Nhiều người Việt ở Pháp, Đức, Anh thắt chặt chi tiêu khi vật giá leo thang chóng mặt, trong khi lương không tăng và việc làm khan hiếm.
"Anh nhập khẩu rất nhiều năng lượng, nên khi giá xăng dầu tăng thì hàng hóa cũng tăng theo", Hải Nguyễn, 33 tuổi, giảng viên tại thành phố Portsmouth, Anh, nói với VnExpress về tình trạng "bão giá" ở nước này gần đây. "Giá khí đốt, điện tăng chóng mặt, khiến tiền thuê nhà tăng theo. Nhà tôi thuê đã tăng giá gần 10%".
Anh ghi nhận mức lạm phát 9,1% trong tháng 5, cao nhất kể từ năm 1982 và cũng là mức tăng lớn nhất trong nhóm các nước G7. Báo cáo được Cơ quan thống kê dữ liệu Eurostat của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 1/7 cho thấy giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro tăng 8,6% trong tháng 6.
Thợ đóng tàu Đức cầm biểu ngữ "Hãy ngăn chặn quái vật lạm phát" tại khu Bert-Kaempfert-Platz, thành phố Hamburg, Đức, ngày 10/6. Ảnh: AFP.
Đây là mức tăng kỷ lục trong hàng chục năm qua, một phần do giá năng lượng tăng vọt ở mức 41,9% trong một năm qua vì tác động từ khủng hoảng Ukraine. Tình trạng lạm phát và bão giá đã tác động đáng kể đến cuộc sống của người Việt ở châu Âu.
Hải Nguyễn cho hay các mặt hàng đều tăng giá, trong khi lương không tăng, buộc nhiều gia đình phải tìm cách tiết kiệm, cắt giảm chi phí. "Người Việt mình về cơ bản biết cách 'khéo ăn thì no, khéo co thì ấm', song nhiều gia đình đông con mà thu nhập eo hẹp thì khó khăn hơn nhiều", anh nói.
Hoàng Trang, người làm trong lĩnh vực nhân sự đã sinh sống tại Anh 6 năm, cho biết lạm phát tăng cũng làm thay đổi thị trường việc làm.
"Người Anh đang ngần ngại bỏ việc do tình trạng thiếu việc làm", Trang, 23 tuổi, nói, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc vì chị cũng vừa mất một công việc làm thêm. Mặc dù thu nhập dư dả, Trang cũng phải thắt chặt chi tiêu, hạn chế ăn ngoài do "giá cả đang rất đắt".
Đỗ Nguyên Chiến, lễ tân khách sạn tại Tây Ban Nha, chia sẻ tình trạng tương tự. "Tất cả mọi thứ từ xăng dầu, khí đốt, tiền thuê nhà đều tăng, trừ lương", Chiến nói. "Giá thực phẩm đặc biệt tăng mạnh, thịt ba chỉ đã cao hơn gấp rưỡi".
Lạm phát tại Tây Ban Nha trong tháng 6 tăng 10,2%, mức cao nhất trong 37 năm qua, chủ yếu do ảnh hưởng từ giá nhiên liệu và thực phẩm, theo Viện Thống kê quốc gia của nước này.
Người Đức và Pháp cũng quay cuồng trong cơn bão giá. "Giá thực phẩm tại các cửa hàng tăng 1,5-2 euro, đặc biệt là dầu ăn và đồ ngũ cốc, còn xăng tăng gấp đôi", Quỳnh Anh, 23 tuổi, sinh viên tại Paris, thủ đô Pháp, cho biết. "Bình thường tôi chi khoảng 50 USD cho mỗi lần đổ xăng, nhưng hiện phải trả hơn 100 USD".
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại khu vực đồng euro tính đến tháng 5/2022. Đồ họa: Trading Economics.
Chị Tú Mai, lập trình viên tại Hannover, Đức, cho hay giá cả tăng khiến một số mặt hàng thực phẩm như dầu ăn, bột mì, các loại mì trở nên khan hiếm. "Lạm phát tăng cao còn khiến thu nhập của nhiều người làm kinh doanh trở nên bấp bênh", chị Mai nói.
Điều nhiều người Đức lo ngại hiện nay là nguồn cung khí đốt, do nước này phụ thuộc rất lớn vào nguồn khí đốt được Nga cung cấp. Giá khí đốt ở Đức trong tháng 5 đã tăng 55,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá nhiên liệu tăng 41%, khiến lạm phát lên mức 7,9%, theo Cơ quan Thống kê Liên bang (Destatis).
Trước tình trạng lạm phát tăng kỷ lục, nhiều nước châu Âu đã có các chính sách nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của bão giá đến đời sống người dân.
Quỳnh Anh cho biết chính phủ Pháp đang hỗ trợ tiền thuê nhà để giúp người dân bớt khó khăn, trong khi các công ty xăng dầu cũng có chính sách giảm giá để san sẻ gánh nặng với người tiêu dùng.
Hãng TotalEnergies của Pháp cuối tháng 6 thông báo giảm giá tại các trạm xăng của hãng thêm 0,12 euro (0,13 USD) một lít, có hiệu lực cho đến hết tháng 8. Cộng với khoản hỗ trợ 0,18 euro/lít hiện nay của chính phủ Pháp, người dân mua xăng tại các trạm của TotalEnergies được giảm 0,3 euro mỗi lít.
Chính phủ Đức áp dụng các chính sách can thiệp như giảm giá dịch vụ giao thông công cộng, giảm thuế nhiên liệu, giúp lạm phát ở nước này giảm nhẹ xuống mức 7,6% tháng trước.
Tuy nhiên, người Việt ở châu Âu bày tỏ lo ngại về tình hình diễn biến phức tạp hơn trong những tháng cuối năm, khi thời tiết trở nên lạnh giá. "Giờ là đầu hè, mọi người đang lo ngại giá xăng, chưa thực sự quan tâm đến mùa đông sắp tới", chị Mai cho hay.
Một phụ nữ đi mua sắm tại vùng Biscarrosse, tây nam nước Pháp, trong Landes, ngày 29/6. Ảnh: AFP.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cuối tháng trước cảnh báo nước này có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí đốt nghiêm trọng hơn so với cú sốc dầu mỏ năm 1973, với kịch bản xấu nhất diễn ra vào mùa đông, khi người dân khó chi trả tiền khí đốt sưởi ấm.
Tại Anh, Hải Nguyễn cũng có chung "nỗi lo mùa đông" nếu giá khí đốt tiếp tục leo thang. "Mùa đông năm ngoái, tôi chi khoảng 240 bảng/tháng tiền điện, khí đốt để sưởi ấm cho căn hộ hai phòng ngủ, hiện hóa đơn đã lên 360 bảng", anh nói. "Nếu chi phí sưởi ấm tăng lên 400 bảng hoặc hơn, chắc tôi phải mặc áo bông chịu rét".
Đức Trung