Nhiều người Việt làm việc tại các trang trại trồng cần là nạn nhân của nạn buôn bán người

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra những người di cư bị bắt tại các trang trại cần sa là nạn nhân của nạn buôn người và “cho vay lãi” - tuy nhiên việc này thường bị cảnh sát bỏ qua.

Các nhà nghiên cứu tội phạm của đại học Cambridge, bao gồm một Thanh tra đã lấy bằng Thạc sĩ, kết luận lực lượng chức năng còn thiếu hiểu biết về hình thức nô lệ hiện đại và thường bỏ sót chi tiết này khi thẩm vấn những đối tượng bị bắt trong các cuộc đột kích trang trại cần sa. 

Những người này - thường là công dân Việt Nam – không bị giam cầm tại các trang trại, tuy nhiên lại phải làm việc do bản thân và người nhà bị các đối tượng buôn người đe dọa. Những “công nhân bất đắc dĩ” này cũng khó tìm được sự trợ giúp do bất đồng về ngôn ngữ và ít hiểu biết về luật pháp.

Các sĩ quan thường không được đào tạo về hình thức nô lệ hiện đại và chỉ hỏi “chiếu lệ” những nạn nhân vốn không hiểu gì về hoàn cảnh hiện tại của họ.

Kết quả là nhiều người di cư phải ngồi tù trong nhiều năm trên đất Anh mặc dù chính họ cũng là nạn nhân, bị các băng đảng giữ hộ chiếu, đánh đập, bắt ép tham gia sản xuất chất cấm mà không thể kêu cứu.

“Các vi phạm quyền tự do trong các trang trại cần sa khá khác biệt so với nhận thức thông thường về việc sử dụng nô lệ”, Giáo sư Heather Strang, tác giả chính của nghiên cứu, nói, “Các nạn nhân bị giam giữ trái với ý muốn, buộc phải làm việc và không thể rời đi, mặc dù cánh cửa đến tự do luôn mở trước mắt họ”.

Bà Strang cũng cho rằng hệ thống pháp lý cần cân nhắc khía cạnh đạo đức khi xử lý các vụ án với nạn nhân là “nô lệ hiện đại”, những người nhập cư bất hợp pháp bị ép tham gia hoạt động phạm pháp.

132 1 Nhieu Nguoi Viet Lam Viec Tai Cac Trang Trai Trong Can La Nan Nhan Cua Nan Buon Ban Nguoi

Các nạn nhân thường không nhận thức được về tình trạng của mình

Nghiên cứu được công bố trên một tạp chí khoa học của Cambridge, được thực hiện bởi Thanh tra Adam Ramiz của Cảnh sát Surrey, bà Strang và Giáo sư Paul Rock từ Đại học Khoa học Kinh tế và Chính trị LSE. Đây cũng là nghiên cứu Thạc sĩ của ông Ramiz.

Các trang trại trồng cần sa thường núp bóng nhà dân hoặc các địa điểm không nổi bật ở thị trấn và vùng ngoại ô. Chất cấm loại B được trồng trong phòng tối với hệ thống ánh sáng chuyên dụng. Một “người làm vườn” phải sống tại đó để trực tiếp trông coi và “thu hoạch” cây cần sa.

 

Nghiên cứu của thanh tra Adam và các đồng nghiệp có quy mô  khá nhỏ do rất khó tiếp cận được với những “người làm vườn” sẵn sàng cung cấp thông tin. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá khá cao và cho rằng nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực còn khá mới mẻ này.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét tiền án của 19 công dân Việt Nam bị bắt liên quan đến việc trồng cần sa ở Surrey và Sussex từ năm 2014-2017, phỏng vấn chi tiết với ba “người làm vườn” khác - hai người Việt Nam và một người Albania - cũng như các cảnh sát đã thực hiện việc bắt giữ..

Tất cả “người làm vườn” đều xác nhận bị những kẻ buôn người đe dọa về thể chất cũng như tính mạng  và buộc phải làm việc cho chúng. Ngoài ra, có  hai người đã kể lại hành trình nguy hiểm đến Vương quốc Anh trong thùng xe tải, tương tự như vụ 39 công dân Việt Nam thiệt mạng ở Essex hồi năm ngoái.

Một nhân chứng kể lại đã nhìn thấy những kẻ buôn người “thủ tiêu” người khác giữa rừng. Một “người làm vườn" từng bị giam cầm trên chính đất Anh. 

Hầu hết những người này không coi mình là nạn nhân vì họ tự nguyện đến Anh quốc. Tuy nhiên, họ đã bị buộc tham gia vào các hoạt động phi pháp.

Nghiên cứu cũng chỉ ra câu hỏi của cảnh sát dành cho những nạn nhân khá đơn giản, ngắn gọn và có nhiều giới hạn: liệu “người làm vườn” có bị kìm hãm về mặt thể chất hay không. Lực lượng chức năng cũng thường tiến hành với giả định họ cố ý phạm luật.

“Nhiều sĩ quan chỉ được đào tạo về chế độ nô lệ hiện đại trong vòng một tiếng đồng hồ. Họ cũng mặc định các nạn nhân sẽ cung cấp mọi thông tin chứ không có ý định điều tra thêm”, thanh tra Adam, người dẫn đầu nghiên cứu nói”,  “Một hoặc hai câu hỏi ngắn gọn hành vi sử dụng nô lệ chỉ được đưa ra sau khi các nạn nhân được tư vấn pháp lý, đồng ý không nói gì và nhận tội”.

Cảnh sát thường cho rằng các nạn nhân không chịu mở lời và hợp tác. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chỉ ra ‘người làm vườn’ là nạn nhân của nạn buôn bán người thường được khuyên “đừng nói gì cả”.

Các nhà khoa học cũng kêu gọi cảnh sát “định hình lại” nhận thức của họ đối với các trang trại trồng cần sa “xem xét đầy đủ hơn”các trường hợp nô lệ thời hiện đại. Sĩ quan tại tuyến đầu cũng cần được đào tạo chi tiết và sẵn sàng giao những vụ án đặc biệt cho các nhà điều tra chuyên môn.

Dame Sara Thornton, Ủy viên Chống Nô lệ hoạt động Độc lập của Anh, cho rằng nghiên cứu “là đóng góp đáng hoan nghênh trong việc xây dựng phương pháp dựa trên chứng cứ và số liệu nhằm ngăn chặn nô lệ thời hiện đại”.

“Đạo luật Phòng chống Nô lệ Hiện đại bao gồm biện pháp bảo vệ của pháp luật đối với những nô lệ thời hiện đại bị buộc phải thực hiện hành vi phạm tội. Cảnh sát cần điều tra tất cả các khả năng trong những vụ án phức tạp như vậy”, bà Thornton nói.

 “Chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn nữa, tuy nhiên những khoản nợ và sự đe dọa thường trực này cho thấy việc trồng cần sa có liên quan đến chế độ nô lệ hiện đại và vùng xám giữa phạm nhân và nạn nhân trong những trường hợp này có thể là điểm mù đối với cảnh sát Anh”, thanh tra Adam cho biết.

Theo Euasia Review

Bài liên quan