Nước Anh là nơi tôi học bài học thắt dây an toàn khi ngồi trên xe hơi, sau bốn năm có bằng. Từ bữa lái xe ở đây, tôi không còn kiểu thích là lượn phố như ở nhà.
Một chiếc Rolls-Royce chạy trên đường phố London - Ảnh; BMW Blog
Tất cả được “quy ra thóc”
Năm đó, 2004, mặc dù đã lái xe bốn năm ở Việt Nam, tôi chả bao giờ thắt dây an toàn, khi học lái xe thầy không dạy, khi đi thi thầy không nhắc, xung quanh lúc đó mọi người lái xe hình như cũng đều thế cả. Đến khi qua Anh chơi, lần nào lên xe, dù ngồi băng sau, cũng luôn luôn được nhắc thắt dây an toàn, kèm theo lời dọa: 70 bảng tiền phạt đấy!
Thế là sau đúng một tuần, lên xe nếu không thắt dây an toàn là thấy chống chếnh, không yên. Nhất là ở vị trí lái, dây không thắt đố đi được.
Đó là một bài học đánh thẳng vào cái ví của tư bản và rất hiệu quả. Đến lần này trở lại, thực hiện chuyến lái xe xuyên Anh lần đầu tiên, lại được dạy bài học mới: bài học thu tiền đường của người Anh.
Cũng như Đức, khắp nước Anh không có trạm thu phí (Toll Gate) nào dù là đường quốc lộ, tỉnh lộ hay cao tốc. Phí này đã nằm trong đăng ký lưu hành của xe. Giao thông - giao thương vì thế mà thông thoáng, không có nút thắt hay chốt chặn nào.
Nghe tôi kể chuyện lái xe xuyên Việt phải qua hơn 20 trạm soát vé, người bạn ở đây tròn mắt bảo thế xe mày chắc chẳng lên tới số 6 đâu nhỉ! (6 là số cao nhất của hộp số sàn, khi xe duy trì tốc độ trên 60km/h).
Nhưng đó là khi xe lưu thông, chứ khi đỗ lại (dừng, đậu) thì chuẩn bị trả phí ngay. Những vị trí đậu xe thường xuyên (trước cửa nhà, khu vực riêng...), muốn đậu phải có thẻ, mà thẻ này thì đóng tiền tùy theo thời gian yêu cầu.
Còn với khách lái xe vãng lai như tôi, thì chỉ còn cách đậu xe trả tiền trong bãi hoặc khu vực đậu xe trả tiền ngoài đường.
Điểm này thì cũng tương tự nhiều quốc gia châu Âu khác, nhưng ở Anh quy định ngặt nghèo hơn. Đậu xe trong bãi (Parking) thì còn đỡ (tính tiền theo giờ, từ 5-6 giờ trở lên trả mức tối đa, khoảng 15-16 bảng tương đương 450.000-480.000 đồng), đậu xe ngoài đường (tiện cho nơi đến) thì rất nhiều nơi quy định tối đa chỉ được đậu hai tiếng, sau đó phải dời qua chỗ khác (trả tiền tiếp)!
Biển nhắc nhở không đậu xe quá 2 giờ ở khu vực dịch vụ bên đường cao tốc -Ảnh: Thủy Phạm
Có một số nơi cho phép đậu xe miễn phí, như tại các khu vực dừng chân nghỉ ngơi, đổ xăng... dọc đường, cũng chỉ cho đậu tối đa hai tiếng, nếu muốn đậu lâu hơn thì xin mời trả phí.
Tất cả đều đánh vào túi tiền và cả sự bất tiện của người đi xe hơi để hạn chế tối đa việc xe cá nhân chiếm dụng không gian công cộng, chứ không đánh vào việc người dân sử dụng xe.
Sử dụng xe ư, tha hồ, giá xe ở đây rẻ cỡ 1/2 ở Việt Nam, nhưng chiếm dụng không gian thì mời trả phí, càng chiếm dụng lâu tiền phí càng cao.
Việc kiểm soát lượng xe vào các “điểm nóng giao thông” như vùng 1 ở London, các khu vực trung tâm những thành phố lớn cũng rất... thực tế. Để hạn chế lượng xe cá nhân đổ vào vùng 1, vùng lõi London, chính quyền thành phố áp dụng luật 12 bảng, tức từ 8h30 sáng tới 6h chiều, xe từ các vùng 2, 3, 4 vào vùng 1 (tương tự ở các quận Hà Nội đổ vào quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, hay ở TP.HCM dồn vào quận 1, 3) đều bị đánh phí 12 bảng/lần.
Việc thu phí này thực hiện bằng camera đặt ở các khu vực cửa ngõ vào vùng 1, kèm theo tấm bảng lớn ghi rõ: Vùng tính phí.
Camera chụp bảng số xe và gửi thông báo tới tài khoản, chủ xe cứ thế mà trả, chậm vài ngày tiền phí sẽ tự động tăng dần. Ở các trung tâm thành phố lớn thì duy trì khu vực “Kiểm soát lưu thông theo giờ” (cũng từ 8h30 sáng đến 6h chiều từ thứ hai tới thứ sáu hoặc thậm chí cả thứ bảy, chỉ “xả giàn” chủ nhật), tức chỉ những xe có giấy phép (đóng phí theo thời gian nhất định) mới được phép đi vào. Nếu cố tình sẽ bị phạt rất nặng. Tất cả đều được “quy ra thóc”.
Biển báo cấm ôtô vào một số tuyến đường trung tâm thành phố.- Ảnh: Thủy Phạm
Cốt lõi của thu phí
Điều hay là, để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt vào nội thành, ở Anh có một hình thức trung chuyển rất hợp lý và nghe khá hấp dẫn là Park & Ride.
Tức là cách trung tâm thành phố chừng 10km, có những bãi đậu xe lớn hoàn toàn miễn phí và từ đây có xe buýt vào thành phố, với mức giá chỉ bằng 1/10 giá đậu xe trong trung tâm.
Thu phí đường kiểu Anh suy cho cùng là thu phí ý thức sử dụng xe của người dân. Từ bữa lái xe ở đây, tôi không còn kiểu thích là lượn phố như ở nhà.
Đi đâu, chọn thời điểm nào, có nhất thiết phải lái xe riêng không... đã trở thành những lập trình mới, y như 13 năm trước tôi được lập trình việc thắt dây an toàn khi lên xe vậy.
Nguồn: Theo Tuổi Trẻ