro/lít. 1kg thịt băm hồi tháng 8-2021 là 5,5 euro, bây giờ 8,5 euro, tăng hơn 50%.
Vợ chồng Linh dự định mùa đông tới gia đình sẽ bớt dùng khí đốt để sưởi ấm mà chuyển sang dùng củi. Ngay từ bây giờ họ đã chuẩn bị mua củi để dự trữ cho mùa đông. Do lạm phát, ý định sửa nhà tắm đã hoãn lại vô thời hạn vì giá cả dịch vụ xây dựng hiện tăng rất cao.
Theo Linh, gia đình có hai người đi làm sẽ ổn hơn. Linh chuyên tổ chức tour du lịch cho người Việt Nam ở châu Âu. Trước dịch, với thu nhập của chị, hai vợ chồng có dư tầm 1.000 euro/tháng. Một năm dư khoảng 12.000 - 15.000 euro, đủ tiền để cả nhà về Việt Nam, thậm chí cả gia đình có thể đi một chuyến du lịch trong châu Âu hoặc mua sắm một món hàng lớn.
Tuy nhiên từ khi xuất hiện dịch COVID-19 và nổ ra chiến tranh Nga - Ukraine, Linh không nhận được tour nào. Chị kể gần đây chồng đã ra "tối hậu thư" là chị cũng phải đi làm vì chồng chị lo lắng thu nhập hiện tại (khoảng 3.000 euro sau thuế) của mình không đủ chi phí gia đình. Tuy nhiên Linh đang chần chừ vì con còn nhỏ.
Theo Đài DW, lạm phát ở Đức trong tháng 5-2022 là 7,9%. Chị Hương Lê, sống tại Berlin, cho biết hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều tăng giá. Tăng cao nhất là xăng dầu 30-40%, điện, khí đốt 20%. Mặt hàng phục vụ tiêu dùng gia đình như sữa, trứng, thịt, bột mì... tăng tầm 20-30% tùy loại.
Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi nước Đức thống nhất. Trong tháng 3-2022 chuỗi cung ứng dầu ăn từ hạt hướng dương và hạt cải bị khan hiếm, giá tăng gấp 2 lần, từ 1,99 euro/lít lên 3,99 euro/lít. Hàng dịch vụ ăn uống đã tăng 20-40%.
Chị Hương cho biết nhìn chung chi phí sinh hoạt cơ bản ở Đức khá rẻ (trừ chi phí thuê nhà). Gia đình có một nguồn thu nhập sẽ khó khăn hơn chút nhưng thường sẽ nhận được 65-67% tiền trợ cấp thất nghiệp của chính phủ.
Bên cạnh đó nhà chị Hương có hai em bé và được nhận thêm mỗi bé 200 euro từ đợt đầu dịch COVID-19 đến nay. Ngoài ra các bé được nhận tiền Kindergeld từ lúc sinh ra đến năm 18 tuổi, mỗi tháng 219 euro, trả vào tài khoản của bố/mẹ.
Hương cho biết gia đình chị tiết kiệm tầm 10% chi tiêu không cần thiết, chủ yếu là khoản du lịch hoặc ăn uống bên ngoài. Do đó nhà chị Hương Lê không quá bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Hạn chế du lịch, đi lại
Chị Tạ Mỹ Ngân, sống tại bang Oregon (Mỹ), tâm sự rằng từ khoảng hai tháng nay gia đình chị bắt đầu kiểm soát chặt chi tiêu và đi chợ theo danh sách các món cần thiết đã soạn sẵn từ nhà. "Việc hạn chế mua đồ ngẫu hứng là để tránh lãng phí tiền. Chúng tôi cũng lên sẵn ý tưởng sẽ nấu món gì cho cả tuần để mua cho chính xác và không ăn ở ngoài nữa" - chị Ngân quả quyết.
Chị Ngân cho biết mặc dù không để ý mức tăng giá của từng món, nhưng nhìn chung hàng thực phẩm đã tăng giá rất nhiều. Khoảng 2-3 tháng nay gia đình chị phải chuyển sang mua ở một siêu thị khác, bán giá sỉ cho người mua lẻ như một cách tiêu dùng thông minh hơn và tiết kiệm tiền.
Do ảnh hưởng của lạm phát, chị Ngân nói nhiều gia đình, trong đó có nhà chị, đã hoãn lại các chuyến đi xa hoặc đi chơi. "Khi xăng còn rẻ, chúng tôi có một người bạn vẫn thường lái xe vào thành phố thăm vợ chồng tôi, nhưng hai tháng nay bạn chưa đến thăm" - chị Ngân chia sẻ.
Trong khi đó lạm phát ở Pháp đạt mức kỷ lục mới là 5,8% trong tháng 5-2022. Vợ chồng anh D. và chị T., ở thị trấn Compiegne, cách thủ đô Paris gần 90km, cũng xác nhận thứ họ hạn chế nhiều nhất chính là việc đi lại. "Trước đây cứ hai tuần là gia đình mình đi chợ châu Á ở Paris một lần nhưng giờ một tháng mới đi một lần vì mỗi lần đi về hết 150km, đổ xăng nhiều cũng xót" - anh D. nói.
Họ cũng bớt các chuyến đi thăm bạn bè ở xa. Anh D. cho biết do ưu tiên chi các khoản cần thiết, người dân Pháp bớt chi tiêu cho dịch vụ, bớt ăn nhà hàng. Hàng xóm anh D. mở một tiệm spa, trước đây rất đông khách nhưng giờ lâu lâu mới có một khách hàng.
Anh D. cho biết với tiền lương tối thiểu là 1.300 euro/tháng, nhìn chung người có đi làm ở Pháp vẫn sống được. Chị T. cho biết chị làm thiện nguyện 1-2 tuần/lần ở Resto du coeur - một tổ chức thiện nguyện cung cấp nhu yếu phẩm cho người không có thu nhập hoặc thu nhập thấp.
Chị phát hiện rằng trong dịch COVID-19, người đăng ký nhận hỗ trợ đã tăng gấp 2, 3 lần. Từ lúc xảy ra chiến sự ở Ukraine, số người đăng ký nhận càng tăng nhiều hơn.
Đức hỗ trợ giá vé phương tiện công cộng
Chính phủ Đức có nhiều gói hỗ trợ cho từng đối tượng như trẻ em, người thất nghiệp, gia đình có con nhỏ… không phân biệt người có quốc tịch hay không.
Gần đây nhất là gói hỗ trợ giá vé tàu/xe buýt. Trước đây, vé di chuyển trong thành phố trong bán kính 10-20km tùy khu vực và thành phố là từ 50-120 euro/tháng, nay chỉ còn 9 euro/tháng/người cho tất cả phương tiện tàu chậm trên cả nước.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online