Dưới cái lạnh giá -3 độ trong một buổi sáng mùa đông, khoảng hơn 100 người Việt biểu tình trước cổng Tòa Thượng thẩm ở London, Royal Courts of Justice.
Chị Nguyễn Thị Tám: "Những gì họ làm sai thì họ bị phạt, nhưng những gì họ bị vu oan thì tòa phải minh oan cho họ."
Nhiều người đã đi hàng trăm km từ các tỉnh khác từ đêm trước về London để kịp có mặt từ đầu giờ sáng.
Bên trong đang diễn ra phiên kháng cáo vụ án 'nô lệ thời hiện đại'.
Các bị cáo và nạn nhân đều là người Việt và gốc Việt.
Một tiệm làm móng tay bị kiểm tra. Những người thợ không có giấy tờ bị bắt giữ. Họ khai rằng họ bị bắt làm việc mà không được trả lương.
Giới chức Anh tiến hành điều tra, truy tố chủ lao động tội buôn người.
Cuối năm 2017, ở cấp xử sơ thẩm, ba bị cáo bị kết tội theo Đạo luật Nô lệ Hiện đại 2015 của Anh với mức 5 năm tù đối với Thu Huong Nguyen (Jenny), 48 tuổi, Viet Hoang Nguyen (Kent), 29 tuổi, 4 năm tù, và Giang Huong Tran (Susan), 2 năm án treo.
Phiên phúc thẩm hôm 23/1/2019 ra phán quyết với nội dung giữ nguyên mức án sơ thẩm.
'Nạn nhân của tình trạng buôn người'
Theo cáo trạng, hai phụ nữ trẻ đã bị buộc phải làm việc mà không được trả lương, và phải ngủ trong tầng áp mái của tiệm nail của bà Thu Huong Nguyen ở trung tâm thành phố Bath, cách London khoảng 100 dặm về phía tây.
Giới chức cũng tìm thấy hơn 60 ngàn bảng tiền mặt giấu trong gấu bông ở tủ quần áo của bà Thu Huong Nguyen tại Bath.
Bà Charlotte Tucker từ Cảnh sát hạt Avon và Somerset nói rằng hai người này là nạn nhân "bị những kẻ buôn người coi như món hàng hóa".
Khai là trẻ vị thành niên, họ từng được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội hồi 2/2016 sau khi bị phát hiện làm việc bất hợp pháp tại tiệm nail của bà Thu Huong Nguyen.
Giới chức tìm được 60.000 bảng tiền mặt giấu trong con gấu bông ở nhà bà Thu Huong Nguyen
Chỉ sau vài tuần, hai người này trốn khỏi trung tâm bảo trợ xã hội và đầu 3/2016 tới làm việc tại tiệm nail của hai vợ chồng Viet Hoang Nguyen và Giang Huong Tran ở Burton upon Trent, cách Bath khoảng 130 dặm về phía bắc.
Dấu vết nhanh chóng được lần ra trong ít hôm.
Tại tiệm nail ở Burton upon Trent, cảnh sát còn bắt thêm được một người nữa, cũng làm việc mà không có giấy tờ.
Cuộc sống trong cộng đồng
Anh Lê Anh Tuấn: "Thực tế diễn ra không như những gì mọi người nghĩ."
Thu Huong Tran và Viet Hoang Nguyen bị tòa sơ thẩm kết tội đã dàn xếp vận chuyển người nhằm khai thác, lợi dụng.
Cạnh đó, họ bị kết tội đã buộc người khác phải lao động cưỡng bức, tội danh mà Giang Huong Tran cũng bị án.
Nhiều người Việt ở Anh cho rằng kết luận của tòa là oan ức.
Cộng đồng thậm chí đã kêu gọi quyên góp để hỗ trợ các bị cáo. Chỉ trong ba ngày, số tiền quyên được đạt hơn 10.000 bảng, được dùng để thuê trạng sư tham gia tranh tụng.
"Chúng ta tới đây làm ăn sinh sống, không bao giờ bóc lột một người nào," một người cầm loa phát biểu trước cổng tòa án. "Tôi phản đối những điều không đúng sự thật đang được đưa ra với những người đang bị xét xử."
Người biểu tình cũng hô vang các khẩu hiệu bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt với nội dung "Không có nô lệ hiện đại trong ngành nail của người Việt", "Công lý cho Susan Trần", "Công lý cho Kenny", "Hãy thả họ ra ngay".
'Bị kết án oan' cũng là tâm trạng của nhiều người có mặt trong cuộc biểu tình.
"Thực tế diễn ra không như mọi người nghĩ," anh Lê Anh Tuấn, người chuyên kinh doanh các sản phẩm phục vụ ngành nail ở London, nói. "Câu chuyện không giống những gì đang diễn ra trong cộng đồng."
"Bản thân những người bị bắt [nạn nhân] đã khai sai. Những người đang bị xét xử thực ra đã từng giúp đỡ họ [các nạn nhân] nhưng những người đó vì các lợi ích cá nhân, vì nhu cầu xin giấy tờ [để được ở lại Anh] mà dựng chuyện, vu khống cho những người đang bị xét xử," anh Tuấn nói thêm.
"Hai gia đình này bị oan," theo chị Nguyễn Thị Tám, chủ một tiệm nail ở London.
"Tôi rất bất bình về kết luận của tòa án," chị Ngô Dương Hồng, một chủ tiệm nail từ Southport, xứ Wales, đi xe hàng trăm cây số về London để tham dự biểu tình, nói.
Nhập cư bất hợp pháp vào Anh
Việc sử dụng lao động không có giấy tờ không phải là chuyện hiếm gặp trong cộng đồng người Việt nói chung, và trong ngành nail của người Việt tại Anh.
Hồi cuối 2016, đợt truy quét các tiệm nail cho thấy "phần lớn chủ tiệm có sử dụng người lao động Việt Nam bất hợp pháp", Paul Wylie, Chỉ huy trưởng của chiến dịch Magnify, Lực lượng Kiểm soát Di trú Anh, người đã tham gia đi kiểm tra một số tiệm nail có người Việt làm việc, cho BBC biết.
Ý thức được đây là điều không đúng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, một số chủ lao động vẫn tiếp nhận người không giấy tờ hợp pháp vào làm.
"Bởi vì người Việt nên giúp đỡ người Việt," chị Hồng giải thích. "Những người mới sang đây đều vì lý do kinh tế, hoặc chính trị, xã hội, muốn đi tìm cuộc sống mới. Với những trường hợp không có giấy tờ thì chúng tôi có thể giúp họ có công ăn việc làm, giúp họ có một khoản tiền để lo cho cuộc sống."
"Khi họ tìm đến và nói họ không có chỗ ăn chỗ ở, những người chủ tiệm nhận họ vào làm chấp nhận rằng họ không có nhà, cho nên đều phải lo chỗ ăn, chỗ ở."
Việc nhận người cũng có thể do "lỗ hổng pháp lý", theo anh Tuấn.
"Chủ tiệm nail chỉ có thể xem giấy tờ như luật pháp quy định. Nếu họ cung cấp giấy tờ giả thì chủ tiệm nail hoàn toàn không có khả năng thẩm định," anh Tuấn nói. "Đó là những gì thực tế đang diễn ra."
Pháp luật, tội danh, hình phạt
Tuy nhiên, "cho dù người lao động và chủ tiệm có sự thỏa thuận từ trước, họ đều vi phạm luật pháp Anh," theo lời ông Paul Wylie.
Hơn nữa, các chủ lao động dường như không lường trước được hậu quả của việc sử dụng lao động không giấy tờ nếu bị phát hiện.
Theo cách hiểu của nhiều người Việt tại Anh, hành vi vi phạm này sẽ bị phạt tiền.
Đây cũng là điều đã xảy ra với nhiều trường hợp trong các năm trước, với mức phạt cao nhất là 20 ngàn bảng Anh cho chủ thuê lao động đối với việc thuê mướn một nhân công bất hợp pháp.
Chị Ngô Dương Hồng: "Chúng ta là cộng đồng người Việt, bởi là người Việt nên giúp đỡ người Việt."
Tuy nhiên, bị án tù do sử dụng 'nô lệ thời hiện đại' là điều chưa từng xảy ra đối với cộng đồng người Việt tại Anh.
Phán quyết của tòa đối với Thu Huong Nguyen va Viet Hoang Tran khiến nhiều người choáng váng.
"Tình trạng sử dụng thợ nail không có giấy tờ ở đây diễn ra khá phổ biến, và những ai vi phạm thì đáng bị phạt," chị Tám nói. "Những gì họ làm sai thì bị phạt là đúng, nhưng những gì họ bị vu oan thì tôi muốn tòa phải minh oan cho họ, không thể đẩy họ vào vòng tù tội."
"Nói rằng có tình trạng nô lệ thời hiện đại trong ngành nail của người Việt ở đây là không công bằng, không đúng sự thực," chị Hồng tiếp lời.
Cảm tính của người Việt trong việc 'giúp đỡ người chưa có giấy tờ, không có công ăn việc làm, giúp có chỗ ăn chỗ ở' đã khiến họ rơi vào thế 'tình ngay lý gian' trong xã hội ở đây Nhà báo Nguyễn Giang, BBC |
Theo nhà báo Nguyễn Giang của BBC, thì khái niệm cầm giữ, buôn bán nô lệ thời hiện đại rất khác với cách hiểu thời xưa.
"Việc cho thuê nhà rồi trừ tiền thuê, tiền ăn vào tiền công làm ở tiệm nail hay ở bất kỳ một cơ sở kinh doanh nào đó, đối với giới chức Anh, là một hình thức nô lệ," nhà báo Nguyễn Giang bình luận.
"Cảm tính của người Việt trong việc 'giúp đỡ người chưa có giấy tờ, không có công ăn việc làm, giúp có chỗ ăn chỗ ở' đã khiến họ rơi vào thế 'tình ngay lý gian' trong xã hội ở đây."
"Theo quy định của Anh thì một người nếu vào Anh không hợp pháp thì bất kỳ việc gì họ làm, cho dù là ở tiệm nail hay việc khác, cũng đều là không hợp pháp."
"Những chủ lao động nhận họ vào làm là vi phạm pháp luật và bị phạt rất nặng. Nếu người lao động bị tìm ra theo vết tích đi vào Anh theo cách nào đó, chẳng hạn như chui vào xe thùng, đường tàu biển lậu, thì đối với giới chức Anh, đó là một dạng nô lệ hiện đại."
'Công nghệ' khai báo của người nhập cư bất hợp pháp
Lời khai không đúng sự thật của các di dân bất hợp pháp cũng đang là một yếu tố gây bất lợi cho cộng đồng người Việt tại Anh, theo một số ý kiến.
Việc khai sai là 'rất phổ biến', theo lời anh Lê Anh Tuấn. "Người đi trước dựng chuyện khai bậy, rồi họ xin được giấy tờ. Họ dạy cho những người sang sau."
Một yếu tố được sử dụng khá nhiều là khai dưới tuổi thành niên.
"Nhiều người khi sang tới đây đã quá tuổi trưởng thành từ lâu rồi nhưng vẫn khai là dưới 18 tuổi nhằm đạt mục đích xin giấy tờ," anh Tuấn nói.
"Những người bị bắt toàn khai mình là trẻ em. Nhưng thực sự nếu họ là trẻ em thì họ sẽ ở lại trung tâm bảo trợ xã hội, để được đi học, có một tương lai tốt hơn," chị Hồng khẳng định, thay vì bỏ trốn và đi tìm việc làm.
Trong vụ án 'nô lệ hiện đại', các nạn nhân khai rằng họ đã không được trả lương, điều mà những người hoạt động trong ngành nail ở Anh cho là 'hoàn toàn bịa đặt'.
"Thời này chủ chiều thợ hơn cha," một chủ tiệm nail không nêu tên nói với BBC.
Thế nhưng, "họ đi làm, khi bị bắt thì dựng chuyện, tạo hậu quả rất xấu cho các chủ tiệm nail," anh Tuấn nói.
"Những lời khai của các cá nhân như thế không có lợi cho cộng đồng, cho cả tương lai của cộng đồng," Phạm Văn Nho, một người biểu tình khác, nói với BBC.
"Lời khai của một số người mang tính chất cá nhân đã được Bộ Nội vụ dựa vào, nhưng tôi và mọi người không tin vào những lời khai [sai trái] đó, những lời khai sẽ trở nên rất bất lợi cho cộng đồng người Việt."
Những bức xúc, lo lắng và bất bình của người biểu tình hôm 23/1 đã không đủ mạnh để tác động tới phán quyết của tòa.
Nhưng liệu kết quả phiên xử liệu có gióng lên hồi chuông làm thay đổi nhận thức của cộng đồng người Việt trong vấn đề 'nô lệ thời hiện đại'?
Tuy nhiên, có một điều rõ ràng, là vụ việc cho thấy nhiều người đã cảm nhận được rất rõ ràng về tác động của phiên xử tới tương lai nghề nail của người Việt tại Anh, và về sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng trong những thời điểm quan trọng.
Nguồn: BBC