Từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Đức, Mỹ hay Mozambique xa xôi, hàng triệu người Việt đang hồi hộp mong chờ U23 Việt Nam nâng cao cúp vô địch.
Trận chung kết giữa U23 Việt Nam và Uzbekistan diễn ra vào chiều nay đang là chủ đề nóng nhất trên các diễn đàn và mạng xã hội của người Việt khắp thế giới. Lần lượt vượt qua các đối thủ được đánh giá trên cơ là Iraq và Qatar, Việt Nam làm nức lòng người hâm mộ khi trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên lọt vào chung kết giải châu lục.
Bất chấp khoảng cách xa xôi về địa lý, sự chênh lệch về múi giờ, đường truyền Internet chập chờn hay công việc bận rộn, cộng đồng người Việt khắp các nước vẫn có những cách riêng để tiếp lửa cho U23.
Các nhân viên của tập đoàn FPT ở Nhật Bản năm nay quyết định kết hợp lễ tổng kết với việc tổ chức xem trực tiếp trận chung kết của U23 Việt Nam tại 4 địa điểm, gồm Tokyo, Osaka, Hiroshima và Fukuoka. Khoảng 400 nhân viên, gồm cả người Nhật và Philippines, từ các khu vực lân cận và tại Tokyo sẽ tụ họp tại một hội trường lớn để cùng cổ vũ cho đội nhà. Phó tổng giám đốc FPT tại Nhật Bản thậm chí đích thân mang cờ, băng rôn, đồ cổ vũ từ Việt Nam sang cho anh em.
Đáp ứng nguyện vọng của các bạn trẻ, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) cũng quyết định tổ chức trình chiếu trực tiếp trận chung kết ngay tại sự kiện đón Tết Mậu Tuất sớm của hội với sự tham gia của khoảng 150 người.
“Tuy không có mặt ở Việt Nam nhưng chúng mình vẫn dõi theo các trận đấu và bước chân của tuyển thủ U23”, Bùi Thúy Vi, đại diện VYSA tại thành phố Osaka chia sẻ. “Thật xúc động khi tất cả người Việt Nam trên toàn thế giới đoàn kết và cùng hướng về đội tuyển. Trận đấu sắp tới, chúng mình muốn cùng nhau trải qua những cung bậc cảm xúc ngọt ngào như thế”.
Cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc cũng đang háo hức hơn bao giờ hết để được đồng hành cùng các cầu thủ U23. Anh Vũ Đức Lượng, sống ở thành phố Daejeon, cho hay những ngày qua, báo chí Hàn Quốc đưa tin khá nhiều về kỳ tích của U23 Việt Nam và huấn luyện viên Park Hang Seo.
“Tuy Hàn Quốc không lọt vào chung kết nhưng họ rất ấn tượng với tinh thần cổ vũ bóng đá của người Việt và vẫn tự hào vì thành công của đội tuyển có sự đóng góp lớn từ huấn luyện viên là người nước này”, anh Lượng kể.
Chính quyền thành phố Ansan, phía tây nam Seoul, nơi có đông người Việt nhất, đã đồng ý cho thuê miễn phí một nhà thi đấu có sức chứa tới 600 – 700 người để các cổ động viên Việt Nam theo dõi trận đấu của U23 từ xa.
“Ban tổ chức sẽ chuẩn bị một màn hình LED 200 inch cùng dàn âm thanh sống động, băng rôn, khẩu hiệu để hòa cùng không khí hết mình vì đội tuyển nước nhà. Ngoài ra, chúng tôi còn sắp xếp các quầy hàng ẩm thực và đồ uống để phục vụ cho cổ động viên”, anh Lượng cho biết. “Cùng hàng triệu con tim người Việt, chúng tôi hướng về trận chung kết trong mơ với niềm tin chiến thắng”.
Trắng đêm cùng U23
Ở bên kia bán cầu, nơi cách Việt Nam tới 12 tiếng, tình yêu với bóng đá của người Việt tại Mỹ đã xóa tan trở ngại về cả không gian và thời gian. Khi tiếng còi khai cuộc vang lên lúc 15h trên sân Thường Châu, Trung Quốc, tại Mỹ mới là 3h sáng. Tuy nhiên điều này không ngăn cản được họ thức cùng U23.
“Chúng mình đã mua máy chiếu và màn hình 100 inch đặc biệt chỉ phục vụ cho buổi xem bóng đá tại nhà hàng Việt Hello Saigon”, Trang Le, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại thành phố New York cho hay. “Chúng mình sẽ ra Quảng trường Thời đại phất cờ Việt Nam bất kể đội tuyển thắng hay thua”.
Chị Đào Phương, người đã có 6 năm sống ở New York, hôm nay lại tất bật dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị đồ ăn đêm để đón bạn bè tới cùng xem bóng đá thay vì ra ngoài. Một người trong nhóm phụ trách chuẩn bị cờ xí để cổ vũ, riêng nhà chị Phương thì luôn có sẵn áo và cờ đỏ sao vàng mang từ Việt Nam sang.
“Thật sự lâu lắm rồi tôi mới lại thấy tình yêu Tổ quốc bùng cháy và lan tỏa mạnh mẽ như thế”, chị chia sẻ. Hôm Việt Nam gặp Qatar ở trận tứ kết, hai vợ chồng chị chỉ xem lại qua mạng nhưng vẫn hồi hộp không kém, thậm chí mải mê đến mức quên cả đưa con trai đi học.
“Chẳng hiểu Alex quan sát bố mẹ xem bóng đá thế nào mà một lúc sau bé đi quanh nhà, tay vẫy vẫy, miệng hô ‘Việt Nam, Việt Nam’ “, chị kể về cậu con trai 5 tuổi. “Đi khám bác sĩ vào buổi chiều, Alex khoe loạn lên rằng Việt Nam chiến thắng. Được mẹ dẫn ra quảng trường Thời đại chơi, bé cũng nhún nhảy, luôn miệng hô ‘Việt Nam’ “.
Bé Alex mừng chiến thắng của U23 Việt Nam ở trung tâm New York
Chị Phương rất ngạc nhiên bởi con trai sinh ra ở New York và chưa một lần về quê mẹ. “Tôi rất vui mừng vì U23 Việt Nam chiến thắng và niềm vui ấy đã lan tỏa mạnh mẽ đến cả Alex lúc nào không hay biết”, chị nói.
Nhìn hình ảnh người Việt Nam đổ ra đường khua chiêng gõ trống, phất cờ ăn mừng sau hai trận thắng gần đây, anh Huỳnh Thiên Quốc, ở Hawaii, lại bồi hồi, nhớ về thời gian còn ở TP HCM. May mắn, anh có thể thoải mái reo hò, cổ vũ cho đội tuyển nước nhà tại tiệm trà sữa do anh làm chủ nằm trong một khu vực kinh doanh riêng mà không sợ ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh. Rạng sáng 27/1, anh cùng khoảng 40 người sẽ tụ tập ở đây để thưởng thức màn trình diễn của U23 Việt Nam trước đối thủ Uzbekistan.
Anh Tran Quang Tuyen, ở thành phố San Diego, cũng có thể thoải mái cổ vũ bóng đá mà không sợ làm phiền ai bởi nhà anh có phòng cách âm tốt. Anh quyết định sẽ thức đêm xem trận chung kết ngày mai một mình mà không ra ngoài.
“Dù đấu với một đội mạnh như Uzbekistan, tôi vẫn hy vọng đội tuyển Việt Nam sẽ giành chiến thắng. Họ nhận được tình cảm lớn từ người Việt trong nước và trên toàn thế giới. Đó là nguồn động lực để U23 có thêm sức mạnh đi tới chiến thắng”, anh Tuyen nói.
Còn tại Canada, tình yêu dành cho đội bóng quê nhà đủ hâm nóng cả thời tiết giá lạnh của mùa đông phương Bắc. Đôi vợ chồng Liên và Tuấn Anh hiện sống tại Toronto theo dõi truyền hình trực tiếp qua mạng không sót trận đấu nào của đội tuyển U23 Việt Nam.
Do chênh lệch múi giờ, các trận đấu thường trùng vào lúc nửa đêm ở Canada. Sau cả một ngày làm việc mệt mỏi và công việc còn bộn bề chờ đợi vào sớm mai, đôi vợ chồng trẻ đành chọn phương án xem bóng đá trên giường.
“Hơn một thập kỷ mới được ăn và ngủ với trái bóng tròn theo đúng nghĩa đen. Khoảng cách địa lý và chênh lệch múi giờ chẳng còn nghĩa lý gì nếu bạn thực sự dành trọn tình yêu cho bóng đá vì màu cờ sắc áo”, chị Liên chia sẻ.
Miễn phí bia vì U23
Hòa chung không khí hừng hực của người Việt hâm mộ trái bóng tròn khắp 5 châu, anh Thế Sáng, một người định cư tại Berlin, Đức, cho hay nhiều nhà hàng Việt Nam ở đây thông báo sẵn sàng miễn phí bia trong thời gian diễn ra trận chung kết của U23.
Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch Ngôi nhà Việt (Viethaus) ở Berlin phục vụ bữa sáng với giá cực rẻ và màn hình “khủng” cùng bia miễn phí. Nhà hàng Ngân Tính ngừng tiếp khách trong suốt trận để nhân viên theo dõi U23 thi đấu. Tất cả các thực khách đến nhà hàng trước đó được uống bia mà không mất tiền.
“Tại trung tâm thương mại Đồng Xuân, hầu hết các nhà hàng đều mở màn hình lớn để phục vụ các fan bóng đá”, anh Sáng cho biết. “Thậm chí, một fan cuồng nhiệt đã cạo đầu thành dòng chữ ‘Việt Nam vô địch’ và nhuộm tóc theo màu cờ đỏ sao vàng”.
Tuần này, chị Lê Thanh Hương, chủ nhà hàng Acacias ở Maputo, Mozambique cũng mời cộng đồng người Việt đến xem bán kết và chung kết giải U23 châu Á và ăn nhậu hoàn toàn miễn phí, bởi đây là sự kiện đặc biệt của lịch sử bóng đá nước nhà. Dự kiến có khoảng 30 – 40 người Việt sẽ tham gia cổ vũ cho U23 Việt Nam tại nhà hàng Acacias lúc 10h sáng.
“Tôi rất vui vì nơi này trở thành cầu nối để cộng đồng gần nhau hơn”, bà chủ quán nói.
Để chuẩn bị cho trận đấu giữa Việt Nam và Uzbekistan, nhà hàng đã treo cờ, dựng màn hình máy chiếu. Chị Hương cũng cho các nữ nhân viên người Mozambique mặc áo dài cờ đỏ sao vàng đã may sẵn từ trước ở Việt Nam theo số đo riêng để lan tỏa hình ảnh quê hương.
“Tôi hy vọng đội tuyển Việt Nam sẽ giành chức vô địch, đánh bại Uzbekistan với tỷ số 2-1 trong trận chung kết sắp tới”, chị nói.
Chị Như Quỳnh de Prelle, ở Brussels, Bỉ, thì không muốn dự đoán về kết quả của U23 Việt Nam, bởi “những gì họ làm đã là điều kỳ diệu rồi và điều kỳ diệu ấy sẽ tiếp tục vào 27/1”.
Những ngày qua, nhìn hình ảnh đường phố Việt Nam rợp màu cờ đỏ và tiếng reo hò của mọi người, lòng chị lại trào lên nỗi nhớ Hà Nội, nhớ về những trận đấu mà chị từng xem, dù thắng hay thua, nhớ cả những giọt nước mắt của bạn bè. Cũng như bao người Việt xa quê hương khác, chị hồi hộp cập nhật thông tin nóng hổi về đội tuyển U23 qua Facebook cùng gia đình ở Việt Nam như một cách tiếp lửa mạnh mẽ nhất có thể khi không được ở quê nhà để ra đường hòa chung niềm vui với mọi người.
“Người Bỉ cũng thường ra đường reo hò, treo cờ ngoài ban công mỗi khi đội tuyển bóng đá của họ chiến thắng”, chị nói. “Khi tôi thông báo Việt Nam lọt vào chung kết giải U23 châu Á, ông xã người Bỉ của tôi cũng chúc mừng Việt Nam dù không rành về giải đấu này. Bóng đá như một sự kết nối vô hình giúp mọi người bộc lộ những nét đáng yêu mà do cuộc sống bận rộn hay xa cách nên bấy lâu nay không ai thể hiện”.
Ngày hôm nay là một ngày đặc biệt với chị Quỳnh, không chỉ vì trận cầu lịch sử mà còn vì đây là ngày gia đình tổ chức sinh nhật chung cho bố chồng và vợ chồng chị.
“Niềm vui riêng hòa cùng niềm vui chung của U23 Việt Nam khiến chúng tôi hân hoan hơn. Nếu đội tuyển vô địch thì có lẽ đây sẽ là một kỷ niệm rất đẹp cho năm mới này”, chị nói. “Tuy nhiên, trong bóng đá, thắng hay thua phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cái làm tôi vui nhất đó là Việt Nam đã có một thế hệ cầu thủ mới đầy tiềm năng, mạnh mẽ, chững chạc và tự tin”.
Nhóm phóng viên/vnexpress