"Nhớ nhà" là nỗi niềm của các du học sinh khi xa quê hương, đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến. Với họ, năm nay là một năm đặc biệt bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và căng thẳng.
Huyền Ngân, 19 tuổi, sinh viên Đại học Lyon 1 (Pháp)
Gần 1 năm Ngân đến với nước Pháp, cô bạn chia sẻ: "Đây là năm đầu tiên mình đón tết xa nhà. Nơi mình ở là một thành phố nhỏ, vì ít người Việt ở đây nên không có không khí tết.
Tình hình dịch cũng đang khá căng thẳng, mỗi ngày có khoảng hơn 20.000 ca mắc mới nên cuộc sống sinh hoạt bị hạn chế khá nhiều. Cuộc sống của mình diễn ra chỉ ở trường rồi về nhà.
Vì vậy, khi thấy bạn bè đang rục rịch chuẩn bị về nhà đón tết, bản thân mình không tránh khỏi cảm giác tủi thân và nhớ nhà."
Ngân cũng cho biết, các du học sinh năm đầu thường gặp khó khăn trong việc bắt nhịp với lối sống sinh hoạt, học tập và đặc biệt là khi đối mặt với dịch bệnh. Cô bạn rèn luyện cho mình khả năng thích ứng và suy nghĩ tích cực, tự tạo niềm vui cho bản thân để vượt qua những thử thách trước mắt.
Hữu Thạch, 21 tuổi, Trường ECC, thành phố Osaka (Nhật Bản)
Học tập ở thành phố Osaka hơn 2 năm nhưng đây là năm thứ 3 anh chàng này đón tết ở xứ sở hoa anh đào. Những du học sinh như Thạch thường đón tết bằng cách đi đâu đó ăn uống với bạn bè và cùng đón giao thừa. Trước sự bùng phát lần thứ 3, chính phủ Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp trở lại nên Thạch phải nghỉ công việc bán thời gian ở nhà hàng.
Anh chàng tâm sự: "Mỗi ngày, Osaka có số ca nhiễm lên từ 300 đến 400 ca. Từ những đợt dịch trước mình cũng đã ý thức được bản thân cần phải làm gì để bảo vệ sức khỏe.
Thời gian này mình dành để học tập, ôn thi vào chuyên ngành kinh tế của một trường đại học ở Nhật. Mong rằng sang năm mới, dịch bệnh sẽ sớm qua đi để cuộc sống có thể quay trở lại như trước."
Ngọc Trang, 22 tuổi, sinh sống và học tập tại thủ đô Moscow (Liên Bang Nga)
Nhắc về Tết, Trang hồi tưởng: "Lúc mới sang, mình và bạn cùng phòng dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, cùng ngóng xem Táo Quân và bàn luận xem ai sẽ xông nhà. Đúng 12 giờ đêm, hai đứa cầm điện thoại ngồi hai nơi để gọi về gia đình, bạn bè chúc mừng năm mới. Mình biết cái tết xa nhà không thể so sánh với thời còn ở Việt Nam nhưng mình nghĩ rằng, Tết đã ở trong tim thì đi đâu cũng thấy Tết."
Cô bạn cho biết dịch bệnh ở Nga hiện đang có chiều hướng giảm xuống, số ca nhiễm mới ở Moscow vẫn trên 1.000 ca. Việc hạn chế đi lại cũng khiến cho Trang cảm thấy tiếc nuối.
"Cuộc sống thường nhật của mình trước nay luôn diễn ra trong 1 căn phòng. Vì vậy, thời gian rảnh mình thường ra ngoài, đến những thành phố khác của Nga để cảm nhận trọn vẹn nhất vẻ đẹp nơi này. Không thể ra ngoài khiến mình hơi cuồng chân nhưng cũng là thời gian để bản thân có thể trau dồi tiếng Nga để khi có thể ra ngoài, mình đủ tự tin giao tiếp với người bản xứ thay vì khoa chân múa tay như trước.
Mình muốn giới thiệu đến các bạn Nga về Việt Nam, đặc biệt là về các món ăn truyền thống."
Cảnh Hào, 22 tuổi, sinh viên Kinh tế tại Wabash College ở Crawfordsville, Bang Indiana (Mỹ)
Đối mặt trước tình hình dịch căng thẳng khi nơi Hào đang sinh sống đang nằm trong báo động đỏ về số ca dương tính với virus nhưng các lớp học vẫn diễn ra bình thường. Anh chàng cùng bạn bè của mình vẫn cố gắng duy trì thời gian ngồi lại, nấu nướng đơn giản và cùng nhau đón năm mới.
Hào chia sẻ: "Crawfordsville là một thị trấn khá nhỏ và về cơ bản thì cũng không có địa điểm giải trí nào thực sự đặc sắc nên chúng mình cũng chẳng quá cầu kỳ vào dịp tết.
Năm nay cũng bởi vì dịch nên mình cũng chỉ quẩn quanh ở nhà tập gym, chơi game và động viên nhau vượt qua. Thường xuyên liên lạc với gia đình giúp cho mình có nhiều động lực phấn đấu hơn. Mình cũng đang lên kế hoạch về Việt Nam sau khi tốt nghiệp vào tháng 5. Sang năm mới, mong mọi việc sẽ tốt hơn."
Tết là dịp để đoàn viên, là khoảnh khắc để tình người lan tỏa. Dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới thì ở thời điểm hiện tại, các du học sinh đều chung một mong ước vào đầu năm mới: "Cầu cho dịch bệnh chóng qua, nhà nhà an yên hạnh phúc, ai ai cũng thuận lợi hoàn thiện những hoài bão còn dang dở."
Hương Thảo